Nhìn trên bản đồ, Thanh Liên có hình bầu dục dài khoảng 7 km, rộng 4 km. Nằm ở hữu ngạn hạ lưu sông Giăng, Thanh Liên phía Tây giáp làng Bến Bãi, Cây Khế, Lương Khế của xã Phong Thịnh. Phía Đông giáp Hội Sơn – Tiên Hội của xã Thanh Tiên. Phía Bắc có sông Giăng làm đường biên với xã Phong Thịnh. Phía Nam tiếp giáp với Giăng Màn của dãy Trường Sơn, tiếp giáp xã Thanh Mỹ và Thanh Hương. Cảnh sắc thiên nhiên kỳ vĩ và thơ mộng.
Sông Giăng đi vào đất Cao Điền tiếp giáp với khe Hói Mét. Điểm tiếp giáp này hẹp, nước trong và chảy xiết nên đã tạo ra thác Bãi Côi. Càng về xuôi sông càng lớn, trông như một giải lụa xanh chảy tràn xuống vực Dún Chiêng ở ngã ba chợ Chùa, uốn lượn đổ vào vực Bãi Bến, lượn lờ vào vực Giăng rồi chạy hòa vào sông Cả. Sông Giăng nhiều tôm cá. Cá mát sông Giăng nức tiếng xa gần về thịt thơm, mềm ngọt.
Cách đây khoảng 2 vạn năm, đất Cao Môn là địa bàn sinh sống của tộc người Đan Lai Ly Hà. Cư dân chủ yếu là người dân tộc Mường Giăng. Người Mường Giăng lấy đá cuội sông Giăng, sông Trai làm công cụ sản xuất, săn bắt thú rừng để sinh sống. Khe Su – nơi tiếp giáp với Hòa Quân còn có hang đá dấu tích của người Mường sinh sống.
Qua hàng trăm năm khai phá, dân cư nơi đây ngày càng đông. Các dòng họ của người Kinh bắt đầu đến khai khẩn lập nghiệp: Đinh, Trình, Nguyễn, Trần, Lê, Phan, Phạm, Trương, Đặng, Hồng, Hứa, Lưu, Trịnh, Kiều, Giản, Hoàng, Khương, Tăng, … Gia phả dòng họ Đinh ở đây cho người hậu thế biết họ là hậu duệ của Đinh Bộ Lĩnh có mặt ở vùng đất này vào thế kỷ X; các dòng họ khác ở miền Bắc di cư vào, như họ Nguyễn Xuân, họ Phan (1505); họ Nguyễn Ngọc (1805); họ Trình (1820), … định cư sinh sống cho đến ngày nay.
Cư dân Cao Điền, Đức Nhuận xưa chủ yếu sống bằng nghề nông. Vườn của các gia đình nơi đây có nhiều cây ăn quả như: trám, mít, nhãn, cam, bưởi…; ngoài đồng bãi có rau cải, cà, dưa chuột, đậu, v.v…. Có lẽ vì vậy mà nơi đây nổi tiếng với “nghề” muối nhút mít, cải muối dưa, cà pháo muối chua, măng ớt muối để làm thức ăn dài ngày.
Nét độc đáo của dân Cao Điền xưa là nghề trồng cau trầu. Cây cau vườn trầu trở thành hình ảnh thân thuộc hằn sâu trong nỗi nhớ người xa quê. Câu ca“Đừng nghe măng ngọt trúc xinh/ Mà em bỏ ruộng phụ tình trầu cau” là câu ca khuyên người con gái Cao Điền đừng nghe lời tán tỉnh của các chàng trai vùng Man Lâm rủ về hái măng, đốt than, gánh củi mà bỏ vườn trầu cau nhà mình.
Ở Đức Nhuận có một nghề độc đáo đã mai một, đó là nghề làm vàng thoi, vàng mã của dân xóm Liên Đình. Vàng thoi làm bằng nứa chẻ mỏng, uốn thành khối chữ nhật, dán giấy xanh đỏ tím vàng xếp thành từng lớp gọi là “nén”. Mỗi nén có 100 cái dùng trong các tế lễ, cúng đơm như vàng mã ngày nay.
Ở xóm Trại (Văn Lâm) có nghề đục bản gỗ in tiền, nặn tượng các con vật bằng bột đất để bán cho những đám cầu cúng, tế thần, giỗ trạp truyền thống.
Một số hộ ở xóm Giăng có nghề làm nón, làm tơi. Theo các cụ kể lại, “Nón Giăng, tơi Giăng” xưa rất nổi tiếng về độ bền và đẹp. Đặc sắc của “Nón Giăng và tơi Giăng” là bản rộng, dày, chắc chắn thuận lợi cho việc mang vác cày bừa nên rất được nông dân các nơi đặt mua.
Ngoài ra, vùng đất này còn có nghề rèn của người La Sơn (Hà Tĩnh) di cư sang. Rất tiếc là những nghề này đã mai một không được duy trì phát triển.
Nghề độc đáo và còn lưu truyền đến ngày nay là nghề đánh cá trên sông Giăng. Từ xưa, bà con làng Vạn Chung đã biết kéo kè, đóng trộ để đánh cá. Phường trộ cá thôn Chính Trung, phường đánh vó rút ở các bãi bồi, bờ sông Giăng quanh năm làm ăn no đủ. Ngày nay nghề đánh cá của một số làng chài gần Giăng vẫn tồn tại và phát triển, trong đó nghề săn cá mát thượng nguồn.
