Trưởng công an xã bắt người trái luật giữa đêm khuya
Anh Nguyễn Kim Thành chỉ vào cổ tay trái, vị trí bị ông Trà còng và dùng roi điện chích vào - Ảnh: Duy Thanh
Trong đơn tố cáo gửi đến các cơ quan chức năng, anh Nguyễn Kim Thành (20 tuổi, ngụ Hòa Định Đông, Phú Hòa, Phú Yên) cho rằng mình bị ông Huỳnh Tấn Trà - trưởng Công an xã Hòa Định Đông - cùng các cộng sự bắt oan, đồng thời đánh đập, tra khảo khiến anh bị thương tích.
Bắt người, tra khảo giữa đêm khuya
Bà Võ Thị Sứ, mẹ anh Thành, kể khoảng 2g ngày 29-3, khi gia đình bà đang ngủ thì nghe tiếng kêu cửa. Chồng bà là ông Nguyễn Văn Tuất ra mở cổng thì thấy ông Huỳnh Tấn Trà cùng một công an viên, một phó chỉ huy trưởng xã đội và một dân quân đứng trước nhà. Ông Trà nói với ông Tuất đến kiểm tra hộ khẩu.
“Vừa bước vào nhà, ông Trà hỏi vợ chồng tôi là Thành có ở nhà không. Tôi nói Thành đang ngủ thì ông Trà bảo kêu dậy. Tiếp đó, ông trưởng công an xã nói họ đến mời Thành lên xã có việc, nói là có công an huyện nữa. Rồi họ dùng xe máy chở Thành đi” - bà Sứ thuật lại.
Theo lời anh Thành, khi về đến phòng làm việc của công an xã, ông Trà hỏi có phải nhóm bạn bè của Thành ném đá làm vỡ kính cửa nhà ông.
“Tôi trả lời không biết thì ông Trà dùng dùi cui đánh nhiều cái vào lưng tôi. Tôi kêu đau thì ông ấy chạy qua phòng bên cạnh, lấy còng số 8 còng tay trái tôi vào ghế rồi tiếp tục tra hỏi và dùng dùi cui đánh vào lưng, hông phải tôi. Ông ấy còn lấy roi điện chích làm tôi bị điện giật rất đau. Hơn một tiếng rưỡi tra khảo, đến gần 4g sáng ông Trà mới tháo còng để tôi đi bộ về”.
Theo bà Sứ, vừa gọi cửa, Thành ngã khuỵu và ngất đi. Bà Sứ kiểm tra thấy lưng, bụng Thành có nhiều vết đỏ bầm, sưng nề. Tỉnh lại, Thành nói với cha mẹ là bị ông Trà đánh.
“Tại sao đêm hôm ông Trà và các ông ấy đến nhà tôi kiểm tra, rồi bắt con tôi đi mà không có một giấy tờ, quyết định gì. Họ có được phép còng tay, đánh con tôi khi không có một chứng cứ gì trong tay?” - ông Tuất nói.
“Bức xúc quá nên làm tới...”
Ông Tuất nói ngay sáng 29-3, ông gọi điện thoại cho ông Trà để hỏi lý do việc bắt giữ, đánh đập Thành thì ông Trà nói bận việc.
Đến ngày 31-3, ông Trà mời bà Sứ đến công an xã làm việc. Theo bà Sứ, ông Trà cho rằng do nghi Thành và bạn bè ném đá vỡ cửa kính nhà ông nên có đến nhà kiểm tra. Việc ông bắt giữ, tra khảo Thành là sai.
“Ông Trà mong gia đình bỏ qua và chịu mọi phí tổn trong việc điều trị” - bà Sứ nói. Mấy ngày sau, vợ chồng ông Trà có đến nhà đưa 1 triệu đồng và đề nghị đừng khiếu nại nhưng gia đình bà Sứ không đồng ý.
Ngày 1-4, gia đình đưa Thành đi khám tại một phòng khám ở TP Tuy Hòa (Phú Yên) với kết quả “sưng nề mô mềm phần sau ngực cạnh cột sống hai bên”.
