Cảnh sát Nhật Bản đã và đang tiến hành nhiều đợt truy quét lao động cư trú bất hợp pháp. Ảnh: Internet |
Phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết, lao động bỏ trốn nói trên là thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai (SN 1986), hộ khẩu thường trú ở xóm Mỹ Thượng, xã Hưng Lộc, TP Vinh. Ngày 19/8/2016, Võ Thị Thanh Mai được Công ty CP đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội phối hợp với Nghiệp đoàn Kyusyu Factory Kyodo Kumiai (Nhật Bản) đưa sang thực tập tại nhà máy Takanami Yoshiaki (Nhật Bản) với thời hạn 3 năm, ngành nghề thực tập nông nghiệp.
Trước khi đi, để đảm bảo thực tập sinh không vi phạm hợp đồng, ông Võ Văn Chương và bà Hoàng Thị Dung - bố mẹ của thực tập sinh này đã dùng quyền sử dụng đất có diện tích 150m2 để bảo lãnh toàn bộ nghĩa vụ của thực tập sinh với công ty cho đến khi về Việt Nam thanh lý hợp đồng. Tuy nhiên, đến ngày 12/8/2017, thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai đã bỏ trốn khỏi nhà máy và ra ngoài cư trú bất hợp pháp.
Công ty CP đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội đã gửi công văn đến UBND tỉnh Nghệ An, trong đó thông tin về hành vi bỏ trốn của thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai và nêu rõ: “Hành vi của thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai đã vi phạm khoản 2, điều 35 Nghị định số 95/2013/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực lao động, BHXH và đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng”.
Doanh nghiệp đề nghị UBND tỉnh Nghệ An căn cứ theo thẩm quyền được quy định trong Nghị định 95, ban hành Quyết định xử phạt hành chính đối với thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai. Đồng thời, căn cứ hợp đồng bảo lãnh, yêu cầu bố mẹ của thực tập sinh phải thực hiện nghĩa vụ nộp phạt thay số tiền bị phạt vì hành vi vi phạm của con mình.
Nhận được công văn, UBND tỉnh Nghệ An đã giao cho Sở LĐ-TB&XH xem xét, giải quyết nội dung kiến nghị của Công ty CP đào tạo và phát triển công nghệ Hà Nội.
Công văn Sở LĐ-TB&XH trả lời Công ty CP Đào tạo và Phát triển công nghệ Hà Nội. Ảnh: Phước Anh |
Ngay sau đó, Sở đã gửi công văn cho công ty này, đề nghị công ty cung cấp hợp đồng lao động thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai đã ký kết với chủ sử dụng lao động Nhật Bản, biên bản bão lãnh của gia đình thực tập sinh và thông báo của Nhà máy Takanami Yoshiaki về việc thực tập sinh Võ Thị Thanh Mai bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở Nhật Bản để có căn cứ giải quyết theo đúng quy định của pháp luật.
Được biết, đến thời điểm hiện tại, công ty chưa gửi các giấy tờ, văn bản theo yêu cầu của Sở LĐ-TB&XH, việc xử lý đang chờ hoàn tất các thủ tục pháp lý. Phòng Việc làm, Sở LĐ-TB&XH cho biết, trung bình mỗi năm, Sở nhận khoảng 10 công văn tương tự về hành vi bỏ trốn của lao động Nghệ An ở Nhật Bản.
Hành vi bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp của người lao động đã vi phạm pháp luật Việt Nam và Nhật Bản, làm xấu đi hình ảnh của thực tập sinh người Việt Nam nói chung, người Nghệ An nói riêng trong mắt các nghiệp đoàn, xí nghiệp nước bạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc tiếp tục tiếp nhận thực tập sinh Việt Nam vào làm việc tại Nhật Bản.
Tác giả: Phước Anh
Nguồn tin: Báo Nghệ An