Trong nước

Thiếu tướng Cầu: Cưỡng chế bằng cắt điện nước thể hiện sự bất lực

Nhiều đại biểu Quốc hội phản đối đề xuất về biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính “ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vi phạm". .

Cắt điện nước thể hiện sự bất lực

Sáng 18/6, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Đề xuất cắt điện nước và bổ sung hình phạt lao động công ích nhận được nhiều quan tâm từ các đại biểu.

Cho ý kiến về dự thảo, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) thống nhất cao với đề xuất ngừng cung cấp các dịch vụ điện, nước tại địa điểm vi phạm đối với cá nhân, tổ chức vi phạm trong xây dựng công trình, sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Tuy nhiên, ông đề nghị quy định cụ thể, rõ ràng hơn về đối tượng áp dụng, tránh tùy tiện, dễ phát sinh tiêu cực, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Hữu Cầu, Nghệ An.

Theo đại biểu, chỉ nên áp dụng cắt điện, nước trong trường hợp đã có quyết định xử lý vi phạm nhưng đối tượng vẫn cố tình tái phạm: "như vậy vừa đảm bảo tính nghiêm minh, vừa đảm bảo cho hoạt động sản xuất kinh doanh".

Tuy nhiên, nhiều đại biểu lại lo ngại, đề xuất cắt điện, nước trên chưa thuyết phục và tính khả thi không cao. Mặt khác, điện, nước không phải là tang vật vi phạm hành chính, nên không thể là công cụ cưỡng chế.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) đồng ý với quan điểm, các vi phạm hành chính cần được ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên theo đại biểu, giải pháp cắt điện, nước sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của bên không liên quan. “Lúc đó giải quyết một việc trái pháp luật nhưng lại gây ra hậu quả lớn hơn”, ông Cảnh cho hay.

Trên cơ sở đó, đại biểu đoàn Bình Định đề nghị, nếu quyết áp dụng biện pháp này phải đi kèm nhiều nội dung liên quan, trong đó phải đảm bảo cắt điện, nước sẽ không liên quan đến tổ chức, cá nhân không vi phạm.

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng, việc áp dụng biện pháp cắt điện, nước này là thể hiện sự bất lực của cơ quan chức năng và không mang tính nhân văn. “Cơ quan cung cấp điện, nước đưa hợp động sẵn, ký thì có điện, nước không thì nghỉ khỏe. Nếu quy định như vậy, có khi hợp đồng điện nước phải đưa ra Quốc hội phê chuẩn”, ông Cương nêu, đồng thời đề nghị nếu quyết định áp dụng, thì chỉ nên áp dụng với lĩnh vực xây dựng.

Tranh luận, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cũng cho rằng, giải pháp cắt điện, nước trên không nhân đạo, thể hiện sự bất lực của cơ quan công quyền và dễ bị lợi dụng.

“Nạn nhân kép”

Tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) ủng hộ bổ sung hình thức lao động công ích trong xử lý vi phạm hành chính. Bà cho rằng, hình thức xử phạt này không thể thay thế được, còn tiền bạc thì có thể mượn, thay thế, nên khó đảm bảo tính răn đe.

Theo đại biểu, hình phạt này có ý nghĩa và người bị phạt cũng nhận thức được vấn đề, một số quốc gia cũng áp dụng việc này. Còn phạt tiền không phải lúc nào cũng có ý nghĩa, ví dụ như bạo lực gia đình, tiền chung của gia đình, mà vợ lại dùng chính tiền này đi nộp phạt thay cho chồng. Như vậy người phụ nữ lại trở thành “nạn nhân kép”, vừa bị bạo lực, vừa mất tiền, nên không dám tố cáo.

Ủng hộ áp dụng giải pháp lao động công tích, tuy nhiên, đại biểu Hoa đề nghị phải có cơ chế giám sát rõ ràng, lao động việc gì, thời gian lao động bao lâu.., để tránh bị lạm dụng, xâm phạm quyền công dân.

Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị bổ sung hình phạt lao động công ích. "Đề xuất này không mới vì đã được đưa ra thảo luận vào năm 2012, nhưng sẽ góp phần nâng cao hiệu quả pháp luật về xử lý vi phạm", ông Cảnh nói.

Tuy nhiên, đại biểu Cảnh đề nghị chỉ nên áp dụng với người vi phạm từ 16 – 30 tuổi, độ tuổi được quy định trong Luật Thanh niên, nếu vi phạm cần được xử phạt, giáo dục kịp thời. Mặt khác đối tượng này cũng chưa chịu nhiều áp lực về tài chính từ người lệ thuộc.

“Cũng giống như nội dung quy định luật Phòng chống tác dụng rượu bia, chúng ta không có đủ con người, thiết bị, phương xử lý hết những người vi phạm. Thế nhưng luật đã làm cho vi phạm liên quan tới rượu bia giảm sâu. Đưa ra hình thức xử phạt lao động công ích này sẽ giảm đáng kể hành vi vi phạm pháp luật hành chính đối với thanh niên”, đại biểu Cảnh nêu quan điểm.

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Văn Hiển (Lâm Đồng), Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp lại cho rằng, muốn áp dụng hình thức xử phạt lao động công ích, phải do tòa án thực hiện. “Nếu quy định trong Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ vi phạm Công ước về lao động cưỡng bức mà Quốc hội vừa phê chuẩn”, đại biểu Hiển nêu.

Tác giả: Luân Dũng

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP