Kinh tế

Tiếp vụ Vietjet Air bị “tố” delay để thu thêm tiền vé: Có dấu hiệu trục lợi bán “phiếu ưu tiên”?

Ngoài việc hủy chuyến thu thêm 616.000 đồng, Vietjet Air còn bị người tiêu dùng tố bán “phiếu ưu tiên” trị giá 176.000 đồng để miễn xếp hàng cho hành khách đến trễ, nhằm mục đích trục lợi.

Ngày 27/1, chia sẻ với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, anh T.T.M. (ngụ TP Hồ Chí Minh) cho biết, anh đặt vé của hãng hàng không Vietjet Air di chuyển từ TP Hồ Chí Minh đi Quy Nhơn vào lúc 7 giờ 15 phút, ngày 26/1/2022 trên chuyến bay VJ3840. Tuy nhiên, bất ngờ chuyến bay bị delay và anh phải đóng thêm cho hãng 616.000 đồng.

Vé máy bay thuộc chuyến bay VJ3840 khởi hành lúc 7 giờ 15 phút ngày 26/1 của anh T.T.M. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Hành khách T.T.M. cho hay, để có chuyến bay thuận lợi anh đã tới sân bay làm thủ tục sớm trước giờ bay hơn 2 tiếng đồng hồ, tuy nhiên chuyến bay lại không thuận lợi như anh mong đợi: “Tự tin vì mình ra sân bay từ rất sớm, tôi bình tĩnh xếp hàng chờ đến lượt. Song, đến khoảng gần 7 giờ vẫn không thấy Vietjet Air thông báo gì về chuyến bay, chột dạ tôi tìm nhân viên của Vietjet để hỏi thì bất ngờ được thông báo do tôi đến trễ nên chuyến bay đã không nhận khách. Sau đó, nhân viên này thông báo, nếu muốn đi tiếp thì phải đi chuyến sau và tôi phải sang một quầy khác để đóng thêm phí phụ thu đổi chuyến” – anh T.T.M. nói và nhấn mạnh, trường hợp của anh không phải là duy nhất, rất nhiều hành khách khác cũng rơi vào tình cảnh tương tự.

Hành khách T.T.M bị hãng hàng không thông báo trễ chuyến bay phải chuyển sang chuyến bay khác và phải bù thêm tiền. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tất cả chúng tôi đều phải đóng thêm 616.000 đồng. Giá vé ban đầu tôi mua là 2 triệu đồng (tiền vé 1,8 triệu đồng và 200.000 đồng phí kí gửi hành lý). Tuy nhiên, thực tế sau nhiều giờ rồng rắn xếp hành, tổng tiền tôi phải đóng lên đến 2.616.000 đồng” – anh T.T.M. nói thêm.

Anh T.T.M. bức xúc cho rằng, Vietjet Air có dấu hiệu cố tình hủy chuyến để buộc khách hàng phải chuyển sang bay chuyến sau và phải đóng thêm phí chuyển chuyến.
"Rõ ràng họ đã thu được một số tiền không nhỏ nhờ hủy chuyến bay và bắt khách hàng phải hủy vé, đồng thời yêu cầu khách hàng đóng thêm tiền để được bay chuyến sau...vì không còn lựa chọn nào khác. Thử hỏi “tay xách nách mang”, người già con trẻ, không đóng thêm tiền để bay thì còn lựa chọn nào khác", anh T.T.M phân tích.
Theo anh T.T.M., những hành khách như anh chịu rất nhiều thiệt hại do Vietjet Air gây ra như ảnh hưởng tới lịch trình di chuyển dự kiến, mất thời gian chờ đợi, tốn thêm chi phí bay,…

"Phiếu ưu tiên" tri giá 176.000 đồng do Vietjet Air phát hành. Ảnh: Nhân vật cung cấp

“Tôi cùng nhiều hành khách "rất bối rối" khi nhận thông báo hủy chuyến từ Vietjet Air. Tưởng rằng khi chấp nhận đóng thêm tiền chúng tôi sẽ được book vé bay ngay. Nhưng không, chúng tôi phải lên phòng cách ly chờ thêm 3 tiếng đến tận 11 giờ 30 phút mới được bay, thật sự quá thất vọng” – anh T.T.M. nhấn mạnh.

Đặc biệt, anh T.T.M. kể lại về một trường hợp khác, là người bạn của anh trong sáng ngày 26/1, cũng mua vé Vietjet Air di chuyển từ TP Hồ Chí Minh về Tuy Hòa trong cùng khung giờ. Thế nhưng vì đến trễ, anh bạn này được nhân viên của Vietjet Air hướng dẫn mua “phiếu ưu tiên” trị giá 176.000 đồng, không cần xếp hàng được làm thủ tục bay luôn.

"Nếu sự việc này là đúng thì đây là hành vi trục lợi không thể chối cãi của Vietjet Air, không thể tin được một hãng bay có tiếng như Vietjet lại thiếu sòng phẳng, thiếu tôn trọng khách hàng đến vậy. Thậm chí, còn lợi dụng tình hình quá tải ở sân bay Tân Sơn Nhất để “kiếm chút”, bất chấp hành khách đi lại vất vả, khó khăn mùa dịch bệnh Covid-19” – anh T.T.M. bức xúc.

Liên quan đến những phản ánh của anh T.T.M., chiều ngày 27/1, trong vai khách hàng, phóng viên báo Kinh tế & Đô thị được nhân viên của Vietjet Air "số điện thoại: 0965...618" xác nhận hiện hãng bay này có chương trình bán "phiếu ưu đãi" 176.000 đồng. Và hiện chương trình này vẫn chưa hết hạn, hành khách nếu có nhu cầu thì đến thẳng quầy mua vé để được ưu tiên.

"Phiếu ưu tiên sẽ giúp mình có nhiều quyền lợi hơn, nhưng vì tình hình ở sân bay rất đông nên dù có mua phiếu, chị cũng cố gắng đến sớm đừng đến quá muộn" - nhân viên của Vietjet Air tư vấn.

Tieudung.vn sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc.

Những sự cố của VietJet Air trong vài năm gần đây:

- Giữa năm 2014, một chuyến bay của Vietjet Air từ Hà Nội đi Đà Lạt đã đáp nhầm tới Nha Trang.

- Tháng 4/2015, dư luận phẫn nộ khi báo chí đưa tin nhân viên Vietjet từ chối phục vụ phục vụ người khuyết tật.

- Ngày 28/1/2018, chuyên cơ của Vietjet Air chở đội tuyển bóng đá quốc gia U234 Việt Nam xuất hiện nhiều người mẫu mặc đồ bơi, gây phản cảm, bị dư luận lên án.

- 19h30 tối 19/11, ngay sau khi cất cánh, chuyến bay VJ198 của Vietjet Air vừa khởi hành từ TP Hồ Chí Minh đi Hà Nội đã gặp sự cố ở độ cao hơn 3.300 mét khiến hàng trăm hành khách hoảng loạn và phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Tân Sơn Nhất.

- Ngày 24/12/2018, chuyến bay VJ861 của hãng hàng không Vietjet có hành trình dự kiến từ sân bay Incheon (Hàn Quốc) đi sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Sau khi tàu bay cất cánh khoảng 2 tiếng, cơ trưởng quyết định hạ cánh xuống Đài Bắc (Đài Loan) theo quy trình khai thác để kiểm tra kỹ thuật do phát hiện cảnh báo kỹ thuật tại buồng hàng sau.

- Ngày 25/12/2018, chuyến bay của hãng hàng không Vietjet có hành trình từ Cam Ranh - TP Hồ Chí Minh gặp trục trặc kỹ thuật sau 20 phút cất cánh đã quay đầu lại nhưng đã hạ cánh nhầm xuống đường băng chưa đưa vào khai thác tại sân bay Cam Ranh.

- Ngày 14/6/2020, chiếc A321neo mang số hiệu VJ322 từ Phú Quốc đến TP Hồ Chí Minh trên đường lăn vào nhà ga đã trượt khỏi đường băng 07L-25R của sân bay Tân Sơn Nhất (TP Hồ Chí Minh) và dừng lại trên thảm cỏ. Nguyên nhân sự cố ban đầu được xác định là do nổ lốp máy bay.

- Tháng 4/2020: Cố tình mở bán vé dù chưa được cấp phép, khi Cục Hàng không yêu cầu phải trả tiền các chuyến bay bán lố cho khách, không hiểu vô tình hay cố ý, Vietjet Air trì hoãn gây bức xúc từ phía các đại lý và khách bay.

Tác giả: Tiểu Thúy

Nguồn tin: tieudung.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP