Điều này phần nào được lý giải bởi tháng 8 sẽ trùng với tháng Ngâu – thời điểm theo quan niệm của người Việt là hạn chế mua sắm. Bên cạnh đó, tháng 7 cũng là thời điểm cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt chính thức được “định đoạt”. Nhiều dòng xe sở hữu dung tích xy-lanh nhỏ được giảm giá nên phần nào kích cầu thị trường có phần ảm đạm trước đó.
Trong số hơn 28.000 xe kể trên có 17.514 xe du lịch, 9.334 xe thương mại và 1.156 xe chuyên dụng, tương ứng tăng 36%, giảm 10% và giảm 2% so với tháng trước. Trong khi, nếu phân loại theo nguồn gốc xe, xe lắp ráp trong nước đạt 20.726 xe, tăng 15%; xe nhập khẩu nguyên chiếc là 7.728 xe, tăng 14% so với tháng 6/2016.
Xét về thị phần, Thaco tiếp tục dẫn đầu với 25,4% của cả 3 thương hiệu Kia, Mazda và Peugeot (thị phần tính riêng lần lượt là 12,9%, 12,4% và 0,1%). Xếp thứ hai là Toyota Việt Nam với 21,5% (đã bao gồm 0,1% của thương hiệu Lexus). Như vậy tính riêng thì thương hiệu Toyota vẫn giữ ngôi đầu tại Việt Nam. Như thường lệ, Ford Việt Nam đứng thứ 3 với thị phần 11,2%.
Tác giả bài viết: Đăng Việt