Pháp luật

Tổng Giám đốc lừa hơn 800 người bị đề nghị án chung thân

Trong ngày xét xử thứ 4, phiên tòa bước vào phần tranh luận, đại diện Viện KSND công bố bản luận tội đề nghị Võ Thanh Long án chung thân.

Ngày 14/3, TAND tỉnh Hậu Giang TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục ngày xét xử thứ 4 trong vụ Võ Thanh Long (SN 1983), Tổng Giám đốc Công ty Bất động sản (BĐS) Cao Thắng cùng 9 đồng phạm lừa hơn 800 người ở 39 tỉnh thành chiếm đoạt gần 160 tỷ đồng.

Các bị cáo còn lại gồm Trần Vạn Lợi (SN 1989), Lữ Nhật Trường (SN 1987), Nguyễn Tân Định (SN 1982), Trần Tấn Phát (SN 1992), Phạm Minh Hoàng (SN 1965), Lê Minh Thu (SN 1980), Võ Văn Sang (SN 1992), Lê Thành Nguyên (SN 1990), Đỗ Văn Thọ (SN 1966), cùng là nguyên Phó tổng giám đốc Công ty Cao Thắng. Tất cả cùng bị truy tố về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”.

Các bị cáo tại phiên tòa

Viện KSND luận tội

Trong ngày xét xử thứ 4, phiên tòa bước vào phần tranh luận. Đại diện Viện KSND công bố bản luận tội đối với các bị cáo.

Theo Viện KSND, bị cáo Võ Thanh Long đã chỉ đạo 9 bị cáo thực hiện việc cung cấp thông tin dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu sai sự thật.

Cụ thể, các bị cáo đã thực hiện hành vi đưa ra thông tin gian dối về dự án cùng với mức lợi nhuận cao khi tham gia 5 hình thức đầu tư gồm: thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng, bán cổ phần Công ty Cao Thắng; bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch. Từ đó, tạo sự tin tưởng kêu gọi góp vốn đầu tư trái pháp luật, chiếm đoạt gần 160 tỷ của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành và sử dụng sai mục đích so với cam kết cùng khách hàng, dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Võ Thanh Long biết rõ diện tích hơn 100.000 m2 đất mà bị cáo nhận chuyển nhượng từ Công ty Duy Danh không là tài sản của Công ty Cao Thắng. Bản thân Long cũng biết rõ tình trạng pháp lý của dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu. Nhưng bị cáo với vai trò là Tổng giám đốc đã cố ý chỉ đạo cấp dưới là các Phó tổng giám đốc cung cấp thông tin sai sự thật về dự án. Đồng thời bị cáo đã lợi dụng tâm lý thích lợi nhuận cao khi đầu tư của các bị hại, trực tiếp đưa ra 5 hình thức đầu tư như đã nêu trên bị cáo khác tổ chức triển khai thực hiện.

Đối với các bị cáo khác, trong quá trình điều tra, cũng như tại phiên tòa đều cho rằng bản thân không có sự bàn bạc, thống nhất từ trước với bị cáo Long để thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của các bị hại. Các bị cáo cho rằng chỉ vì tin tưởng thông tin Long cung cấp, cũng như chỉ thực hiện nhiệm vụ theo sự chỉ đạo, bản thân một số bị cáo còn tham gia một trong các hình thức đầu tư và hiện nay Công ty Cao Thắng vẫn còn nợ các bị cáo.

Tuy nhiên, Viện KSND cho rằng, với các tài liệu chứng cứ đã thu thập đã chứng minh được các bị cáo đã thực hiện nhiều cách thức trực tiếp hoặc gián tiếp khác nhau, đã làm cho 816 bị hại tin tưởng tham gia đầu tư vào Công ty Cao Thắng dẫn đến các bị hại bị chiếm đoạt số tiền nói trên.

Viện KSND xác định, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nguy hiểm, phạm tội thuộc trường hợp có tổ chức. Trong đó bị cáo Võ Thanh Long là người chủ mưu, các bị cáo còn lại là người giúp sức thực hiện, với tính chất và mức độ khác nhau.

Từ các lẽ trên Viện KSND giữ nguyên quan điểm truy tố đối với các bị cáo cùng phạm tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản”. Đại diện Viện KSND đề nghị Võ Thanh Long mức án chung thân, Trần Vạn Lợi từ 19-20 năm tù, Nguyễn Tân Định từ 17-18 năm tù, Lê Minh Thu từ 15-16 năm tù, Võ Văn Sang từ 14-15, Lê Thành Nguyên từ 13-14 năm tù; Lữ Nhật Trường, Trần Tấn Phát, Đỗ Văn Thọ mỗi bị cáo từ 12-13 năm tù; Phạm Minh Hoàng từ 9-10 năm tù.

Võ Thanh Long sau khi nghe Viện KSND công bố bản luận tội.

Liên đới bồi thường

Về trách nhiệm dân sự, Viện KSND xác định, các bị cáo thực hiện hành vi phạm tội có tính tổ chức, mỗi bị cáo có vai trò khác nhau trong việc chiếm đoạt tài sản của bị hại nên phải liên đới chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

Cụ thể, Long là người chịu trách nhiệm chính trong việc bồi thường thiệt hại đã gây ra cho 816 bị hại. 9 bị cáo còn lại tùy vào vai trò, giúp sức mỗi bị cáo phải chịu liên đới bồi thường từ 10-20% thiệt hại.

Theo cáo trạng, năm 2012, Võ Thanh Long Thành lập Công ty TNHH MTV Thương mại và Dịch vụ Hải Trung Kim (trụ sở tại thị trấn Mái Dầm, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang). Sau nhiều lần thay tên, công ty tiếp tục hoạt động không hiệu quả nên Long đổi tên công ty thành Công ty CP Quốc tế Ước Mơ Việt.

Từ năm 2015, Long triển khai cho công ty chính sách bán sỉ cho đại lý quyển bảo trì thiết bị điện, điện tử - điện lạnh… nhưng không hiệu quả, dẫn đến công ty thua lỗ, không khả năng chi trả. Nhiều đại lý yêu cầu công ty thanh toán số tiền đầu tư.

Đến năm 2016, Long thành lập Công ty CP Bất động sản Cao Thắng (trụ sở xã Phú Hữu, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang).

Tháng 1/2019, Long ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tài sản trên đất của dự án Khu du lịch sinh thái Phú Hữu (nay là dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu).

Sau khi nhận chuyển nhượng, Long không thực hiện các thủ tục pháp lý theo quy định để triển khai dự án, đồng thời không thực hiện chuyển quyền sử dụng đất cho Công ty Cao Thắng.

Cáo trạng quy kết, từ tháng 4/2017 đến 10/2019, Võ Thanh Long cùng 9 bị cáo đã lợi dụng dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu (huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) để huy động vốn theo phương thức đa cấp thông qua các hình thức hợp đồng hợp tác đầu tư, thanh lý hợp đồng mua phiếu bảo trì của Công ty Ước Mơ Việt để mua - bán cổ phần Công ty Bất động sản Cao Thắng, bán vé ITO; hợp đồng đại lý bán vé du lịch. Từ đó chiếm đoạt của 816 bị hại ở 39 tỉnh, thành trên cả nước với tiền gần 160 tỷ đồng.

Tác giả: Lê An

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP