Số hóa

Thấy 4 số này gọi đến, cúp máy ngay kẻo mất sạch tiền trong tài khoản

Hiện nay, tình trạng lừa đảo qua điện thoại diễn ra rất phổ biến. Do đó, mọi người cần cẩn trọng khi nhận những cuộc gọi có dấu hiệu đáng ngờ.

Số từ người danh tính không rõ ràng

Khi bạn bắt máy, đầu dây bên kia sẽ nói "Đoán xem tôi là ai?". Lúc này, nhiều người sẽ nghĩ đến bạn bè, bạn học hoặc người thân của mình. Khi bạn nói tên của người khác, người kia đột nhiên thay đổi và nói “Ha ha, bạn đoán đúng rồi”.

Sau đó, đối tượng lừa đảo bắt đầu đặt một số chủ đề thân mật để lấy lòng tin của bạn. Khi bạn tin tưởng đối phương thì bên kia sẽ bắt đầu tìm đủ mọi lý do để hỏi vay tiền. Lúc này bạn nghĩ đối phương là bạn bè quen biết nên sẽ chuyển tiền cho, đến khi nhận ra sự thật thì đã quá muộn vì bên kia đã chặn cuộc gọi của bạn.

Cuộc gọi tự xưng là cơ quan chức năng

Bộ Công an đã cảnh báo thủ đoạn giả danh, mạo danh cán bộ làm việc trong các cơ quan tư pháp, mà các đối tượng thường sử dụng có đặc điểm chung là: Chúng sử dụng công nghệ cao, ẩn danh dưới số điện thoại giống hệt số điện thoại công khai của cơ quan Công an, Viện Kiểm sát để gọi điện cho bị hại, thông báo họ đang bị kiện vì nợ tiền hoặc có liên quan đến một vụ án, chuyên án mà Cơ quan Công an đang điều tra, xác minh, đã có lệnh bắt của Viện Kiểm sát nhân dân...; yêu cầu bị hại kê khai tài sản, số tiền mặt hiện có và số tiền gửi trong các tài khoản ngân hàng. Sau đó, các đối tượng dùng lời lẽ đe dọa sẽ bắt tạm giam nạn nhân để điều tra và yêu cầu họ chuyển tiền hoặc đọc mã OTP để chúng thực hiện việc chuyển tiền vào các tài khoản của chúng với vỏ bọc để xác minh, điều tra.

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, còn có một đặc điểm khác của các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng mà người dân có thể dễ dàng nhận biết, đó là: Các đối tượng yêu cầu bị hại không được kể câu chuyện vừa trao đổi cho bất kỳ ai, mục đích nhằm để nạn nhân không có đủ thời gian để kiểm tra thông tin, không trình báo cho cơ quan Công an được biết. Mặc dù nhiều bị hại không có khuất tất, không có sai phạm, nhưng trước những lời đe dọa, thúc giục của các đối tượng dẫn đến lo lắng và không đủ tỉnh táo để nhận biết sự việc bị lừa đảo.

Bộ Công an nêu rõ, Cơ quan Công an các cấp khi làm việc, xác minh, điều tra với các cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp sẽ có cán bộ đến làm việc trực tiếp hoặc có văn bản thông báo, triệu tập gửi đến chính quyền địa phương, địa chỉ công ty, thân nhân gia đình và người mà cơ quan Công an muốn làm việc. Tuyệt đối không làm việc thông qua điện thoại và mạng xã hội.

Bộ Công an khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp cần đề cao cảnh giác khi nhận các cuộc gọi điện thoại từ người lạ, tự xưng là cán bộ các cơ quan nhà nước và các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng hình sự, để thông báo, yêu cầu điều tra vụ án qua điện thoại hoặc giả danh nhân viên ngân hàng, bưu điện, bảo hiểm, thanh tra, hải quan... yêu cầu nhận tiền, quà bưu phẩm có giá trị lớn hoặc đóng các khoản phí, trả các khoản nợ không xác định.

Đồng thời, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số điện thoại, số chứng minh thư (căn cước công dân), địa chỉ nhà ở, số tài khoản ngân hàng, mã OTP trên điện thoại cá nhân... cho bất kỳ ai không quen biết hoặc khi chưa biết rõ nhân thân, lai lịch. Khi gặp những tin nhắn thông qua các trang mạng xã hội để vay tiền, nhờ mua thẻ điện thoại, yêu cầu chuyển tiền để xác minh tài khoản; nhờ tài khoản ngân hàng để nhận tiền từ nước ngoài... thì cần đặc biệt cảnh giác, tuyệt đối không làm theo; nhanh chóng liên hệ hoặc gọi điện thoại nói chuyện trực tiếp với người đó để kiểm tra thông tin.

Thường xuyên thay đổi mật khẩu hoặc tăng tính năng bảo mật quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không chia sẻ quá nhiều thông tin cá nhân trên các trang mạng xã hội. Không chia sẻ số tài khoản ngân hàng trên mạng xã hội; nếu cần có tài khoản ngân hàng công khai để giao dịch mua bán trên không gian mạng, thì tiền trong số tài khoản công khai cần giữ ở mức thấp nhất để tránh bị kẻ gian chiếm đoạt.

Cuộc gọi từ người chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn

Khi một người lạ đột nhiên gọi điện cho bạn nói rằng họ chuyển nhầm tiền vào thẻ của bạn, yêu cầu chuyển trả lại tiền và bạn đã chuyển tiền cho bên kia mà không do dự thì lúc này rất có thể bạn đã sập bẫy kẻ lừa đảo.

Sau khi đợi một tháng, bạn sẽ phát hiện ra rằng rất nhiều công ty cho vay gọi cho bạn bởi vì số tiền đó không phải do chuyển nhầm mà là bên kia đã sử dụng thông tin cá nhân của bạn để đăng ký khoản vay.

Bạn đã bị lừa và phải trả lại tiền từ công ty cho vay. Vì vậy khi có người yêu cầu chuyển tiền bạn phải xác nhận rõ ràng, không được tự chuyển tiền một cách mù quáng.

Cẩn thận với cuộc gọi yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng

Trên thực tế, đã có rất nhiều người bị đánh cắp thông tin cá nhân và bị chiếm đoạt tài sản từ các cuộc điện thoại. Thủ đoạn lừa đảo của chúng thường là: Thông báo thông tin giả về trúng thưởng từ ngân hàng hoặc các công ty lớn, yêu cầu cung cấp OTP hay cung cấp thông tin về thẻ hoặc tài khoản ngân hàng điện tử nhằm đánh cắp tiền trong tài khoản.

Ngoài ra, các đổi tượng lừa đảo còn có thể giả mạo cán bộ ngân hàng, yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã PIN hoặc thông tin thẻ để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ.

Vì vậy, nên cẩn thận với yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng từ những cuộc điện thoại không rõ người gọi.

Tác giả: Minh Hoa (t/h)

Nguồn tin: nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP