Pháp luật

Tội phạm tín dụng đen mang cả quan tài, can xăng đi đòi nợ

Qua đấu tranh, cơ quan công an phát hiện đối tượng người nước ngoài gồm Trung Quốc, Nam Phi, Nga… hoạt động phạm tội liên quan đến tín dụng đen.

Tội phạm tín dụng đen đòi nợ bằng cách "khủng bố", photocopy hình ảnh con nợ rồi dán khắp nơi ở của nạn nhân - Ảnh: THỤY NGUYÊN

Phát biểu tại hội thảo "Thực trạng hoạt động cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng và vấn đề thu hồi nợ hiện nay", Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam tổ chức ngày 16-11, ông Bùi Đức Tài, phó cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự - Bộ Công an, cho biết.

Gọi điện dọa giết người, chửi bới, bôi nhọ để đòi nợ

Theo ông Tài, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công an vừa mở đợt tấn công trấn áp tội phạm tín dụng đen.

Qua đấu tranh triệt phá, cơ quan công an phát hiện đối tượng người nước ngoài gồm Trung Quốc, Nam Phi, Nga… hoạt động phạm tội liên quan đến tín dụng đen. Chính các ngân hàng là đối tượng mà chúng hướng tới, lợi dụng và thực hiện hành vi lừa đảo.

Một số đối tượng núp bóng doanh nghiệp, công ty luật, công ty tài chính mua lại các khoản nợ xấu, khó đòi, nợ của các ứng dụng cho vay, nợ của các công ty tài chính, ngân hàng để đòi nợ.

Hành vi đòi nợ của bọn chúng thể hiện ở ba cấp độ khác nhau.

- Một là gọi điện đe dọa, chửi bới khách hàng để yêu cầu phải trả tiền.

- Hai là gọi điện đe dọa, kể cả dọa giết người vay, đưa các hình ảnh của người vay lên mạng xã hội để bôi nhọ.

- Thứ ba là ném chất thải vào nhà, có trường hợp mang cả quan tài, can xăng đến nhà người vay vốn để đòi nợ.

Thời gian qua, lực lượng công an đã triệt phá hàng loạt vụ việc núp bóng để xử lý hành vi cưỡng đoạt tài sản. Sau đó, hoạt động tội phạm có dấu hiệu tan rã, hoạt động cầm chừng, co cụm, gọi điện nhắn tin khủng bố có giảm.

Nhiều người vay tín dụng tiêu dùng cố tình bùng nợ, quỵt nợ

Thông tin về hoạt động cho vay tiêu dùng của tổ chức tín dụng, tại hội thảo, ông Nguyễn Quốc Hùng - tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng - cho biết hiện có 84 đơn vị cho vay tiêu dùng, trong đó có 15 công ty tài chính. Dư nợ cho vay tiêu dùng là hơn 2,7 triệu tỉ đồng, chiếm 21,2% tổng dư nợ của toàn nền kinh tế.

Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, hoạt động cho vay tiêu dùng gặp nhiều thách thức. Riêng hoạt động kinh doanh của các công ty tài chính tiêu dùng do Ngân hàng Nhà nước cấp phép bị thua lỗ, nợ xấu có công ty lên đến 20%.

Dư nợ cho vay của tài chính tiêu dùng có dư nợ 130.000 tỉ đồng, giảm trên 40% với khoảng 70.000 tỉ đồng so với cuối năm 2022. Nguyên nhân là do khách vay không trả nợ, thậm chí còn kêu gọi nhau bùng nợ, quỵt nợ tràn lan trên mạng xã hội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Đào Minh Tú - phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước - nhấn mạnh thực trạng tín dụng tiêu dùng giảm rất đáng quan tâm. Tín dụng tiêu dùng tăng trưởng chậm chỉ 1,53%, nhất là dư nợ cho vay các công ty tài chính giảm tới 40% so với cuối năm ngoái. Rõ ràng hoạt động cho vay tiêu dùng đang có vấn đề.

Quan hệ cho vay giữa công ty tài chính với người vay đang không tích cực. Người vay trốn nợ, quỵt nợ. "Nếu như tín dụng chính thức giảm bao nhiêu thì tín dụng đen phát triển bấy nhiêu" - ông Tú khuyến cáo.

Đối với thu hồi nợ, ông Tú cũng lưu ý đây là vấn đề nhức nhối. Bên cạnh các công ty tài chính làm ăn nghiêm túc, đúng quy định thì có công ty vì tối đa hóa lợi nhuận nên bán nợ cho công ty đòi nợ, sử dụng xã hội đen đi đòi nợ, dẫn đến tránh sao được những cảnh đau lòng. Vì vậy, các công ty tài chính phải chấn chỉnh việc này.

Tác giả: LÊ THANH

Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP