Giáo dục

Trò vùng cao vượt lũ quét tựu trường

Đảm bảo cơ sở vật chất và sĩ số học sinh là chuyện rất đơn giản đối với các trường miền xuôi, nhưng với các trường học ở vùng cao, vùng sâu, để làm được điều này là không hề đơn giản. Cứ đầu tháng 8 hằng năm, các thầy cô lại ngược xuôi về bản để đón học trò...

Khó đâu giải quyết ở đó

Các thầy cô giáo Trường Tiểu học Sủng Cháng, huyện Yên Minh tới tận nhà vận động học sinh tới trường. Ảnh: L.S


Theo kế hoạch của tỉnh Hà Giang, ngày 15.8 học sinh (HS) các cấp trên địa bàn bắt đầu tựu trường. Nhưng từ 1.8, giáo viên Trường Tiểu học Sủng Cháng, xã Sủng Cháng, huyện Yên Minh đã được tập trung để chuẩn bị cho năm học mới và cùng cán bộ thôn, bản đến tận nhà HS ở xa để vận động các em đến trường đúng lịch.

Thầy Mai Thanh Hiển - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Sủng Cháng cho hay: Trường có 1 trường chính và 8 điểm trường lẻ. Một số điểm trường như Làng Pèng và Chúng Trải được xây dựng từ lâu, xà gồ và cột bị xuống cấp nghiêm trọng. Nhà trường đã huy động giáo viên, phụ huynh HS đến tu sửa và gia cố thêm. Tại điểm trường chính, do thiếu phòng học nên các em phải học làm 2 ca. Vất vả thế nhưng do chuẩn bị chu đáo từ trước nên tỷ lệ chuyên cần trong tuần đầu tiên đến trường đạt trên 90%. Các trường học còn cùng UBND các xã, thị trấn xây dựng, sửa chữa hơn 120 phòng học các cấp, thành lập thêm 4 trường bán trú tại các xã Hữu Vinh, Mậu Long, Mậu Duệ B và 1 trường THCS tại xã Mậu Duệ.

Theo thầy Nguyễn Ngô Tô Lịch – Hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Na Khê (xã Na Khê), theo quy định mới, nhiều HS thuộc hộ cận nghèo sẽ không được hỗ trợ sách giáo khoa, đồ dùng học tập nên hiện HS toàn trường còn thiếu gần 50 bộ sách giáo khoa và trên 80 bộ đồ dùng học tập.

Vượt lũ quét tựu trường đúng lịch

Đợt lũ quét vừa qua, Trường Tiểu học Phìn Ngan (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) bị ảnh hưởng khá nặng nề, mái nhà ở phòng HS bán trú bị tốc mái, vườn rau củ giập nát. Để các em đi học đúng lịch của tỉnh (22.8), trường đã chủ động dồn HS ở điểm trường lẻ ra trường chính và nhờ nhà văn hoá của xã để làm phòng học.

Thầy Ngô Văn Lang – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Phìn Ngan cho biết: Trường có 284 em HS, 1 điểm trường chính, 9 điểm trường lẻ. Theo chủ trương của tỉnh, các em lớp 3, 4, 5 đều được đưa về trường chính để học, còn các em lớp 1, 2 tạm thời vẫn học ở điểm trường lẻ vì còn nhỏ. Nhưng trước tình hình thiệt hại do mưa lũ, trường cũng đã đưa các em ở 2 điểm trường lẻ về trường chính. Tuần trước nhà trường đã cùng phụ huynh vệ sinh, sửa chữa những hư hỏng sau bão và hiện tình hình các lớp học đã đi vào ổn định.

Vất vả hơn cả là các thầy cô Trường Mầm non Phìn Ngan. Đến sáng 22.8, các em HS vẫn chưa thể tựu trường vì cầu treo Sùng Hoảng chưa sửa chữa xong. Do mưa lũ, phía sau điểm trường chính bị sạt lở đến sát hàng rào, vườn tược đổ ngổn ngang, đường dây điện bị cắt đứt. Nhưng các thầy cô vẫn lội suối đến vệ sinh trường lớp, dọn dẹp để các em học sinh kịp khai giảng.

Yên Minh là huyện nghèo, nguồn kinh phí hạn hẹp nên để đầu tư cho giáo dục toàn diện là rất khó khăn. Đối với lượng sách giáo khoa thiếu, huyện sẽ tận dụng số sách giáo khoa cũ, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ của các tổ chức từ thiện để HS toàn huyện bước vào năm học mới đầy đủ trang thiết bị học tập”.

Ông Phạm Ngọc Quyết –Trưởng phòng Giáo dục huyện Yên Minh

Tác giả bài viết: Lê San

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP