Cán bộ BĐBP Nghệ An phát tờ rơi tuyên truyền cho ngư dân về phòng chống khai thác IUU. Ảnh: Anh Bách |
Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận, BĐBP Nghệ An quản lý gần 20km đường bờ biển, trên địa bàn có khoảng 1.200 tàu thuyền làm nghề khai thác hải sản. Thời gian qua, để thực hiện nghiêm nhiệm vụ, giải pháp chống khai thác IUU, đơn vị đã phối hợp có hiệu quả với các cấp, các ngành, địa phương và các lực lượng chức năng tổ chức tuyên truyền, phổ biến cho ngư dân các văn bản như Luật Thủy sản năm 2017, Nghị định số 42/2019/NĐ-CP của Chính phủ, các văn bản quy định về chống khai thác IUU.
Trung tá Nguyễn Ngọc Thìn, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Quỳnh Thuận cho biết, việc nâng cao nhận thức cho ngư dân có ý nghĩa quyết định đến việc chấm dứt tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép. Do đó, thực hiện 180 ngày cao điểm hành động chống khai thác IUU, đơn vị đã tăng cường lực lượng tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến ngư dân. Đồng thời, triển khai nhiều giải pháp cụ thể cấp bách như duy trì nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát ở 2 cửa lạch (Lạch Cờn và Lạch Thơi) địa bàn đơn vị quản lý, xử lý nghiêm và kiên quyết không để tàu thuyền xuất bến khi không đảm bảo thủ tục theo quy định và sử dụng các ngư cụ bị pháp luật nghiêm cấm.
Trên địa bàn Đồn Biên phòng Diễn Thành, BĐBP Nghệ An quản lý,để ngư dân chấp hành tốt các quy định trong khai thác hải sản, ngoài tổ chức tuyên truyền tập trung, đơn vị đã phối hợp với các địa phương tổ chức cho ngư dân ký cam kết chấp hành quy định về chống khai thác IUU. Theo đó, tại Trạm Kiểm soát Biên phòng Lạch Vạn, Đồn Biên phòng Diễn Thành, trước khi ra khơi khai thác hải sản, ngư dân tuân thủ ký cam kết các nội dung gồm: Khai thác hải sản đúng ngành nghề, đúng vùng biển được cấp phép (ghi trong Giấy phép khai thác); chấp hành nghiêm việc kiểm tra, giám sát của BĐBP; không sử dụng chất cấm, hóa chất, chất độc, chất nổ, xung điện, các phương pháp, phương tiện, ngư cụ khai thác có tính hủy diệt nguồn lợi thủy sản.
Cùng với đó, ngư dân cũng cam kết không sử dụng ngư cụ làm cản trở hoặc gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân đang khai thác; thả neo, đậu tàu thuyền tại nơi có ngư cụ của tổ chức, cá nhân đang khai thác hoặc nơi tàu cá khác đang khai thác, trừ trường hợp bất khả kháng.Đồng thời, vận hành tàu cá phải đảm bảo các quy định về: An toàn kỹ thuật; thiết bị thông tin liên lạc, thiết bị giám sát hành trình trên tàu cá; đánh dấu tàu cá; treo quốc kỳ nước Cộng hòa XHCN Việt Nam; đăng ký tàu cá; Giấy phép khai thác thủy sản; thuyền viên, người làm việc trên tàu cá.
Mặt khác, các chủ tàu, thuyền trưởng, thuyền viên chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước trong hoạt động khai thác hải sản, góp phần khắc phục cảnh báo “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu đối với thủy sản Việt Nam. Trong quá trình đánh bắt trên biển các tàu cá luôn hợp tác với BĐBP và các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin về tình hình trên biển và kịp thời phát hiện, báo cáo các hành vi khai thác hải sản bất hợp pháp.
Qua công tác tuần tra, kiểm soát, Đồn Biên phòng Diễn Thành kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện khai thác hải sản không theo quy định. Mới đây, ngày 22/3, Đồn Biên phòng Diễn Thành đã phát hiện 8 tàu cá của các chủ tàu gồm: Nguyễn Văn Quảng, Nguyễn Văn Dũng, Trần Văn Tiến, Cao Văn Thường, Nguyễn Văn Tiến, Vũ Văn Sơn, Nguyễn Văn Hùng và Nguyễn Văn Dũng, cùng trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An đang đánh bắt sai tuyến tại vùng biển gần bờ. Theo quy định thì các tàu cá này chỉ được đánh bắt ở vùng lộng. Qua làm việc với các chủ phương tiện và các lao động trên tàu, họ đều thừa nhận hành vi khai thác sai luồng tuyến, chấp hành xử phạt vi phạm hành chính và cam kết không tổ chức đánh bắt hải sản trái quy định của pháp luật.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Diễn Thành đã kiểm tra, làm thủ tục xuất nhập bến cho 2.822 phương tiện/9.168 lượt lao động; tổ chức tuần tra trên biển được 1 đợt với 1 lượt ca nô và 5 cán bộ tham gia, phát hiện và xử lý 8 vụ với 8 phương tiện, 8 đối tượng vi phạm trong lĩnh vực thủy sản, phạt vi phạm hành chính số tiền 3,2 triệu đồng, nộp kho bạc Nhà nước theo quy định. Đơn vị cũng tổ chức tuyên truyền về chống khai thác IUU cho 500 lượt người dân trên địa bàn, triển khai cho 350 phương tiện ký cam kết không vi phạm các quy định về chống khai thác IUU.
Trung tá Trương Minh Thăng, Phó Đồn trưởng Đồn Biên phòng Diễn Thành cho biết, thời gian qua, ngoài công tác tuyên truyền, vận động, đơn vị đã tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát trên biển để kịp thời phát hiện, xử lý các phương tiện vi phạm. Tuy nhiên, vẫn còn một số khó khăn nhưphương tiện của đơn vị nhỏ, tầm hoạt động trong phạm vi 10 hải lý trở lại, những tàu thuyền khai thác ở vùng biển xa, đơn vị rất khó kiểm soát.
Cùng với chính quyền địa phương, Chi cục Thủy sản, các đơn vị Biên phòng tuyến biển Nghệ An là lực lượng quan trọng trong việc phát hiện và xử lý các vụ vi phạm pháp luật trong khai thác hải sản. Trong năm 2022,BĐBP Nghệ An đã phát hiện, xử lý 69 vụ với 103 đối tượng, 103 phương tiện vi phạm các quy định về đánh bắt hải sản trên vùng biển tỉnh Nghệ An, xử phạt vi phạm hành chính gần 730 triệu đồng; tang vật thu giữ gồm: 18 bộ công cụ kích điện, 96m dây điện…
Việc tăng cường xử lý các phương tiện vi phạm trong lĩnh vực khai thác hải sản là rất cần thiết, bởi không chỉ bảo vệ nguồn lợi thủy sản, mà còn là hoạt động quan trọng nhằm thực hiện có hiệu quả chủ trương của Chính phủ và địa phương về chống khai thác IUU.
Tác giả: Anh Bách
Nguồn tin: bienphong.com.vn