Cũng như một số vùng quê khác ở Việt Nam, cư dân Thanh Liên có đời sống tâm linh khá phong phú. Các ngôi đền thờ thần được xây dựng, như: Đền Đức Ông, đền Khe Cấy, đền Quán Tréo, …. Đền Bản Cảnh nằm trên đồi Sim nơi cửa khe hói đổ ra sông Giăng. Hằng năm cư dân ở đây chuẩn bị lễ vật tế thành hoàng làng Đinh Bộ Cương vào rằm tháng Giêng và tháng 6.
Đinh Bộ Cương là người Cao Môn – Đức Nhuận làm quan tới chức Thượng thư Bộ Hình thời nhà Lê. Khi về hưu đã tiến hành khai khẩn vùng Man Lâm, lập trường học. Hiện nay còn di tích đập Đồng Môn và đập Tràng Học ở Hạnh Lâm. Đinh Bộ Cương cũng được xem là người khai khoa cho cả vùng đất Thanh Chương rộng lớn.
Ngày nay Thanh Liên có 16 xóm dân cư. Mỗi xóm có một nét độc đáo riêng, làm nên một Thanh Liên đa dạng trong dòng chảy phát triển của xã hội.
Xóm Liên Thượng giáp xã Thanh Mỹ có núi Tháp Bút hay còn gọi là núi Trọ Voi. Sở dĩ có tên Trọ Voi vì hình dáng núi như cái đầu của con voi khổng lồ. Lên núi Trọ Voi, người ta có thể phóng tầm mắt nhìn bao quát một vùng rừng núi rộng lớn của Thanh Chương. Cánh đồng Cao Điền như một thung lũng huyền ảo.
Xóm Liên Sơn gắn liền với nhiều tên núi tên sông độc đáo. Núi Trửa, núi Đá Nẻ, núi Lục Vàng, đồi Oằn Vọng, khe Chùa Mai, khe Lục Vàng trở thành những cái tên không bao giờ quên của người xa quê “Lên hòn Vọng, Nẻ mà trông/ Ngó nhìn Chung Thượng thương công mẹ thầy”.
Xóm Liên Châu có sông Giăng xanh mát, có cánh đồng Cửa Diệc, Cây Gạo, Yên Lạc, Đập Sen, … ngô lúa tốt tươi. Đây cũng là một vùng đất học có tiếng, là quê hương của Giáo sư Nguyễn Đình Mão đang giảng dạy ở Trường Đại học Thủy sản Nha Trang.
Xóm làng là những cái nôi nuôi lớn các truyền thống của con người nơi đây.
Truyền thống hiếu học:
Đầu thế kỷ XX, tại làng Đức Nhuận đã có Văn chỉ Cát Ngạn để suy tôn các Tiến sĩ, Cử nhân, Hương cống của Tổng Cát Ngạn.
Ngày nay, nhân dân Thanh Liên vẫn không ngừng vun đúc truyền thống hiếu học và học giỏi đó. Những người con ưu tú của Thanh Liên như: Trương Bá Tú – Giải Nhìn Toán Quốc tế năm 1993 – TS Toán học, GS-TS Lê Văn Tiến -Hiệu trưởng Trường sư phạm TW2, TS Nguyễn Hữu Thịnh - Phó Giám đốc Sở Tài nguyên Môi trưởng Đắc Lắc, TS Lê Đình Dũng – Sĩ quan Quân đội Nhân dân Việt Nam, TS Nguyễn Thanh Sang, Võ Văn Thái, Phạm Xuân Phương; những người con thành đạt như: Lê Tài – UVDK TW- Phó Ban Công nghiệp TW, Dương Văn Dật – Thứ trưởng Bộ Tài chính, Lê Văn Phượng – Anh hùng LLVT, Trương Bá Tuấn – Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách tài chính, Trịnh Thanh Tài – Cục trưởng Thuế Nghệ An, v.v… đã góp phần làm rạng danh một vùng quê nghèo hiếu học, rèn chí thành tài.
Truyền thống yêu nước thương nòi
Người dân Thanh Liên mang trong mình truyền thống hàng ngàn năm lịch sử của miền quê Thanh Chương xứ Nghệ. Thiên tai khắc nghiệt, áp bức cường quyền và đói nghèo đã kết tinh cho người dân nơi đây tinh thần yêu thương -đùm bọc - đoàn kết – nhân hậu, cần cù - tiết kiệm, dũng cảm - kiên trung - ngay thẳng.
Từ ngày Chi bộ Cao Điền, Đức Nhuận thành lập (4/1930) đến nay, nhân dân Thanh Liên một lòng đi theo Đảng. Những cán bộ tiền khởi nghĩa, như Trình Khiêm, Trình Quát, Trình Hứa, Trình Liên, Trình Tính, Trình Công, Nguyễn Phùng Giao, … đã đi vào sử sách. Trong phong trào Xô viết Nghệ Tĩnh, 10 người con Thanh Liên đã hi sinh; trong cuộc kháng chiến chống Pháp, Thanh Liên có 16 liệt sĩ; 143 liệt sỹ, 105 thương binh, 52 bệnh binh, 78 người nhiễm chất độc hóa học trong kháng chiến chống Mỹ; 23 liệt sĩ và 14 thương binh sau 30/4/1975. Đồng hành cùng lịch sử dân tộc, mồ hôi xương máu của những người con Thanh Liên đã góp phần tô thắm ngọn cờ vẻ vang của Đảng.
Phát huy truyền thống của quê hương Xô Viết anh hùng trong thời kỳ đổi mới và hội nhập, Đảng bộ và nhân dân Thanh Liên đã nỗ lực phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo ANQP và xây dựng hệ thống chính trị không ngừng lớn mạnh.
Tác giả bài viết: Quốc Diện
Nguồn tin: