Mấy ngày qua, câu chuyện cô giáo Dư Thị Lan Hương – giáo viên thỉnh giảng tại một trường THCS ở TP HCM - thưởng nóng 20.000 đồng cho học sinh làm bài đạt 6,5 điểm trở lên gây xôn xao cộng đồng mạng vẫn chưa "hạ nhiệt". Sau khi clip được chia sẻ rộng rãi, cô Dư Thị Lan Hương cho biết chuyện cô chơi trò "thưởng nóng" nề nếp, có tổ chức cho học trò để khuyến khích học tập đã thực hiện nhiều năm nay và mang lại kết quả tích cực.
Cô Lan Hương thưởng tiền học trò. Ảnh cắt từ clip. |
Cô Lan Hương cũng tiết lộ tiền thưởng để khuyến khích học trò là từ tiền túi của cô, chứ không phải quỹ phụ huynh. Mỗi tháng, cô trích 3 triệu từ thu nhập bản thân để thưởng học trò.
Nói thêm về việc này, cô Lan Hương cho biết bên cạnh "thưởng nóng" những em học giỏi, cô còn phạt học trò vi phạm (với số tiền nhỏ).
Nói về vấn đề thưởng, phạt học trò, cô Văn Trịnh Quỳnh An – giáo viên dạy văn Trường THPT Gia Định (TP HCM) – nêu quan điểm cô không phản đối chuyện thưởng tiền cho học trò. Tuy nhiên, cô không áp dụng cách thức này mà thường mua quà, khen ngợi trước lớp cho những em có kết quả học tập tốt.
"Học trò xài tiền xong không nhớ được thưởng về việc gì nên mình hay mua quà, thường là sách, ghi vài câu khích lệ nữa học trò sẽ nhìn vào đó và có động lực phấn đấu hơn", cô An chia sẻ.
Giáo viên này cho biết việc khen thưởng tùy thuộc vào nhu cầu của học trò. "Khi ghi giấy gửi tôi khi lất ý kiến về giáo viên chủ nhiệm, học trò mình nói rằng các con thích tặng sách", cô An nói.
"Tôi nghĩ giáo viên nên tùy hoàn cảnh mà thưởng cái mà học sinh cần và thích. Để biết được điều này, đòi hỏi người giáo viên phải có sự quan tâm, yêu thương và thấu hiểu học trò", cô An chia sẻ.
ThS Đinh Quỳnh Châu – Trưởng Bộ môn Tâm lý học giáo dục, Khoa Tâm lý học - Trường ĐH Sư phạm TP HCM – cho rằng về việc giáo viên thưởng tiền cho học sinh, dưới góc độ giáo dục đây có thể coi là một trong những cách thúc đẩy động cơ học tập.
"Tuy nhiên, đây không phải là cách tối ưu vì đây là cách tác động vào động cơ bên ngoài của các em mà loại động cơ này không giúp học sinh duy trì lâu dài hứng thú học tập của bản thân và đôi khi đem lại căng thẳng rất lớn", cô Châu nhận định.
Chuyên gia này cho biết điều tốt nhất giáo viên có thể làm là giúp học sinh nhận thấy kiến thức rất hấp dẫn và cần thiết trong cuộc sống. Được như vậy, học sinh sẽ duy trì được hứng thú học tập lâu dài không chịu căng thẳng áp lực lớn từ việc thi cử. Học sinh học vì yêu thích kiến thức có thể tự học mà không cần bất cứ sự thúc giục hoặc kiểm tra từ giáo viên hoặc phụ huynh.
Tác giả: Lê Thoa
Nguồn tin: Báo Người lao động