Bên trong nhà xưởng, công nhân làm việc với cường độ làm cao, áp lực. |
Bắt nhịp với nhà xưởng
Theo danh sách, tôi được phân công về xưởng cắt gọt kim loại (CNC). Nhà xưởng chia thành các dây chuyền. Có dây chuyền có rô bốt, có dây chuyền do công nhân đứng máy. Trước khi vào xưởng, mỗi công nhân được phát quần áo bảo hộ lao động, dép cao su. Dù đã quẹt thẻ từ tại cổng công ty nhưng trước khi vào bộ phận sản xuất, chúng tôi tiếp tục phải chấm vân tay tại cửa xưởng, cất toàn bộ đồ đạc, giày dép vào tủ đựng đồ và thay dép cao su. Rời tủ đồ, chúng tôi tiếp tục kiểm tra qua cửa từ trong nhà xưởng. Tại mỗi cửa từ có nhân viên an ninh túc trực với thiết bị điện tử cầm tay để kiểm tra. Cả nhà xưởng hàng chục nghìn công nhân nhưng không hề có thiết bị điện tử bị lọt vào hay lọt ra khỏi nhà máy.
Khu vực trước xưởng chật hẹp, trong lúc chờ các bộ phận nhận người, chúng tôi được yêu cầu ngồi tại cửa xưởng. Từng hàng máy CNC kéo dài đến khuất tầm mắt. Mỗi người phụ trách và vận hành lượng máy móc nhất định. 7h30 sáng, chúng tôi hòa vào dòng công nhân tấp nập đi bộ vào nhà xưởng cho kịp giờ nhận ca.
Công nhân nhà máy Samsung giờ làm việc. |
Đúng 8h, tiếng chuông tan ca reo lên cũng là lúc trước mỗi cửa từ nhốn nháo. Những đôi mắt còn vẻ ngái ngủ xếp hàng vào ca. Những đôi mắt thâm quầng, trũng sâu sau một đêm làm việc 12 tiếng đồng hồ. Người tan ca lần lượt xếp hàng trước cửa từ, dấu hiệu mệt mỏi hiện rõ trên từng gương mặt. Suốt quá trình ngồi quan sát công nhân tan ca, tôi thấy khuôn mặt họ ánh lên nét vui sướng khi chuông tan ca vang lên từ những chiếc loa xung quanh nhà xưởng.
“Trong xưởng không được mang thiết bị điện tử, cũng chẳng có đồng hồ nên tôi chẳng biết được giờ giấc. Đèn nhà xưởng sáng 24/24, không kể ngày đêm, thời gian tính bằng số lượng sản phẩm làm ra. Chuông tan ca vang lên, tâm trí chúng tôi mới được thả lỏng bởi phải liên tục trông coi, tránh để ra sai sót nhưng phải đảm bảo đủ sản phẩm”, chị Nguyễn Thị Lan, công nhân tại xưởng của tôi kể.
Những ngày đầu tiên về dây chuyền, tôi được phân công đứng cùng với công nhân cũ để học cách vận hành máy móc. Dù giữa ca làm việc có thời gian nghỉ ăn ca, nghỉ giải lao, nhưng lần đầu tiên phải đứng trong một thời gian dài, chân tôi rã rời. Những ngày đầu tiên, thấy tôi có ý định bỏ việc, chị Lan khuyên: “Cố gắng làm đi em, ít hôm nữa, đứng máy nhiều chân sẽ quen. Làm kíp, lương có thể được 10 triệu, nghĩ đến lúc nhận lương mà cố gắng”. Đến đây tôi mới hiểu ý nghĩa của bài tập đứng lên ngồi xuống để luyện cơ chân bắt buộc trong quá trình đào tạo.
Trong nhà xưởng, mỗi công nhân như rô bốt, cách biệt với thế giới bên ngoài. Bốn bề chỉ tiếng máy móc chạy ầm ì, tiếng nước rửa, hoá chất chảy trong máy. Giờ ăn ca là lúc duy nhất chúng tôi được tiếp xúc với “thế giới bên ngoài”. Nhưng cả quãng đường đi ăn và khi trở về, công nhân không ai nói chuyện với ai lời nào. Họ lầm lũi cúi đầu vào chiếc điện thoại trên tay để lướt facebook, cập nhật cuộc sống thường ngày bên ngoài. Dù trên đường đi bộ luôn có cảnh báo không sử dụng điện thoại khi đi bộ để tránh nguy hiểm nhưng, dường như không có ai thực hiện.
Công nhân ngủ gục trên xe buýt sau giờ làm. |
Đừng hy vọng có sự nuông chiều, cả nể
Sau những ngày đầu làm việc, tôi tạt sang phòng ký túc xá của chị Hoa - một công nhân đã làm việc ở Samsung gần 4 năm. Thấy tôi nhăn nhó phàn nàn về chân đau do chưa quen đứng máy, chị Hoa động viên: “Xưởng của em chỉ đau chân nhưng Leader (người quản lý dây chuyền - PV) dễ chịu là tốt rồi. Ở xưởng lắp ráp sản phẩm (Main), không chỉ mệt mà còn bị quát, mắng là chuyện thường ngày”.
Làm ở Samsung gần 4 năm, chị Hoa được xem là lão làng bởi rất nhiều thế hệ công nhân làm cùng chị đã rời bỏ vì không chịu nổi áp lực. “Chị làm ở đây suốt 4 năm nhưng khi chuyển sang xưởng Main, chị từng định nghỉ việc bởi công việc quá áp lực”, chị Hoa tâm sự.
Theo lời kể của chị Hoa, xưởng Main có đặc thù lắp ráp hoàn chỉnh sản phẩm nên bị áp định mức. Trong quá trình làm việc, công nhân bất cẩn có thể làm xước màn hình, lỗi camera…Cuối ngày số lượng sản phẩm không đủ định mức nhưng không có linh kiện thay thế. Thiếu định mức, Leader chỉ còn cách “trút giận” lên nhân viên.
“Chị nghĩ là do định mức lớn hơn sức làm của công nhân nên mới dễ xảy ra lỗi. Ví dụ, 2 phút để lắp ráp hoàn chỉnh điện thoại, nhưng thời gian công ty chỉ có 1,5 phút, khiến công nhân làm vội dẫn đến lỗi sản phẩm”, chị Hoa bộc bạch.
Khoảng trời nào cho em?
Hôm ấy, tôi có việc phải về quê nên sáng sớm sau giờ tan ca, tôi ra bến xe buýt về quê chứ không đi bộ về ký túc xá như mọi lần. Tất cả công nhân trên xe buýt đều vừa tan ca đêm. Họ lặng lẽ tiến đến ghế ngồi còn trống, ngả ghế ra phía sau, cắm tai nghe vào điện thoại. Những đôi mắt thâm quầng, đờ đẫn nhìn bâng quơ đôi chút vào chiếc điện thoại rồi ngủ gục. Hơn 40 người trên chiếc xe lặng im, chìm dần vào giấc ngủ sau ca làm.
Những ngày trước, tan làm, tôi hoà vào dòng người trở về kí túc xá. Từ 7h-8h sáng và từ 5h-7h tối, khu nhà tắm ký túc xá luôn quá tải bởi công nhân tan ca trở về nhà. Cùng phòng với tôi là 4 công nhân đã làm việc hơn 2 năm ở Samsung. Họ đến từ nhiều tỉnh như Thanh Hoá, Nghệ An, Cao Bằng… Sau khi tắm rửa, họ lót dạ bằng chiếc bánh mỳ, hoa quả, chút giò nạc. Bánh mỳ mua từ chợ cóc bán gần cổng ký túc xá. Có người nhai trệu trạo đôi chiếc bánh quy cho xong bữa. Khoảng 11h trưa, họ ngủ vùi đến 18h mới trở dậy, thay quần áo chuẩn bị cho ca làm mới.
“Lúc đầu, tôi cũng cơm nước đầy đủ lắm nhưng nhiều hôm về muộn, hết giờ cơm trong căng tin, ăn ngoài thì tốn kém mà trong ký túc xá lại không được nấu cơm nên ăn tạm cho qua bữa. Ăn mãi rồi cũng quen”, Ngọc, cô công nhân đã làm tại Samsung gần 3 năm vừa nhai chiếc bánh quy, vừa kể.
Ngọc năm nay đã 30 tuổi. Cuộc sống quanh quẩn với nhà máy rồi trở về ký túc xá. Khi bạn bè nhắn tin nói chuyện thì Ngọc vào ca làm. Ban ngày bạn bè rảnh rỗi cũng là lúc Ngọc ngủ vùi để bù lại sức lao động cho đêm hôm sau. “Công ty toàn con gái, tôi cũng chẳng có thời gian ra ngoài tiếp xúc với bạn trai nào. Thôi cứ cố làm vài năm để nuôi xong cậu em học đại học rồi tính tiếp chuyện chồng con”, Ngọc tâm sự.
Do đặc thù làm việc ca kíp, ngày đêm luân phiên nhau nên trước mỗi phòng ở và đầu dãy ký túc xá đều treo biển “giữ yên lặng”. Nơi vui nhộn nhất ký túc xá là phòng giải trí với tivi, bàn ăn, vài lọ hoa trang trí. Một phòng máy tính với một số công nhân tranh thủ học tiếng Hàn cùng mong ước có ngã rẽ tốt hơn khi chia tay nơi này...
(Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi)
“Xưởng của em chỉ đau chân nhưng leader (người quản lý dây chuyền - PV) dễ chịu là tốt rồi. Ở xưởng lắp ráp sản phẩm (Main), không chỉ mệt mà còn bị quát mắng là chuyện thường ngày”. Nguyễn Thị Hoa, công nhân xưởng Main của Samsung |
Đại diện của Samsung lên tiếng Sau khi báo Tiền Phong đăng tải loạt bài “Tôi đi làm công nhân Samsung”, đại diện Cty TNHH Samsung Electronics Việt Nam đã đến làm việc với báo Tiền Phong về những thông tin đăng tải. Theo đại diện Samsung, việc xuất hiện mùi hôi thối trong nhà máy do số lượng suất ăn quá lớn (trên 160.000 suất ăn/ngày) nên phát sinh mùi thực phẩm. Đối với mùi bể phốt trong nhà máy do xe hút bể phốt phát tán mùi ra không khí trong quá trình hút chất thải và Samsung chưa giải quyết được vấn đề này. Liên quan tới phản ánh của công nhân về những hình phạt trong quá trình đào tạo, Samsung cho rằng, đó là các số hoạt động về thể lực để học viên hiểu thêm về ý nghĩa cũng như tinh thần làm việc tập thể. Bởi nhân viên mới của Samsung đến từ nhiều địa phương khác nhau, tính cách, nếp sống, thói quen khác nhau và sau bài học giúp họ làm việc, gắn bó mật thiết với nhau trong công việc. Đại diện Samsung cũng khẳng định, công ty nghiêm cấm hành vi vi phạm quyền con người như chửi mắng, lăng mạ nhân viên. Mọi hành vi ứng xử không đúng chuẩn mực đều sẽ xử lý nghiêm khắc. Đối với những nhân viên mới mắc lỗi đều được cấp quản lý hướng dẫn, đào tạo. Tuy nhiên, trong quá trình làm việc, khi nhân viên làm việc riêng, không tập trung dẫn đến kết quả công việc không đạt chất lượng, cấp quản lý sẽ nhắc nhở và phê bình. |
Tác giả: Ngọc Linh
Nguồn tin: Báo Tiền Phong