Ngày 4 và 5-4, bà Sứ đến Công an huyện Phú Hòa xin cho Thành đi giám định thương tật để có cơ sở xử lý về sau, nhưng nơi này không đồng ý.
“Mãi đến ngày 9-5, công an huyện mới đưa Thành đi giám định thương tật. Sáng 27-5, Công an Phú Hòa mời mẹ con tôi đến thông báo kết quả giám định Thành bị chấn thương phần mềm, tỉ lệ thương tật 0%. Tôi yêu cầu phải làm rõ hành vi bắt giữ, đánh đập tra khảo con tôi trái luật” - bà Sứ nói.
Làm việc với chúng tôi, ông Trà cho biết: “Vụ việc không đáng gì nhưng gia đình người ta làm quá lên”.
Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nhi - chủ tịch UBND xã Hòa Định Đông - khẳng định lãnh đạo xã không biết gì về việc kiểm tra hành chính cũng như bắt giữ, đánh đập anh Thành.
“Việc làm của anh Trà như vậy là sai. Nhà anh Trà bị ném đá vỡ gương, ảnh bức xúc quá. Nghĩ Thành có liên quan nên mới đi kiểm tra hộ khẩu rồi làm tới”.
Tuy nhiên theo bà Nhi, làm việc với tổ xác minh của xã, ông Trà nói khi đưa anh Thành về phòng làm việc rạng sáng 29-3, ông chỉ hỏi chứ không đánh. Sau khi vụ việc xảy ra, ông Trà đã bị đưa ra khỏi danh sách ứng cử viên HĐND xã Hòa Định Đông.
Trao đổi với Tuổi Trẻ về việc chậm cấp giấy giám định thương tật anh Thành, trung tá Hồ Huyết Thanh - phó trưởng Công an huyện Phú Hòa - cho biết khi có đơn đề nghị, công an phải kiểm tra vụ việc, nếu thấy đúng sự thật thì mới cho đi giám định.
“Việc giám định sớm hay muộn không ảnh hưởng đến kết quả giám định, vì khi người được giám định điều trị thì có hồ sơ bệnh án nơi điều trị. Ngoài giám định trực tiếp thì còn giám định trên cơ sở hồ sơ, tài liệu bệnh án nữa” - ông Thanh cho hay.
Ban nội chính
Tỉnh ủy Phú Yên giám sát việc xử lý Sau khi nhận được phản ảnh của bà Võ Thị Sứ, tôi đã điện thoại ngay cho trưởng Công an huyện Phú Hòa và được xác nhận có sự việc như thế xảy ra. Tôi đề nghị lãnh đạo Công an huyện Phú Hòa xác minh, xử lý theo quy định của pháp luật. Với trách nhiệm của một đại biểu Quốc hội, trưởng Ban nội chính Tỉnh ủy, tôi sẽ theo dõi quá trình xử lý này. Ban nội chính Tỉnh ủy đã cử cán bộ đến làm việc với Công an huyện Phú Hòa để nắm tình hình, giám sát quá trình giải quyết vụ việc. Ông NGUYỄN THÁI HỌC (trưởng Ban nội chính
Tỉnh ủy Phú Yên) Dấu hiệu vi phạm 2 tội danh Việc ông trưởng công an xã tùy tiện kiểm tra hành chính nhà dân lúc 2g sáng, sau đó bắt công dân đưa về trụ sở để giữ, còng tay, tra khảo... là có đủ dấu hiệu tội phạm cần khởi tố điều tra về các tội “bắt giữ người trái pháp luật” (điều 123 Bộ luật hình sự) và “xâm phạm chỗ ở của công dân” (điều 124 Bộ luật hình sự) với tình tiết tăng nặng định khung “lợi dụng chức vụ, quyền hạn”. Việc chậm trưng cầu giám định thương tật người bị hại có ảnh hưởng đến việc xác định sự thật khách quan của vụ án. Luật sư NGUYỄN HỒNG HÀ (phó chủ nhiệm Đoàn luật sư Khánh Hòa) |
Tác giả bài viết: DUY THANH