Xã hội

Trâu chọi Đồ Sơn được "săn" từ đâu về?

Hành trình để có một con trâu chọi góp mặt ở lễ hội chọi trâu không phải ai cũng biết.

Nghề chơi trâu chọi ở Đồ Sơn lắm công phu. Để có một trâu thiện chiến, người Đồ Sơn phải chuẩn bị ròng rã suốt 8 tháng trời.

Cả Đồ Sơn khởi động cho lễ hội chọi trâu bằng việc các "giáp" cử hoa tiêu lên đường lùng mua trâu. Trước khi đi, "giáp" làm lễ tế thần, cầu mong mua được trâu tốt. Mùa săn trâu của Đồ Sơn thường bắt đầu vào dịp cuối năm.

Xưa kia, người được dân làng uỷ nhiệm đi mua trâu phải lặn lội hàng tháng trời, hết vào miền trung lại ngược lên các tỉnh biên giới phía bắc, sang cả Lào, Thái Lan.

Bây giờ, "hoa tiêu" nhàn hơn. Họ chỉ cần liên hệ với lái trâu "xem hàng" chứ không phải săn lùng nữa. Việc săn trâu giờ là của lái trâu. Các lái trâu tìm “hàng” rồi đọc các thông số qua điện thoại: số đo, tướng mạo, đặc điểm, xuất xứ… “hoa tiêu” nghe qua đạt yêu cầu rồi mới trực tiếp mục sở thị.

Ở Đồ sơn, Đình Công 1, Phường Vạn Sơn là một trong những giáp có nhiều thành tích trong lịch sử các lễ hội chọi trâu. Những thập kỷ 90 thế kỷ trước cả cái đất Đồ Sơn không ai lạ lẫm gì ông Đinh Đắc Xề.

Trâu chọi thường được "tuyển" ở vùng núi phía tây Nghệ An hoặc vùng biên giới phía Bắc. Ảnh: TL

Người dân Đình Công 1 cho biết, hồi trẻ ông “Xề chọi trâu” nổi tiếng là "hoa tiêu" giỏi phiêu bạt tứ xứ săn trâu.

Nhiều “hoa tiêu” bây giờ công nhận kinh nghiệm săn trâu trước đây của ông Xề vẫn đúng: Phần nhiều trâu đoạt giải cao được săn tìm từ vùng biên giới Nghệ An (Việt Nam) - Xiêng Khoảng (Lào). Trâu ở vùng núi phía tây tỉnh Nghệ An có hai loại, một là trâu bản địa hai là được đưa từ Lào về. Cả hai đều rất lỳ lợm, hung, khoẻ và đặc biệt là cực kỳ dai sức.

Kinh nghiệm chọn trâu chọi, cặp sừng phải đạt tiêu chuẩn khoảng cách giữa hai đỉnh sừng rộng 40 đến 48cm, chiều cao từ 24 đến 26cm, sừng đen mịn cong đều và hơi hướng tiền. Vót sừng cho trâu chọi cũng là cả một nghệ thuật, nếu là trâu hay “rập” thì vót sừng múi khế, trâu hay đánh dọc thì vót sừng hình tam giác, trâu hay cáng thì vót sừng nhọn như đinh ba…

Tính gan lì hung tợn của trâu thể hiện ở đôi tròng mắt, mi mắt và một số khoang, khoáy. Trâu chọi tốt phải có cặp mi dày, tròng mắt vằn đỏ, độc khoang, khoáy sỏ, khoáy “tam tinh”, da dày, lông móc…

Tìm mua trâu đã khó, huấn luyện trâu càng khó hơn. Trâu được tuyển về nhốt chuồng riêng, kín đáo, không cho thấy trâu nhà, mục đích để nó khôi phục bản năng hoang dã.

Huấn luyện trâu chọi là phải làm thức dậy bản năng thú tính của chúng, nhưng lại phải tuân thủ những luật lệ khắt khe của con người.

Trong thời gian nuôi trâu chọi, chủ trâu không được ăn thịt chó, mắm tôm, không đến chơi các gia đình có tang, không để trâu chọi đánh nhau, gần gũi trâu cái. Nếu ai phạm vào các điều này, gia đình phải bồi thường cho làng hoặc bị phạt vạ theo lệ làng.

Tác giả:

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP