Bước đầu, cơ quan An ninh điều tra đã thi hành lệnh bắt tạm giam 04 đối tượng gồm: Lê Duy Anh, sinh năm 1979, trú tại xã Quang Tiến, huyện Sóc Sơn, thành phố Hà Nội đóng vai trò chủ mưu; Trần Thị Thành, sinh năm 1959, trú tại phường Hưng Phúc, thành phố Vinh; Hồ Thị Hằng, sinh năm 1965, trú tại phường Trường Thi, thành phố Vinh và Trần Thị Hà, sinh năm 1974, trú tại xã Đông Hiếu, thị xã Thái Hòa, tỉnh Nghệ An.
Đối tượng chủ mưu Lê Duy Anh. |
Thủ đoạn hoạt động của các đối tượng là đánh vào tâm lý muốn làm việc nhẹ, lương cao ở nước ngoài của người lao động, kèm với đó là thủ tục đơn giản để xuất cảnh. Theo đó người lao động chỉ cần tự làm các giấy tờ về khám sức khỏe (tại các trung tâm được các đối tượng giới thiệu) và hộ chiếu; về trình độ chỉ cần tốt nghiệp THPT.
Ngoài ra với chiêu thức ban đầu, các đối tượng môi giới đưa ra mức chi phí thấp, chỉ từ khoảng 20.000USD đến 25.000USD/người với thủ tục hồ sơ đơn giản. Nhưng sau khi các lao động nộp hồ sơ và tiền cho các đối tượng để làm thủ tục xuất cảnh thì các đối tượng lại biện ra nhiều lý do khó khăn như: đơn hàng ban đầu bị hủy, phải bay sang một nước khác mới sang được Australia...trong quá trình làm thủ tục xuất cảnh để dần tăng chi phí, buộc các lao động phải theo. Đỉnh điểm, đến giai đoạn sau thì các lao động phải nộp lên đến hơn 40.000USD/người.
Cơ quan An ninh điều tra thi hành lệnh bắt tạm giam bà Hồ Thị Hằng. |
Trong thời gian từ năm 2003 đến năm 2011, đối tượng chủ mưu Lê Duy Anh đã đi xuất khẩu lao động tại Malaysia, nên rất am hiểu hồ sơ, thủ tục để đưa người đi xuất khẩu lao động. Từ năm 2015-2018, Lê Duy Anh là giám đốc một trung tâm tư vấn du học ở Hà Nội. Trong quá trình tìm người có nhu cầu đi xuất khẩu lao động thì Lê Duy Anh tự "nổ" là Giám đốc một công ty trực thuộc Mặt trận tổ quốc Việt Nam, là một đối tác của công ty ở Australia đang cần nhiều người Việt Nam để lao động.
Các đối tượng trực tiếp tư vấn, thỏa thuận, hứa hẹn bằng nhiều cách sẽ đưa người lao động đến Australia để làm việc nhẹ nhàng, dễ làm (thu hoạch, đóng gói trái cây, làm trang trại), thời hạn lao động là 02 năm (gia hạn 01 năm) mức lương cao từ 80 đến 100 triệu đồng/tháng tùy theo sản phẩm làm ra, ngoài ra còn có nhiều đãi ngộ lớn, thời gian xuất cảnh nhanh chóng, mọi giấy tờ, thủ tục đã có người của bên Australia lo, toàn bộ chi phí chỉ mất 25.000USD. Để tạo thêm lòng tin tưởng của người lao động, các đối tượng sau khi nhận tiền đều viết giấy xác nhận, giấy cam kết hoàn trả toàn bộ số tiền nếu người lao động không xuất cảnh sang nước Australia thành công.
Cơ quan chức năng thi hành lệnh bắt tạm giam bà Trần Thị Hà. |
Anh Nghiêm Minh Hiệu, sinh năm 1982, trú tại TP.Vinh là một trong số những nạn nhân bị thiệt hại nhiều nhất trong đường dây đưa người đi xuất khẩu lao động của Lê Duy Anh và đồng bọn. Số tiền anh Hiệu đã đóng cho các đối tượng là 36.300USD. Qua người giới thiệu, năm 2014, anh Hiệu tự tìm đến bà Hồ Thị Hằng (đối tượng đã bị bắt tạm giam) để đặt vấn đề đi xuất khẩu lao động sang Australia và được bà Hằng nhận lời và nói tổng chi phí hết 25.000USD. Anh Hiệu đã nộp 2.000USD tiền đặt cọc trước cho bà Hằng. Nhiều lần gặp gỡ, anh Hiệu đã đưa toàn bộ số tiền 36.300USD cho bà Hằng để làm các thủ tục sang Australia. Nhận tiền xong, bà Hằng đã hướng dẫn cho anh Hiệu ra Hà Nội gặp gỡ Lê Duy Anh để tìm hiểu và làm các giấy tờ cần thiết.
Tại Hà Nội, anh Hiệu và một số người khác được giới thiệu tham gia một khóa học tiếng Anh với giá 04 triệu đồng, tài liệu học tập chỉ là một cuốn tài liệu tiếng Anh phôtô rất đơn giản. Sau khi học xong, Lê Duy Anh cùng anh Hiệu và một số lao động đã nhiều lần xuất cảnh sang Malaysia trong các năm 2017, 2018. Mục đích xuất cảnh sang Malaysia, được Lê Duy Anh cho biết là để làm các thủ tục giấy tờ để xuất cảnh sang Australia, còn làm gì và làm như thế nào thì anh Hiệu và các lao động không hề biết. Trong thời gian ở Malaysia, có thời điểm lâu nhất là 04 tháng, tại đây các lao động không làm bất cứ thủ tục gì, chỉ sinh hoạt tại một khách sạn do Lê Duy Anh thuê.
Cán bộ An ninh điều tra làm việc với người bị hại anh Nghiêm Minh Hiệu. |
Để có số tiền hơn 800 triệu đóng cho các đối tượng để được xuất cảnh sang Australia, anh Hiệu đã vây ngân hàng 300 triệu đồng, số tiền còn lại vay anh, em bạn bè. "Giờ đây tôi và gia đình đã rơi vào cảnh nợ cần, cùng cực, không biết lấy tiền đâu để trả nợ và lo cho con, cái ăn học" anh Nghiêm Minh Hiệu tâm sự.
Với thủ đoạn ngon ngọt, hấp dẫn như trên, nên đã có hàng trăm người lao động tin theo, từ cuối 2015 đến đầu 2019, các đối tượng trên đã tuyển được hơn 400 lao động nộp hồ sơ, nộp tiền để xuất cảnh đi Australia lao động. Số lao động này đến từ hầu khắp cả nước như Long An, An Giang, Đồng Nai, Gia Lai, Đăk Lawk, Quảng Ninh, Bắc Giang... nhưng chủ yếu ở các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Các lao động này đã nộp cho các đối tượng số tiền hàng chục tỷ đồng. Sau khi nộp tiền này, một số được các đối tượng chuyển sang cho các đối tượng ở Malaysia, một số khác được các đối tượng sử dụng vào việc đưa các lao động sang Malaysia để làm thủ tục xuất cảnh Australia; nhưng đến nay chưa một lao động nào được sang Australia.
Đối tượng Lê Duy Anh viết giấy cam kết trả lại toàn bộ số tiền cho người lao động nếu không xuất cảnh sang Úc thành công. |
Hành vi của các đối tượng gây ra đã đẩy hàng trăm gia đình vào cảnh cùng cực, giấc mơ xuất ngoại không thấy đâu, chỉ có sợ nợ hàng trăm triệu đồng là đã hiện hữu trước mắt (có gia đình hiện đã nộp cho các đối tượng lên đến hơn 50.000USD nhưng vẫn chưa được xuất cảnh sang Australia).
Hiện vụ việc đang được Phòng An ninh điều tra, Công an tỉnh Nghệ An tiếp tục điều tra, mở rộng./
Tác giả: Đức Vũ - Xuân Bắc
Nguồn tin: Báo Công an nhân dân