Kinh tế

Thụt két ngàn tỷ chấn động: Đại gia một thời sa cơ

Hàng loạt các doanh nghiệp “ngôi sao” một thời bất ngờ báo lỗ ngàn tỷ khiến cổ phiếu giảm giá cả chục lần. Túi tiền của rất nhiều nhà đầu tư bốc hơi cùng với sự sa cơ của đại gia.

Bất ngờ lỗ ngàn tỷ

CTCP Y tế Việt Nhật (JVC) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán riêng lẻ và hợp nhất năm 2015 (niên độ 1/4/2015-31/3/2016) với những chênh lệch rất lớn so với BCTC tự lập.

Theo đó, báo cáo kiểm toán cho biết, JVC lỗ ròng 1.335 tỷ đồng. Tính đến 31/03/2016, lỗ lũy kế của JVC là 990 tỷ đồng, bằng khoảng 90% vốn điều lệ của DN.

Trong năm 2015, JVC và công ty con phải trích lập thêm 1.125 tỷ đồng dự phòng phải thu khó đòi, trong đó có tới gần 600 tỷ đồng dự phòng cho các khoản phải thu đối với các bên liên quan đến các thành viên tiền nhiệm của ban giám đốc JVC hoặc các thành viên mật thiết trong gia đình họ.

Nhiều sai phạm trong báo cáo tài chính của DN niêm yết cổ phiếu trên TTCK.


Lợi nhuận gộp từ hoạt động kinh doanh cực thấp, chỉ gần 3,4 tỷ đồng, so với con số 69 tỷ đồng trong báo cáo tự lập. Chi phí DN tăng vọt hơn 60% so với báo cáo cũ lên gần 1.160 tỷ đồng là nguyên nhân chính khiến JVC lỗ nặng.

Chuyện lùm xùm tại JVC liên quan tới các ban lãnh đạo của DN này đã diễn ra từ năm 2015. Đó là chuyện về những tin đồn bất lợi về dự án mà JVC tham gia mà không có một lời giải thích từ ban lãnh đạo DN, cho tới vụ miễn nhiệm chức danh chủ tịch HĐQT và TGĐ đối với ông Lê Văn Hướng sau khi ông này bị bắt.

Cú lỗ bất thình lình hơn 1,3 ngàn tỷ sau kiểm toán khiến các NĐT choáng váng bởi con số mất mát là quá lớn và nó liên quan tới sự mờ ám của các ông chủ lớn, vốn một thời là đại gia dẫn dắt DN. Trong hơn 1 năm qua, cổ phiếu JVC đã giảm khoảng 10 lần từ mức đỉnh 25.000 đồng xuống còn 2.900 đồng/cp tính tới giữa phiên 9/8.

Cổ đông của CTCP Tập đoàn Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành (TTF) vài tuần gần đây cũng "nổ đom đóm mắt" vì cũ lỗ ngàn tỷ khiến cổ phiếu này giảm 15 phiên liên tục mất gần 70% giá trị trong chưa tới 3 tuần qua. Ngày 9/8, cổ phiếu này thậm chí còn bị đưa vào diện kiểm soát đặc biệt.

DN này vừa báo cáo lợi nhuận quý II/2016 lỗ tới hơn 1,1 ngàn tỷ đồng với sự sai lệch nghiêm trong với khoản mục hàng tồn kho bốc hơi gần ngàn tỷ đồng sau kiểm toán. Một số cổ đông lớn có nguy cơ thiệt hại cả ngàn tỷ đồng.

Trước đó, giới đầu tư từng chứng kiến nhiều cú sốc khi DN bất ngờ lỗ ngàn tỷ. Từ kết quả sơ bộ lãi ròng 400 tỷ, CTCP Tập đoàn Đại Dương - Ocean Group (OGC) của cựu chủ tịch Hà Văn Thắm đã chuyển thành lỗ ròng 2,4 ngàn tỷ đồng. Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam PVC (mã PVX) dưới thời ông Trịnh Xuân Thanh phát sinh lỗ hơn 3,2 ngàn tỷ trong 2 năm, thổi bay 75% vốn chủ sở hữu của DN,...

Cú sốc đau đớn

Ông Đỗ Văn Chương, một NĐT trên sàn chứng khoán VNDirect, chi nhánh TP.HCM, cho biết, trong khoảng 2 năm qua ông theo rất sát TTCK. Chơi thắng khá nhiều những thỉnh thoảng vấp một vụ như OGC hay gần đây là TTF hay HAG khiến ông Chương mất hết thành quả.

DN sai phạm, nhiều đại gia rơi vào vòng lao lý.


“Nhiều cổ phiếu nóng giảm quá nhanh. Trước đây OGC rớt một mạch từ 14.000 đồng xuống 7.000 đồng nghỉ một quãng vài phiên rồi tiếp tục lao dốc. Cổ phiếu giờ chỉ còn khoảng 2.000 đồng. TTF còn chưa dừng nghỉ, lao dốc một mạch 15 phiên mất gần 70% giá trị, từ mức gần 45.000 đồng xuống còn 14.000 đồng/cp. JVC cũng giảm gần chục lần”, ông Chương chia sẻ.

Ông Chương là một trong số ít các NĐT may mắn khi lướt sóng thành công nhiều cổ phiếu mang tính đầu cơ cao hoặc tốt thực sự như DRH, HPG, TNT,... Do vậy, NĐT này không thua lỗ cho dù dính phải một số cổ phiếu “lởm” nói trên.

Trong khi đó, rất nhiều NĐT thiếu kinh nghiệm thủng túi với các cổ phiếu gắn với những DN thua lỗ ngàn tỷ.

Ông P.V. Nhân, chuyên gia phân tích tại một CTCK tại TP.HCM, cho biết, nhiều cổ phiếu tăng quá nóng không phản ánh đúng giá trị của DN.

Trong trường hợp TTF, lỗi đầu tiên thuộc về ban lãnh đạo khai khống hàng tồn kho khiến NĐT lạc lối. Tiếp theo là lỗi của kiểm toán không kiểm tra được hàng tồn kho ảo. Những con số về tồn kho có thể phát sinh từ các năm trước đó, mãi đến đợt kiểm toán vừa qua mới phanh phui ra được sai phạm. Báo cáo tài chính 2014 đã cho thấy sự bất thường khi tồn kho lên tới 2,4 ngàn tỷ, trong khi doanh khi đó chỉ khoảng 1,4 ngàn tỷ. Lợi nhuận 2014 và 2015 khá tốt nhưng dòng tiền yếu là tín hiệu đáng ngờ.

Trong khi đó, với JVC, DN này trước đó là ngôi sao sáng với lợi nhuận cao. Tiền lãi được nghi ngờ nằm ở trong các khoản phải thu, giống như việc bán chịu giá cao ghi nhận lãi nhưng thực tế không thu được tiền về. Những khả năng như thế khiến DN có thể có lợi nhuận ảo và khi lộ diện phải trích lập dự phòng khiến DN lỗ nặng.

Cũng theo ông Nhân, nhiều cổ phiếu tăng ảo trong thời gian qua nhưng không ít cổ đã giảm rất mạnh như: EVE (giảm 50%), DRH (từ 8x về 3x vẫn còn giảm), PAC (giảm 40%). Sự điều chỉnh này giúp thị trường cân bằng và các NĐT ổn định hơn về tâm lý.

Ở chiều ngược lại, nhiều cổ phiếu tốt thực sự vẫn tăng giá. Nền kinh tế nói chung dù tăng trưởng chậm lại, thu ngân sách hụt dự toán nhưng về cơ bản nền kinh tế vẫn đi lên khá tốt.

Tác giả bài viết: M. Hà

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP