Số hóa

Thực hư việc robot hút bụi làm lộ hình ảnh riêng tư của người dùng

Sự cố rò rỉ hình ảnh từ robot hút bụi Roomba đang làm dấy lên các cuộc tranh luận về quyền riêng tư và cách các thiết bị gia dụng thông minh thu thập, xử lý dữ liệu người dùng.

Sự cố rò rỉ dữ liệu của robot hút bụi Roomba đã khiến người dùng hoang mang khi sử dụng các thiết bị gia dụng thông minh - Ảnh: IROBOT

Thời gian gần đây, một đoạn video lan truyền trên mạng xã hội đã khiến người xem hoang mang khi những hình ảnh riêng tư - bao gồm cả cảnh một phụ nữ đang ngồi trong nhà vệ sinh - được chụp lại bởi robot hút bụi Roomba và xuất hiện công khai trên Facebook.

Câu chuyện tưởng chừng khó tin này thực chất bắt nguồn từ năm 2020, khi một số robot Roomba thử nghiệm đã ghi lại hình ảnh người dùng trong nhà để phục vụ mục đích huấn luyện trí tuệ nhân tạo (AI).

Tuy nhiên, lỗ hổng trong quá trình xử lý và bảo mật dữ liệu đã khiến những hình ảnh riêng tư ấy bị rò rỉ ra ngoài, làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư khi sử dụng các thiết bị gia dụng thông minh.

Theo điều tra của tạp chí MIT Technology Review, các hình ảnh bị rò rỉ trên được thu thập bởi robot thử nghiệm của iRobot - công ty sản xuất Roomba.

Những robot này không được bán rộng rãi mà được cung cấp cho nhân viên và người dùng thử nghiệm với mục đích huấn luyện hệ thống AI. Các thiết bị có gắn nhãn ghi hình rõ ràng, và người thử nghiệm đã ký thỏa thuận cho phép thu thập hình ảnh.

Tuy nhiên, quá trình xử lý dữ liệu đã gặp lỗ hổng. iRobot thuê Công ty Scale AI để gán nhãn hình ảnh, nhưng chính các lao động của công ty này lại tiếp cận được ảnh riêng tư và nhiều hình ảnh trong đó đã bị phát tán lên Facebook.

iRobot xác nhận các thiết bị này không giống phiên bản bán thương mại và không có mặt trên thị trường.

Tuy vậy, một số người tham gia chương trình thử nghiệm cho biết họ cảm thấy bị lừa dối bởi những điều khoản trong thỏa thuận mà họ ký kết.

Vụ việc làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư đối với các thiết bị gia dụng thông minh. Nhiều mẫu Roomba thương mại hiện nay có thể thu thập dữ liệu về sơ đồ nhà, mức độ bụi, thói quen sử dụng, thậm chí cả âm thanh hoặc hình ảnh - tùy vào dòng sản phẩm và mức kết nối Internet.

Tuy nhiên, việc gửi dữ liệu chỉ xảy ra nếu người dùng đăng ký chương trình iRobot Select, kết nối Internet, WiFi hoặc bluetooth và chấp nhận chia sẻ.

Ngoài Roomba, nhiều hãng robot hút bụi khác cũng bị đặt nghi vấn về tính bảo mật. Năm 2024, các nhà nghiên cứu tại Úc từng xâm nhập thành công một mẫu robot X2 Ecovacs Deebot và phát hiện lỗ hổng bảo mật nghiêm trọng.

Trước đó, một số robot Ecovacs tại Mỹ đã bị chiếm quyền điều khiển và phát ra những lời phân biệt chủng tộc, cho thấy rủi ro từ các thiết bị tưởng chừng vô hại trong gia đình.

Tác giả: Hà Đào

Nguồn tin: tuoitre.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP