Có 2 tiền vệ tấn công của bóng đá Khánh Hoà trong thập niên 1990 luôn được làng cầu cả nước chú ý. Người đầu tiên là Hoàng Anh Tuấn (sau này là HLV đội tuyển U20 Việt Nam tham dự VCK giải U20 thế giới năm 2017), và người còn lại là Nguyễn Hữu Đang.
Cả hai đều sở trường đá cánh, Hoàng Anh Tuấn thuận chân trái còn Nguyễn Hữu Đang thuận chân phải. Hai người, mỗi người đảm đương một cánh của đội Phú Khánh cũ và sau này là đội Khánh Hoà, tham dự giải các đội mạnh toàn quốc ngày trước (tương đương với V–League sau này).
Trước khi bóng đá Khánh Hoà xuất hiện Lê Tấn Tài, Hoàng Anh Tuấn và Nguyễn Hữu Đang là những tài năng hàng đầu mà bóng đá phố biển từng sản sinh được.
Sự nghiệp HLV của Hữu Đang sau này không lừng lẫy bằng sự nghiệp cầu thủ, do Hữu Đang chủ yếu làm công tác đào tạo trẻ |
Sự nghiệp của họ không chỉ gắn liền với biệt “vua trụ hạng” của bóng đá Khánh Hoà ngày ấy, mà ít người biết rằng trong thời đỉnh cao của họ, họ chơi hay đến mức mà Khánh Hoà còn mơ về ngôi vô địch quốc gia – một giấc mơ cho đến giờ vẫn mãi dang dở với bóng đá phố biển.
Năm 1995, sau bàn thắng ở phút… 90+3 của Đặng Đạo vào lưới đội An Giang, trên sân Nha Trang, giúp Khánh Hoà sống lại hy vọng dự VCK, Giám đốc Sở TDTT Khánh Hoà khi đó là ông Trần Vĩnh Lộc (thân phụ của đương kim PCT phụ trách chuyên môn của VFF Trần Quốc Tuấn) đã tức tốc gửi hồ sơ bổ sung xin đăng cai VCK của giải đấu (hồi đó giải vô địch chưa thi đấu theo league như ngày nay), đồng nghĩa với tham vọng giành ngôi vô địch quốc gia.
Khánh Hoà 1995 của thế hệ Nguyễn Hữu Đang và Hoàng Anh Tuấn chỉ chịu thua đội CA.TPHCM cực mạnh của thế hệ Lê Huỳnh Đức, Trần Minh Chiến, Chu Văn Mùi, Nguyễn Thiện Quang… trên đường đến ngôi vương của giải năm đó.
Hoàng Anh Tuấn sau này dính chấn thương nặng và có giai đoạn nghỉ thi đấu rất dài, Nguyễn Hữu Đang gần như một mình gồng gánh đội Khánh Hoà, làm nên thương hiệu “vua trụ hạng” nức tiếng cả nước của đội bóng phố biển về sau này.
Hữu Đang từng có thời gian sát cánh cùng Kiatisuk tại CLB HA Gia Lai |
Khi đội tuyển Việt Nam gậy sửng sốt Đông Nam Á bằng ngôi Á quân SEA Games 1995, Hữu Đang chính là thành viên của “thế hệ vàng” năm đó, sát cánh bên Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Minh Chiến, Trần Công Minh… Bản thân Hữu Đang còn là người ghi bàn thắng duy nhất, giúp đội tuyển Việt Nam đánh bại Indonesia trong trận đấu quyết định tại vòng bảng, rồi giành quyền vào bán kết.
Đến kỳ AFF Cup lần đầu tiên diễn ra sau đó 1 năm, ở Singapore, Nguyễn Hữu Đang tiếp tục là thành viên quan trọng của đội tuyển Việt Nam, tạo nên “cơn địa chấn Jurong”, như cách gọi của báo chí khu vực khi đó, đánh bại Myanmar đến 4-1.
Trước thời điểm năm 1995 và 1996, Myanmar vẫn còn rất mạnh, luôn được xem là đối thủ lớn nhất của Thái Lan ở các kỳ giải ở Đông Nam Á. Hữu Đang chính là tác giả của bàn thắng mở tỷ số trên sân Jurong năm đó, bằng pha tăng tốc, vừa chạy vừa sút vào lưới, hiếm thấy với cầu thủ Việt Nam thời bấy giờ, góp công vào chiến thắng 4-1 cho đội tuyển Việt Nam, đồng thời đánh dấu giai đoạn tuột dốc không phanh của Myanmar cho tới tận bây giờ.
Năm 2001, sau khi Khánh Hoà rớt hạng, Nguyễn Hữu Đang mới quyết định rời phố biển, và dù đã ở vào tuổi 32, anh vẫn được HA Gia Lai đầy tham vọng của bầu Đức săn đón (ngày ấy, để có được tiền vệ cánh phải này, ngoài khoản lương cao, bầu Đức còn mở cho Hữu Đang một cửa hàng bán sản phẩm nội thất Hoàng Anh Gia Lai tại Nha Trang), làm người hỗ trợ cho chân sút số 1 Đông Nam Á Kiatisuk cũng gia nhập đội bóng phố núi không lâu sau đó.
Cũng ít người biết rằng sau khi cùng HA Gia Lai 2 lần liên tiếp vô địch V-League các năm 2003 và 2004, Nguyễn Hữu Đang chính là một trong số những cầu thủ nổi tiếng thuộc thế hệ đầu tiên khoác áo đội Hà Nội T&T (tiền thân của CLB Hà Nội ngày nay), khi đội này còn khá vô danh và vẫn thi đấu ở giải hạng dưới.
Sự nghiệp HLV của Hữu Đang sau này không lầy lững bằng sự nghiệp cầu thủ của chính anh, do Hữu Đang chỉ chủ yếu làm công tác đào tạo trẻ. Nhưng tên tuổi của Nguyễn Hữu Đang chắc chắn sẽ mãi ghi dấu ấn trong lòng những người yêu bóng đá Việt Nam, về một mẫu tiền vệ có lối chơi thuộc vào loại hiện đại nhất, năng nổ nhất nhưng cũng thuộc vào loại tài hoa nhất, trong giai đoạn mà bóng đá nội chỉ vừa tái hội nhập với khu vực, hồi đầu những năm 1990.
Tác giả: Kim Điền
Nguồn tin: Báo Dân trí