Hơn trăm người dân xã Lâm Thượng (Yên Bái) kéo lên núi ngăn cản, xô xát với bảo vệ công ty khai thác đá ở Lục Yên |
Liên quan đến thông tin hơn 100 người dân xã Lâm Thượng kéo đến ngăn cản, xô xát với bảo vệ công ty khai thác đá Lục Yên và giữ trái phép một cán bộ tuyên giáo, sáng 28/9, trao đổi với PV Báo Giao thông, ông Bùi Văn Thịnh, Chủ tịch UBND huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái cho biết, sáng 27/9 có xảy ra xô xát giữa người dân và bảo vệ Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt Công ty R.K). Nguyên nhân do bảo vệ đi thực hiện nhiệm vụ nhưng người dân dàn hàng không cho đi qua, khi bảo vệ cố tình đi qua thì xảy ra xô xát.
Lúc này, một số đối tượng đã sử dụng đá ném khiến 2 bảo vệ Công ty R.K bị thương ở mắt và trán, hiện đã được đưa xuống Hà Nội điều trị. Công an huyện Lục Yên cũng đang tạm giữ một đối tượng để điều tra, làm rõ hành vi này, có thể sẽ triệu tập thêm 1 số đối tượng khác liên quan.
Về thông tin người dân giữ một cán bộ tuyên giáo huyện, ông Thịnh cho biết không đúng sự thật. "Người dân chỉ mời Trưởng ban Tuyên giáo huyện ở lại để cùng giải quyết sự việc và được chăm sóc chu đáo. Việc này được cho là cản trở việc tuyên truyền của Trưởng ban Tuyên giáo vì không thể đi các nơi khác làm việc được, chứ không có căn cứ cho rằng giữ người trái pháp luật", ông Thịnh cho hay.
Sự việc bắt nguồn từ năm 2016, Công ty TNHH Đá cẩm thạch R.K Việt Nam (gọi tắt Công ty R.K) được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép cho thăm dò đá hoa trắng tại khu vực Nà Kèn, xã Lâm Thượng, huyện Lục Yên, thời hạn đến 29/1/2020, với diện tích trên 101 ha. Toàn bộ khu vực này là diện tích rừng tự nhiên núi đá thuộc rừng nghèo.
Tuy nhiên, từ khi được cấp phép đến ngày 26/9/2018, Công ty R.K chưa tiến hành hoạt động nào do liên quan đến Chỉ thị 13 và một bộ phận nhỏ nhân dân giáp khu vực Công ty có giấy phép thăm dò phản đối, chưa đồng thuận. Người dân cho rằng, việc nếu công ty được cấp giấy phép khai thác (hiện nay chưa được cấp mà chỉ mới cấp giấy phép thăm dò - PV) thì sẽ ảnh hưởng đến môi trường, người dân sẽ mất nguồn nước sinh hoạt, sản xuất.
"Về kiến nghị của người dân, người dân xã Lâm Thượng đã gửi đơn kiến nghị lên các cấp chính quyền từ huyện, tỉnh, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Chính phủ, Quốc hội và đã được các cơ quan từ địa phương đến Trung ương giải quyết triệt để bằng các văn bản trả lời, qua đó khẳng định các đề nghị của nhân dân không phù hợp theo pháp luật hiện hành và không phù hợp với định hướng của Đảng và Nhà nước là phát triển công nghiệp, thu hút đầu tư", ông Thịnh nói.
Tuy nhiên, đến nay người dân vẫn không chấp thuận các văn bản trả lời, tiếp tục phản đối. Chính quyền địa phương cũng đã tổ chức nhiều đợt đối thoại từ cấp thôn, bản đến cấp xã, cấp huyện với thành phần tham dự gồm Bộ Tài nguyên và Môi trường, các sở ngành liên quan, giải thích cho người dân hiện Công ty R.K chỉ được cấp phép thăm dò, sau khi thực hiện thăm dò sẽ báo cáo xin giấy phép hay không; Trong giai đoạn thăm dò, chưa tác động đến môi trường. Việc xin giấy phép khai thác cần rất nhiều thủ tục, trong đó thủ tục đánh giá tác động môi trường và kế hoạch khắc phục rất quan trọng, người dân khu vực lân cận bị tác động sẽ được tham gia giám sát.
Thế nhưng, hôm qua (27/9), Công ty R.K bắt đầu làm việc đầu tiên của công tác thăm dò là tiến hành kiểm đếm tài sản trên khu vực dự kiến đặt mũi khoan thăm dò đã gặp phản ứng của người dân.
"Khoảng 100 người cả người già, trẻ em, thanh niên kéo đến phản đối. Trách nhiệm của huyện là đảm bảo an ninh, trật tự, nếu người dân vi phạm pháp luật sẽ giao cho lực lượng chức năng xử lý theo quy định. Đồng thời, thực hiện nghiêm chỉ đạo của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo huyện lấy tuyên truyền thuyết phục là chính, đáp ứng tất cả yêu cầu chính đáng của người dân, khi có điều kiện sẽ đáp ứng những yêu cầu khác có thể đáp ứng được, ưu tiên cho các vùng sẽ hoặc sắp bị tác động để nhân dân thấu hiểu và chấp hành tốt", ông Thịnh nói.
Tác giả: Yến Chi
Nguồn tin: Báo Giao thông