Trong tỉnh

Thu hồi các dự án chậm tiến độ: Liệu có khả thi?

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn không ít dự án chậm triển khai, không triển khai hoặc không còn khả năng triển khai, đang "đắp chiếu" gây lãng phí, ảnh hưởng đến môi trường đầu tư của tỉnh. UBND tỉnh đã nhiều lần cho kiểm tra, rà soát và có các quyết định thu hồi nhưng chưa nhiều. Không ít dự án buộc phải tiếp tục gia hạn hoặc chưa thu hồi dù biết chủ đầu tư thiếu khả năng thực hiện.

Dự án nhiều năm vẫn quẩn quanh trên giấy

Điểm sơ qua, trên địa bàn thành phố Vinh có hàng chục dự án cấp xong bỏ đấy, trong đó có những dự án nằm ở vị trí đất vàng của tỉnh. Theo giải thích của các chủ đầu tư thì lỗi để chậm hoặc không triển khai dự án là bởi kinh tế khủng hoảng, thị trường bất động sản đóng băng, tính toán đầu tư không có lãi… Tuy nhiên, phân tích của các nhà chuyên môn lại cho rằng, những lý do trên chỉ là thứ yếu, còn thực chất lại do nhà đầu tư thiếu năng lực tài chính hoặc lập dự án để giữ đất. Bởi thực tế, một số dự án được cấp phép gần chục năm nay nhưng không triển khai, hoặc triển khai chiếu lệ, để rồi đến kỳ kiểm tra lại… xin được gia hạn.

Một trong những dự án Công ty Vật liệu Xây dựng và Xây lắp Thương mại BMC vẫn chỉ là khu đất trống sau nhiều năm được cấp phép đầu tư.

Trao đổi về vấn đề này, ông Võ Viết Thanh – Bí thư Thành ủy Vinh cho biết: “Hiện trên địa bàn thành phố có gần 1 nửa dự án chậm tiến độ. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển chung của thành phố”.

Dự án chậm tiến độ gây ảnh hưởng đến phát triển chung của thành phố Vinh.

Cách đây gần 10 năm, Công ty Vật liệu Xây dựng và Xây lắp Thương mại BMC từ thành phố Hồ Chí Minh đến Nghệ An đầu tư. Với thương hiệu BMC, công ty này đã đăng ký và được chấp thuận đầu tư các dự án nằm ở vị trí trung tâm các đô thị Vinh và Cửa Lò. Các công trình này đều được kỳ vọng sẽ làm thay đổi đáng kể diện mạo các đô thị. Tuy nhiên, nhà đầu tư đã làm cả người dân và chính quyền thất vọng bởi từ khi được cấp phép cho đến nay, ngoài công trình chung cư tọa lạc ở số 92 đường Nguyễn Thị Minh Khai thi công dang dở mấy năm nay thì doanh nghiệp này không triển khai gì ở 2 dự án BMC Vinh Plaza (nằm ở ngã tư đường vào Ga Vinh) và BMC Cửa Lò Plaza ngoài sử dụng các tấm tôn quây kín dự án để tạo ranh giới.

Các doanh nghiệp chây ỳ để giữ vị trí “đất vàng”?

Trước thực tế nhiều dự án trên địa bàn không triển khai hoặc để chậm tiến độ, thời gian qua tỉnh đã đôn đốc, gia hạn và thu hồi các dự án không khả thi. Tuy nhiên, với những dự án chưa đầu tư, việc thu hồi không đáng ngại nhưng với các dự án đã đầu tư dang dở, nhất là dự án có số vốn lớn, việc thu hồi không dễ bởi sau thu hồi là hàng loạt vấn đề cần giải quyết.

Dự án khách sạn nhà nghỉ của Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội trên đường Bình Minh, Thị xã Cửa Lò mới chỉ xây dựng được một hạng mục là cổng chào từ nhiều năm nay.

Bám trục đường Bình Minh – trục giao thông chính của Thị xã Của Lò, dự án khu khách sạn nhà nghỉ của Công ty Cổ phần Du lịch Hà Nội là một điển hình cho các dự án giữ đất. Được chấp thuận đầu tư từ năm 2006, với diện tích đất được cấp trên 27 ngàn m2 nhưng ngoài công trình cổng vào hoành tráng thì dự án này chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy chủ đầu tư sẽ xây dựng khách sạn, nhà hàng trên khu đất trong nay mai. Vậy nhưng việc thu hồi những dự án như thế này là không hề đơn giản.

Ông Phạm Văn Vinh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An nói về những khó khăn trong quá trình thu hồi các dự án dang dở: “Cái khó khăn lớn nhất đối với các dự án dang dở là việc chủ đầu tư phải làm việc với cơ quan chức năng. Chúng tôi thấy tính hợp tác của nhiều chủ đầu tư còn có tư tưởng né tránh, năng lực yếu kém hay cố tình chây ỳ để tìm cách chuyển nhượng dự án”.

Sau gần nhiều năm triển khai nhưng dự án khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ tại phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò do Công ty xây dự số 3 Hà Nội làm chủ đầu tư chỉ thực hiện được phần thô của dự án và một nửa còn lại chưa triển khai. Dự án này đã nằm trong danh sách đề nghị thu hồi của tỉnh. Tuy vậy, doanh nghiệp này đã đầu tư đến hàng chục tỷ đồng vào dự án nên việc thu hồi rất khó. Thực tế là không dễ gì để thu hồi đối với một số lượng lớn dự án đang được triển khai dở dang vì sau khi thu hồi phải tìm được nhà đầu tư mới hoặc dự án khác khả thi hơn. Và khi thu hồi, tài sản và vốn đầu tư của nhà đầu tư cũ bỏ ra phải được tính toán, hoàn trả.

Dự án khu chung cư và biệt thự cao cấp kết hợp thương mại dịch vụ tại phường Nghi Hương, Thị xã Cửa Lò của Công ty xây dự số 3 Hà Nội chưa có dấu hiệu tiếp tục đầu tư hoàn thiện.

Ông Võ Văn Hùng - Phó Chủ tịch UBND Thị xã Của Lò nói về các giải pháp của địa phương trong việc thu hồi đất dự án: “Sau khi UBND tỉnh có quyết định thu hồi đất hay gia hạn dự án, ủy ban thị xã Cửa Lò sẽ phối hợp với các Sở, ban ngành để đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện yêu cầu của UBND tỉnh đối với các dự án. Nếu các chủ đầu tư tiếp tục không thực hiện theo yêu cầu thì thị xã sẽ phối hợp với các Sở, ban ngành để tiến hành thu hồi các dự án”.

Việc thu hồi dự án đã đầu tư còn khó bởi chính nhà đầu tư luôn tìm cách chứng minh năng lực, đề nghị tiếp tục gia hạn thời gian thực hiện mỗi khi tỉnh kiểm tra và yêu cầu thu hồi. Chủ trương của tỉnh là tạo điều kiện cho nhà đầu tư, cùng chia sẻ với những khó khăn của doanh nghiệp, bởi vậy, có nhiều dự án được gia hạn tiến độ để doanh nghiệp tiếp tục có cơ hội đầu tư. Tuy vậy, cũng có nhà đầu tư cố tình chây ỳ, kiếm cớ kéo dài thời gian dù không còn đủ năng lực triển khai.

Ông Trần Ngọc Toàn - Giám đốc Công ty TNHH Hà Dung từng hứa hẹn: "Đợt này khi đã có nguồn vốn chúng tôi sẽ đề xuất với UBND tỉnh, các Sở ban ngành cho phép xây dựng lại quy hoạch chi tiết dự án. Tuy nhiên phải chắc chắn nắm trong tay nguồn vốn để chúng tôi chứng minh với tỉnh về năng lực thực hiện của mình”.

Những điều mà ông Giám đốc Công ty TNHH Hà Dung trả lời phỏng vấn cách đây một năm nhưng cho đến nay, dự án cảng cầu tàu và cảng cá của Công ty vẫn không có gì tiến triển.

Mạnh tay với các dự án chậm tiến độ

Theo quy định của Luật Đất đai, các dự án nào vượt quá 24 tháng kể từ khi giao đất mà doanh nghiệp không đưa đất vào sử dụng sẽ xem xét gia hạn. Nếu hết thời gian được gia hạn mà doanh nghiệp vẫn chưa đưa đất vào sử dụng thì sẽ kiến nghị thu hồi và khi thu hồi sẽ không bồi thường về đất và tài sản trên đất, trừ trường hợp bất khả kháng. Con số 124 dự án trong 5 năm qua do các đoàn kiểm tra liên ngành kiến nghị, đề xuất thu hồi và hủy bỏ là rất lớn nhưng thực tế mới chỉ có 12 dự án thực thi được.

Thu hồi các dự án chậm tiến độ: Liệu có khả thi?

Nói về các giải pháp hạn chế các dự án chậm tiến độ, ông Phạm Văn Vinh - Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Nghệ An cho biết: “Để hạn chế tình trạng chậm tiến độ của các dự án phải thực hiện theo 4 giải pháp. Thứ nhất, phải thẩm tra kỹ năng lực của chủ đầu tư, yêu cầu của chủ đầu tư, cam kết của chủ đầu tư đối với dự án. Bên cạnh đó là thái độ kiên quyết, trách nhiệm của các Sở, ban ngành liên quan trong việc đôn đốc các chủ đầu tư thực hiện dự án theo đúng tiến độ đã cam kết”.

Để có câu trả lời: làm gì để không còn dự án “treo”, dự án chậm tiến độ thì quan trọng nhất là khâu kiểm soát việc cấp phép dự án ngay từ đầu, trong đó có đánh giá năng lực nhà đầu tư. Đây là điều kiện số một để dự án triển khai chậm hay nhanh, khả thi hay không, cũng cần rạch ròi việc chịu trách nhiệm để dự án chậm tiến độ lỗi thuộc về ai. Có như vậy, môi trường đầu tư của tỉnh mới được cải thiện, minh bạch và lành mạnh./.

Tác giả: Xuân Hướng - Cảnh Toàn

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP