Mitsubishi Xpander là một mẫu MPV 7 chỗ được ưa chuộng tại Việt Nam nhờ giá cả phải chăng, thiết kế thực dụng và khả năng tiết kiệm nhiên liệu. Tuy nhiên, không ít người đi đường cảm thấy khó chịu khi Xpander chạy “rề rà” phía trước, đặc biệt trong những tình huống cần tăng tốc hay vượt xe.
Trước khi vội vàng bực bội, hãy nhìn nhận thực tế: Xpander chỉ được trang bị động cơ 1.5L, không phải là cỗ máy mạnh mẽ so với các dòng sedan hay SUV có dung tích lớn hơn.
![]() |
Mitsubishi Xpander bị đánh giá là máy móc không mạnh mẽ. |
Cụ thể, động cơ của Mitsubishi Xpander là loại 1.5L MIVEC, cho công suất tối đa 104 mã lực và mô-men xoắn 141Nm. Với một chiếc xe 7 chỗ có trọng lượng đáng kể, đây không phải là thông số lý tưởng để tăng tốc nhanh hay vượt xe linh hoạt. Đặc biệt, khi chở đủ tải hoặc chạy trên đường dốc, Xpander dễ bị đánh giá là thiếu sức mạnh.
Thậm chí, ngay cả khi lăn bánh trở lại sau khi dừng đèn đỏ, xe cũng tỏ ra chậm chạp, khó có thể nói là ổn. Tuy nhiên, động cơ này được thiết kế để ưu tiên độ bền, tiết kiệm nhiên liệu và phù hợp với giao thông đô thị - nơi tốc độ cao không phải là yếu tố quan trọng nhất.
Anh Nguyễn Văn Hùng, một tài xế lâu năm lái Xpander chia sẻ: “Tôi dùng Xpander chở gia đình, đi làm, thỉnh thoảng về quê. Khi vượt xe tải trên đường trường, tôi phải tính toán kỹ vì máy 1.5L không mạnh. Xe lăn bánh lại sau đèn đỏ cũng chậm, đạp ga mạnh thì máy gầm to, tôi sợ không bền”. Lời của anh Hùng cho thấy người lái Xpander phải chấp nhận giới hạn động cơ và điều chỉnh cách lái sao cho hợp lý, đặc biệt trong những tình huống cần phản ứng nhanh.
Ngược lại, những tài xế xe mạnh hơn lại có cái nhìn khác. Anh Trần Minh Tuấn, người sở hữu Toyota Fortuner 2.7L bức xúc: “Có lần tôi chạy sau Xpander trên quốc lộ, đường thẳng mà xe cứ 60 km/h so với tốc độ tối đa cho phép 90Km/h, muốn vượt cũng khó vì phía trước đông. Máy yếu thế thì đừng chen vào làn nhanh, nhường người khác đi cho kịp việc". Đây là sự khó chịu của nhiều người khi gặp Xpander “cản đường”.
Dẫu vậy, không phải lúc nào Xpander chạy chậm cũng đáng bị chỉ trích. Trong giao thông đô thị đông đúc, xe vẫn đáp ứng được nhu cầu cơ bản, dù khả năng lăn bánh trở lại sau đèn đỏ khá ì ạch. Vấn đề sẽ thực sự rõ ràng khi xe chạy đường trường hoặc cần vượt phương tiện lớn.
Chị Lê Thị Mai, một tài xế Xpander giải thích: “Tôi không dám đạp ga mạnh khi vượt xe vì máy đuối, nhất là chở đủ 7 người. Xe lăn bánh chậm sau đèn đỏ là bình thường, nó hợp chạy từ tốn, tiết kiệm xăng, chứ không phải để đua. Ai muốn nhanh thì cứ vượt, đừng ép tôi chạy nhanh".
Trong khi đó, anh Phạm Quốc Anh, người lái Mazda CX-5 với động cơ 2.5L tỏ ra thông cảm hơn: “Ban đầu tôi nghĩ Xpander chậm là do tài xế, nhưng biết máy 1.5L thì hiểu ngay. Lăn bánh lại chậm sau đèn đỏ là hạn chế của xe, nhưng đường thẳng không xe mà vẫn ì thì mới đáng nói. Xe nào cũng có điểm mạnh, yếu, quan trọng là tài xế biết cách xử lý”.
Thực tế, Mitsubishi Xpander không được thiết kế để cạnh tranh về tốc độ hay tăng tốc. Điểm mạnh của nó nằm ở không gian rộng, mức tiêu hao nhiên liệu thấp (6 - 7L/100Km) và giá bán hợp lý (600 - 700 triệu đồng tùy phiên bản). So với Toyota Veloz Cross hay Suzuki Ertiga, Xpander vẫn nổi bật nhờ sự cân bằng giữa chi phí và tiện ích. Tuy nhiên, người dùng phải chấp nhận nhược điểm, đặc biệt khi so với các xe mạnh hơn như Honda CR-V, Toyota Fortuner hay Kia Seltos.
Vậy nên, khi thấy Xpander chạy “rề rà” phía trước, thay vì bực bội, hãy cân nhắc hoàn cảnh. Nếu xe lăn bánh chậm sau đèn đỏ hay khó vượt trên đường trường, đó là giới hạn của động cơ 1.5L. Nhưng nếu đường thoáng mà vẫn ì ạch, thì tài xế cần xem lại cách lái. Giao thông là sự chia sẻ, không chỉ là cuộc đua giữa các cỗ máy.
Tác giả: An An
Nguồn tin: nguoiduatin.vn