Không chỉ là việc sử dụng tài khoản Facebook của người khác để nhờ mua thẻ điện thoại, giờ đây, các đối tượng đã “nâng cấp” thủ đoạn, từ đó chiếm đoạt số tiền lên tới hàng trăm triệu đồng.
Điển hình như mới đây, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nam Định ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 2 đối tượng cùng trú tại xã Triệu Thượng, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị là Lê Hữu Hoàng, 22 tuổi, và Bùi Quang Luật, 20 tuổi về tội danh “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.
Hai đối tượng này thường tham gia vào các nhóm cộng đồng người Việt Nam đang lao động tại Nhật Bản, nhằm tìm kiếm các tài khoản facebook của những người không quen biết, sau đó tìm cách hack nick (chiếm đoạt tài khoản) Facebook rồi giả làm chủ tài khoản nhắn tin cho người thân, bạn bè của chủ facebook để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo hồ sơ, từ tháng 3-2018 đến tháng 6-2018, Lê Hữu Hoàng và Bùi Quang Luật đã "hack" tài khoản Facebook của 2 người tại tỉnh Nam Định, chiếm đoạt được tổng cộng 103 triệu đồng. Số tiền chiếm đoạt được, bọn chúng quy đổi ra tiền ảo để chơi game.
Mới đây, ngày 29-6, Cơ quan CSĐT Công an thành phố Lạng Sơn đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Dương Thị Thu Uyên (SN 1997) trú tại xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang về hành vi Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Dương Thị Thu Uyên cùng tang vật vụ án |
Theo CQĐT, khoảng tháng 6-2018, Duyên sang Trung Quốc buôn bán và quen với bà Lương Thị Thu Huyền. Biết bà Huyền thường xuyên nói chuyện với con gái qua mạng xã hội Wechat về việc gửi tiền, Uyên đã nảy sinh ý định lấy cắp tài khoản Wechat của bà Huyền để mạo danh rồi bảo con gái bà Huyền gửi tiền vào tài khoản ngân hàng.
Đối tượng Uyên đã 5 lần mạo danh nhắn tin cho con gái bà Huyền, chiếm đoạt số tiền gần 330 triệu đồng. Đến ngày 26-6, Uyên tiếp tục mạo danh định lừa đảo chiếm đoạt thêm 280 triệu đồng thì bị lực lượng Công an bắt giữ.
Thủ đoạn sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để lừa đảo chiếm đoạt tài sản này không hề mới, song càng ngày càng có thêm nhiều bị hại. Tại tỉnh Nghệ An, lực lượng CS phòng chống tội phạm công nghệ cao đã làm rõ Nguyễn Đức Huy (SN 1997) trú tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị đã thực hiện hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, mạng Internet hoặc thiết bị số thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”. Trước khi bị bắt, Huy là sinh viên trường Cao đẳng Công Nghệ - Đại học Đà Nẵng.
Trong vụ án này, Huy là người đóng vai trò chính, trợ giúp là Lê Văn Ngọc Tú và Trần Văn Đông. Theo chỉ đạo của Huy thì Tú có nhiệm vụ đi "hack" tài khoản Facebook của những người đang hoặc từng sống ở nước ngoài rồi nhắn tin dụ dỗ, lừa đảo nạn nhân để lấy số tài khoản ngân hàng. Khi có tài khoản, Huy và Đông làm giả tin nhắn, rút tiền.
Sau đó, thông qua danh sách bạn bè, chúng tìm những người có quan hệ thân thiết, nhắn tin xin số tài khoản ngân hàng để gửi nhờ tiền từ nước ngoài về.
Đối tượng Nguyễn Đức Huy |
Khi nạn nhân cung cấp số tài khoản, các đối tượng dùng thủ thuật công nghệ tạo một tin nhắn giả vào máy điện thoại nạn nhân và thông báo rằng tài khoản ngân hàng đã được cộng một số tiền. Bằng thủ đoạn trên, bọn chúng đã thực hiện trót lọt 14 vụ lừa đảo, chiếm đoạt gần 300 triệu đồng của 14 nạn nhân ở nhiều tỉnh, thành.
Tình trạng lừa đảo thông qua mạng internet, đặc biệt là thông qua mạng xã hội Facebook diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Trước đây, số tiền thiệt hại của từng vụ chỉ vài chục triệu nên có bị hại không tố cáo với Công an, nhưng thời gian gần đây những vụ hack Facebook đã lên đến con số tiền tỉ. Không chỉ ở trong nước, mà rất nhiều Việt kiều cũng trở thành nạn nhân của tội phạm này.
Đáng nói, nhiều cá nhân, các chủ tài khoản đã sử dụng mạng xã hội quá dễ dãi, chủ quan nên đã vô tình “tiếp tay” cho tội phạm từ những đường link lạ, hấp dẫn nhưng... đầy rẫy mã độc.
Chỉ huy Phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao CATP Hà Nội khuyến cáo, khi sử dụng Facebook không nên bấm vào link qua cửa sổ chat vì tất cả thông tin về tên đăng nhập và mật khẩu truy cập của tài khoản đó được chuyển về hộp thư điện tử của đối tượng.
Đối với những tin nhắn đề nghị chuyển tiền, người bị hại cần tìm cách xác minh bằng nguồn khác để xác định đúng người thân của mình đề nghị chuyển tiền hay không, thậm chí với các mối quan hệ thường xuyên giao nhận - tiền như 2 mẹ con bà Huyền trong trường hợp trên.
Tác giả: Minh Hiển
Nguồn tin: Báo An ninh Thủ đô