Thể thao

Trọng tài vô can trong vụ "vết nhơ V-League"?

Không phải ngẫu nhiên mà sau khi VFF ra án phạt đội Long An, thay vì bàn tán mức độ nặng nhẹ như thường thấy, đồng loạt dư luận lại dấy lên câu hỏi: "Tại sao không thấy phạt trọng tài?"

Sở dĩ có những câu hỏi như vậy là bởi trọng tài (bị cho) là nguồn cơn dẫn tới những sai phạm và hai đội bóng phải trả giá đắt.

Trên sân Lạch Tray, trọng tài Nguyễn Hiền Triết thổi penalty gây tranh cãi giúp Hà Nội có được trận hòa và cổ động viên Hải Phòng sau đó xả bức xúc bằng những "cơn mưa chửi" kèm quậy phá. Còn trên sân Thống Nhất, cũng sau quyết định thổi 11m gây tranh cãi của trọng tài Nguyễn Trọng Thư, từ lãnh đạo đến ban huấn luyện và cầu thủ Long An nối nhau gây ra những hình ảnh phi thể thao mà sau này khi bình tâm lại chính họ cũng không ngờ mình lại xử sự phản cảm như thế.

Điểm chung trong 2 vụ việc nói trên đến từ quyết định phạt penalty gây tranh cãi của trọng tài chính. Tham khảo ý kiến một số HLV, cựu trọng tài, trọng tài trong nước và quốc tế, đa số ý kiến đều cho rằng hai trọng tài họ Nguyễn đã đúng. Đúng, nhưng tại sao họ lại bị số đông phản ứng quyết liệt như vậy? Phải chăng số đông - những người thường xuyên theo dõi giải đấu - đã "trút giận" vô lý?

"Trọng tài yếu chuyên môn hay tư tưởng" vẫn là câu hỏi lớn chưa lời đáp

Lật lại hồ sơ, trọng tài Nguyễn Trọng Thư từng vướng vào rất nhiều scandal và không ít lần bị "treo còi" vì sai sót. Còn với trọng tài Nguyễn Hiền Triết cũng chịu những án kỷ luật nội bộ tương tự, gần nhất là sau tình huống tước bàn thắng hợp lệ của Hà Nội trận tiếp Hải Phòng mùa trước.

Câu hỏi đặt ra: Những trọng tài nhiều lần mắc sai lầm như vậy, tại sao vẫn được tín nhiệm giao bắt chính ở giải đấu chuyên nghiệp V-League?

Trả lời câu hỏi này, Trưởng ban Trọng tài Nguyễn Văn Mùi giải thích rằng trọng tài những là con người nên sai sót là điều khó tránh. Ông Mùi còn dẫn chứng việc nhiều trọng tài Việt được AFC, FIFA tín nhiệm giao nhiệm vụ ở các giải quốc tế, như một cách phủ nhận "cáo buộc" sai sót trọng tài là do yếu kém.

Thực tế chuyện yếu kém chuyên môn của một vài trọng tài trong mặt bằng chung hàng chục trọng tài đang bắt V-League là điều bình thường. Muốn có những trọng tài chất lượng thì cần trao cơ hội cho các trọng tài trẻ để họ được bồi dưỡng, tích lũy kinh nghiệm, đồng thời phải chấp nhận sai sót vì non nghề.

Nhưng chuyện trọng tài ở V-League không đơn thuần chỉ là chuyện chuyên môn kém mà còn bị dư luận đặt ra dấu hỏi "có tiêu cực hay không?", khi mà nhiều trọng tài đẳng cấp FIFA nhưng lại mắc những lỗi nghiệp dư đến... đáng ngờ.

Mới đây nhất, sau vụ việc trọng tài Nguyễn Trung Kiên thổi oan khiến SLNA thua ngược Quảng Nam trên sân Vinh ở vòng 5, Tổng giám đốc SLNA Nguyễn Hồng Thanh đã đặt câu hỏi: "Trọng tài vì chuyên môn kém hay còn lý do nào khác?!".

Chuyện trọng tài nhận tiền bồi dưỡng từng được cho là chuyện... bình thường ở thời V-League chập chững lên chuyên, các đội bóng được phân công lo ăn ở cho trọng tài và nhiều đội bóng thường dành một khoản tiền gọi "trà thuốc" cho trọng tài. Luật bất thành văn, dần dà thành thói quen xấu của đội bóng khi tiếp trọng tài và nhiều trường hợp đi xa hơn mục đích bồi thường trà thuốc thuần túy là "ngã giá", "mua chuộc" hòng thổi có lợi cho đội mình.

Sau này khi VPF giành quyền tổ chức V-League, trực tiếp lo ăn ở cho trọng tài để tránh đội bóng có cớ tiếp xúc "vua" nhưng thói quen xấu nói trên vẫn chưa chấm dứt và tiếp tục biến tướng.

Còi vàng Dương Mạnh Hùng khi luận bàn về vụ trọng tài Hà Anh Chiến tưởng tượng ra quả 11m tặng đội Thanh Hóa ở mùa 2016 đã xổ toẹt chuyện đồng nghiệp ăn bẩn: "Tôi không chụp mũ tất cả, nhưng nhiều người đàn em trong nghề sau này vẫn chia sẻ rằng họ nhận được những đồng tiền "lót tay". Không phải đến lúc trọng tài họ sai mười mươi, dư luận lên tiếng mọi chuyện mới ầm ỹ đâu!".

Chuyện đội bóng "bôi trơn" trọng tài không chỉ còn là câu chuyện râm ran nơi hậu trường, trong các cuộc bàn tán của dân bóng đá hay trên các khán đài nơi có hàng ngàn con mắt khán giả dõi theo, mà bị chính người trong cuộc như ông Dương Mạnh Hùng nói "trắng phớ" trên mặt báo.

Ngặt nỗi là dư luận cứ nói, cứ nghi ngờ còn những người có trách nhiệm, cụ thể là VFF - đơn vị quản lý Ban Trọng tài, lại gần như dửng dưng đứng ngoài cuộc, hoặc nếu có lên tiếng đều lặp đi lặp lại đến nhàm chán điệp khúc "trọng tài cũng là con người nên khó tránh sai sót chuyên môn", trong khi điều người hâm mộ, cầu thủ, đội bóng đau đáu chờ câu trả lời là "trọng tài có vấn đề tư tưởng hay không".

Nguyên chủ tịch đội Long An Võ Thành Nhiệm sau vụ việc xấu xí trên sân Thống Nhất đã nhận hết lỗi về cá nhân và đội bóng mình song cũng chia sẻ rằng "phản ứng của cầu thủ cũng phần nào xuất phát từ việc chịu ức chế từ những quyết định khó chấp nhận được của trọng tài trong một thời gian dài", đồng thời đề nghị VFF, VPF phải chấn chỉnh trọng tài để các đội bóng dự giải được hưởng công bằng, không lặp lại những phản ứng đáng tiếc như của Long An.

Điều đáng ngại với V-League và bóng đá Việt Nam từ vụ CLB Long An là những cái đầu vốn đang tích tụ sự ức chế về trọng tài và chỉ chực chờ để được xả. Còn với dư luận, khi câu hỏi "vì sao trọng tài không bị xử" hết năm này qua năm khác, hết lùm xùm này tới scandal kia không được giới có trách nhiệm trả lời thỏa đáng, họ có quyền chọn cách quay lưng với giải đấu.

Tác giả bài viết: Phượng Hoàng

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP