Trao đổi với phóng viên sáng 14-6, thượng tá Nguyễn Văn Hà, Phó trưởng Công an huyện Cư M’gar (tỉnh Đắk Lắk), cho biết đang làm rõ vụ việc chống người thi hành công vụ trong lúc tổ chức áp giải đối tượng Phan Xuân Lương (SN 1967, ngụ xã Ea Kiết, huyện Cư M’gar) lên cơ quan công an làm việc.
Hàng chục người ngăn lực lượng chức năng không cho vào nhà ông Lương. Ảnh cắt từ clip ông Lương phát trực tiếp trên Facebook |
Theo thượng tá Hà, trước đó sáng 12-6, Đội Cảnh sát Kinh tế (Công an huyện Cư M’gar) đã xuống gia đình ông Lương để thực hiện quyết định áp giải ông Lương lên làm việc liên quan đến dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy nhiên, vợ chồng ông Lương đã chống đối, đồng thời thông báo cho nhiều người khác tới ngăn cản lực lượng thi hành công vụ. Trước tình hình này, đại tá Hà Khắc Nghinh, Trưởng Công an huyện Cư M’gar đã xuống hiện trường để vận động, giải thích cho người dân. Mặc dù vậy, khoảng 30 đối tượng đã quá khích, chửi bới, xô đẩy, cắn vào tay lực lượng công an. Đồng thời, bà Võ Thị Lĩnh (SN 1967, vợ ông Lương) lấy xô đựng nước hòa phân lợn hất lên người đại tá Nghinh và nhiều cán bộ công an.
Thượng tá Hà cho biết thêm: Trước đây ông Lương đã xâm chiếm khoảng 3,5 ha đất rừng thuộc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Buôn Ja Wằm (gọi tắt là công ty) để làm rẫy. Sau khi phát hiện vụ việc, công ty đã thu hồi. Để tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, công ty cho mượn đất trên diện tích này để người dân trồng xen cây ngắn ngày và ông Lương cũng thực hiện.
Từ năm 2014 đến nay, ông Lương không làm đơn mượn đất và đưa ra thông tin đất đó của ông để cho 2 người dân thuê đất sản xuất. Riêng năm 2017, ông Lương cho 2 người này thuê với giá 20 triệu đồng. Cũng trong năm này, công ty phát hiện việc cho thuê đất trái phép nên thu hồi đất để trồng rừng. Do không sản xuất được, 2 người dân thuê đất từ ông Lương đã nhiều lần đòi lại tiền nhưng ông Lương không trả nên đã làm đơn tố cáo ông Lương về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan đã khởi tố vụ án và nhiều lần triệu tập ông Lương lên làm việc nhưng ông này không chấp hành. "Riêng năm 2018, cơ quan công an đã 4 lần gửi giấy triệu tập nhưng ông Lương không lên nên ngày 12-6 chúng tôi áp dụng biện pháp áp giải lên để làm rõ vụ việc thì xảy ra vụ chống người thi hành công vụ" - thượng tá Hà cho biết thêm.
Cũng theo thượng tá Hà, trước đây, ông Lương đã nhận khoán chăm sóc khoảng 7 sào cà phê của công ty nhưng không chịu nộp sản lượng như hợp đồng và hiện còn nợ công ty gần 10 tấn cà phê tươi và hơn 40 triệu đồng vay của công ty để đầu tư chăm sóc vườn cây. Ngoài ra, năm 2017, ông Lương cũng vận động nhiều hộ dân nhận khoán không đóng sản lượng cho công ty. Do đó, khi công an tới làm việc, vợ chồng ông Lương đã kêu gọi những hộ chây ì nộp sản lượng tới cùng chống đối. |
Tác giả: Cao Nguyên
Nguồn tin: Báo Người lao động