Trong tỉnh

Tiếp bài "KCN Nam Cấm (Nghệ An) – Doanh nghiệp "tiến thoái lưỡng nan" vì vướng mắc GPMB": "Treo" đến bao giờ?

Gần 60% diện tích mặt bằng tại Khu A, KCN Nam Cấm đang bị “treo” kéo dài, chưa được bàn giao để nhà đầu tư triển khai xây dựng hoàn thiện các dự án của mình đã đăng ký. Trong khi các nhà đầu tư như "ngồi trên đống lửa" thì phương án giải quyết của các bên có trách nhiệm lại chỉ đang nằm trên…giấy.

"Nhùng nhằng" phương án hỗ trợ, đền bù

Suốt một thời gian dài kể từ khi được “trải thảm đỏ” vào đầu tư, nhiều doanh nghiệp đã phải “dài cổ” chờ địa phương bàn giao mặt bằng, nhưng đến nay mọi động thái đều rơi vào im lặng.

Thực trạng này đang xảy ra tại Khu A, Khu Công nghiệp (KCN) Nam Cấm thuộc Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam (KKT) Nghệ An không chỉ gây “thiệt đơn, thiệt kép” cho nhà đầu tư mà còn tạo ra hệ luỵ không đáng có cho môi trường thu hút đầu tư của địa phương.

KCN Nam Cấm (Nghệ An).

Theo số liệu báo cáo của UBND huyện Nghi Lộc vào năm 2021 cho thấy, từ năm 2005 đến 2012 tại Khu A, KCN Nam Cấm đã có 8 doanh nghiệp đã được ký hợp đồng thuê đất với tổng diện tích 395.582.3 m2.

Tuy nhiên, trong số doanh nghiệp tham gia vào đầu tư tại Khu A thì có 4 doanh nghiệp (Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, Công ty CP Trung Đô, Công ty CP Thịnh Lộc, Công ty CP Đầu tư xây dựng 379) đến nay vẫn còn vướng mắc về đất đai do chưa được cấp có thẩm quyền bàn giao số diện tích còn lại 234.215,4 m2/395.5823 m2.

Nghĩa là, ở Khu A, KCN Nam Cấm hiện nay vẫn còn gần 50% diện tích mặt bằng đang bị “treo”, chưa được bàn giao để nhà đầu tư triển khai xây dựng hoàn thiện các dự án của mình đã đăng ký.

Nhiều Doanh nghiệp bị "treo" ngay trên chính dự án của mình.

Bên cạnh đó, tại khu vực này cũng có 04 nhà đầu tư khác gồm: Công ty CP xây dựng Tân An, Công ty CP Đồng Tiến, Công ty CP Vật liệu xây dựng Trường An, Công ty CP Tân Thịnh đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhưng vẫn chưa được ký hợp đồng thuê đất với Ban quản lý KKT Đông Nam với tổng diện tích 263.300 m2.

Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc cho biết, thực trạng các dự án triển khai ở Khu A, KCN Nam Cấm gặp vướng mắc về đất đai kéo dài nhiều năm nay nhưng chưa được xử lý dứt điểm. Tình trạng xuất hiện nhà đầu tư “nôn nóng” áp giá đền bù, hỗ trợ cho người dân "lệch pha" với phương án thống nhất ban đầu đưa ra cũng trở thành nguyên nhân khiến các dự án ở đây chưa được bàn giao mặt bằng đồng bộ.

Phương án 01: Căn cứ vào hồ sơ bồi thường, hỗ trợ đã lập trước đây theo mức hỗ trợ cho người dân 59.500 đồng/m2 cho toàn bộ diện tích nêu trên để phê duyệt, công khai dự thảo phương án và thông báo công khai cho người dân rà soát. Nếu hộ dân nào không nhận tiền hỗ trợ thì tổ chức bảo vệ thi công theo từng dự án để bàn giao mặt bằng.

Vấn đề GPMB đang là "điểm nghẽn" tại Khu A, KCN Nam Cấm.

Đối với phương án này, UBND huyện Nghi Lộc đề nghị UBND tỉnh Nghệ An, các chủ đầu tư bố trí đủ kinh phí bồi thường, hỗ trợ 42,4 tỷ đồng theo 02 cách.

Đó là doanh nghiệp bố trí kinh phí hỗ trợ theo diện tích thuê, diện tích còn lại gồm đất chưa thuê, đất hạ tầng KCN do nhà nước bố trí kinh phí. Cách thứ 2 doanh nghiệp phải bố trí kinh phí cho toàn bộ diện tích của Khu A, bao gồm diện tích đất chưa cho thuê, đất hạ tầng KCN.

Phương án thứ 2 là tăng mức hỗ trợ lên 100.000 đồng/m2 theo kiến nghị của người dân, bằng mức hỗ trợ nhưng sẽ gây mất công bằng đối với các trường hợp đã ký hồ sơ, bàn giao mặt bằng ở vị trí khác…

Phương án giải quyết…trên giấy

Sau khi nhận được văn bản kiến nghị các giải pháp xử lý của huyện Nghi Lộc, UBND tỉnh Nghệ An đã thống nhất lựa chọn phương án đầu tiên để triển khai và giao cho huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp với Ban quản lý KKT Đông Nam tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm trong năm 2021 đối với phần diện tích đất đang bị người dân lấn chiếm tại Khu A, KCN Nam Cấm. Tuy nhiên, phần việc này đến thời điểm hiện nay vẫn chưa được xử lý dứt điểm.

Khi được hỏi về vấn đề này, ông Nguyễn Bá Điệp, Phó Chủ tịch UBND huyện Nghi Lộc nói rằng do vướng mắc liên quan đến phần diện tích đất xây dựng KCN WHA tiếp giáp với Khu A, KCN Nam Cấm nên hồ sơ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải trích đo, lập lại.

KCN Nam Cấm vẫn chưa thể được "lấp đầy" do những vướng mắc không đáng có.

Ông Nguyễn Bá Điệp cũng cho biết, sắp tới huyện Nghi Lộc sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân và triển khai cuộc họp để đưa ra phương án xử lý dứt điểm tình trạng vướng mắc đất đai đối với phần diện tích mà doanh nghiệp đang bị “treo” khi vào đầu tư tại Khu A, KCN Nam Cấm. Còn về thời gian khi nào “chốt” giải quyết vấn đề vướng mắc về đất đai tại Khu A, đại diện chính quyền sở tại vẫn chưa thể đưa ra điểm rơi cụ thể nào.

Đại diện các nhà đầu tư ở đây cho biết, khi được chấp thuận vào đầu tư, họ hy vọng sẽ sớm đưa dự án của mình vào vận hành, hoạt động hết công năng nhưng suốt nhiều năm đành phải lỡ hẹn. Đặc biệt, tại nhiều cuộc họp với sự có mặt của đại diện nhiều cơ quan ban ngành tỉnh Nghệ An, vấn đề kiến nghị sớm hỗ trợ phương án giải phóng mặt bằng các phần diện tích đất còn lại của dự án của mình, nhà đầu tư vẫn chỉ nhận được những chỉ đạo trên văn bản.

“Yêu cầu UBND huyện Nghi Lộc chủ trì, phối hợp Ban quản lý Khu Kinh tế Đông Nam tập trung thực hiện, xử lý dứt điểm trong năm 2021 đối với kiến nghị của Công ty CP Tổng hợp vật liệu Trường An và Công ty CP Đầu tư xây dựng 379 đề nghị giải phóng mặt bằng phần diện tích đất đang bị người dân lấn chiếm tại Khu A – Khu Công nghiệp Nam Cấm (đã được giao tại Thông báo số 189/TB – UBND ngày 07/4/2021 của UBND tỉnh)” – Thông báo kết luận của ông Lê Ngọc Hoa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An ngày 21/10/2021 là vậy nhưng hiện nay mặc dù đã đến nửa quý II năm 2022, mọi việc vẫn đang như "mớ bỏng bong" không hơn không kém.

Bản trả lời "dự thảo" sau gần 2 tháng PV Báo TN&MT liên hệ làm việc với Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An.

PV Báo Tài nguyên và Môi trường đã liên hệ làm việc với Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An từ tháng 3/2022 để làm rõ nhiều thông tin liên quan đến những vướng mắc về công tác GPMB tại Khu A, KCN Nam Cấm. Tại đây, cán bộ Ban này yêu cầu PV để lại câu hỏi và sẽ có câu trả lời bằng văn bản trong thời gian sớm nhất. Sau đó, PV đã để lại 4 câu hỏi liên quan đến những nội dung nêu trên. Tuy nhiên, sau gần 2 tháng trôi qua cùng các lần liên hệ tiếp theo để thúc giục Ban quản lý KKT Đông Nam sớm có câu trả lời nhưng đến nay PV Báo Tài nguyên và Môi trường vẫn chưa thể nhận được các câu trả lời chính thức từ Ban này.

Ông Phan Nguyễn Quốc Khánh, Chánh Văn phòng Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An sau nhiều lần "khất lần" cũng chỉ mới cung cấp cho PV 2 văn bản "dự thảo" câu trả lời của 2 Phòng TN&MT và Phòng Kế hoạch và Đầu tư của Ban này. Với "điệp khúc" chờ lãnh đạo Ban "duyệt" câu trả lời, Ban quản lý KKT Đông Nam Nghệ An đã "treo" nội dung câu hỏi của PV Báo Tài nguyên và Môi trường gần…2 tháng nay một cách quá khó hiểu?.

Báo Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục thông tin.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên và Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP