Trong tỉnh

Thành cổ Vinh đang xuống cấp nghiêm trọng

Cách đây 20 năm, ba cổng thành thuộc di tích lịch sử quốc gia Thành cổ Vinh (Nghệ An) đã được tiến hành tu bổ, tôn tạo để chào đón du khách muôn phương. Từ đó đến nay, cả ba cổng thành đang xuống cấp nghiêm trọng một số hạng mục, có nguy cơ xô lệch kiến trúc, nhưng chưa được chính quyền quan tâm, xử lý. “Liêu xiêu” di tích Thành cổ Vinh là có thật!

Cửa Tiền - Thành cổ Vinh

Thành cổ Vinh là một trong những công trình kiến trúc lịch sử, văn hóa tiêu biểu còn hiện hữu ngay giữa trung tâm TP Vinh. Thành cổ Vinh (còn gọi là thành Nghệ An) được Vua Gia Long khởi dựng từ năm 1804 tại 2 xã Yên Trường và Vĩnh Yên thuộc tổng Yên Trường, huyện Chân Lộc (nay thuộc địa bàn ba phường Quang Trung, Cửa Nam và Đội Cung).

Thành cổ được xây bằng đất, đến năm 1831, vua Minh Mạng cho xây dựng lại với quy mô lớn, thiết kế theo kiểu vô băng, một kiểu thành lũy kiên cố phổ biến ở Châu Âu nhưng vẫn có những yếu tố truyền thống của kiến trúc Á Đông.

Một số hạng mục di tích đã xuống cấp như thế nào?

Thành cổ có cấu trúc hình lục giác với diện tích 420.000m2, chu vi 2.520m. Trên mặt thành bố trí các công trình quân sự. Tường thành cao 5,08m, xung quanh có hào sâu 3,2m, rộng 28m.

Thành có ba cửa, gồm: Cửa Tiền ở phía Nam để vua ngự giá, các quan trong lục bộ triều đình và Tổng đốc ra vào. Cửa Tả ở phía Đông, cửa Hữu ở phía Tây. Muốn đi qua các cửa đều phải qua cầu. Cầu được xây theo kiểu vòm cuốn, lòng cầu rộng để thuyền có thể qua lại dễ dàng.

Trải qua quá trình lịch sử, sự khắc nghiệt của thời gian và tàn phá của chiến tranh, Thành cổ Vinh không còn được nguyên vẹn, chỉ còn lại ba cổng thành sừng sững án ngự giữa những con đường vào nội thành. Năm 1998, Thành cổ Vinh được xếp hạng là di tích lịch sử quốc gia.

Để chào đón Năm du lịch Nghệ An năm 2005, tỉnh Nghệ An đã tiến hành tu bổ, bảo tồn, tôn tạo ba cổng Thành Cổ Vinh (Cửa Tiền, Cử Tả và Cửa Hữu) thuộc địa phận phường Cửa Nam, TP Vinh. Mặc dù đã được chính quyền địa phương quan tâm nhưng do nhiều nguyên nhân, việc bảo tồn, tôn tạo di tích lịch sử Thành cổ Vinh chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, chưa xứng với vị thế của di tích, dẫn đến một số hạng mục ngày càng xuống cấp nghiêm trọng.


Ghi nhận tại hiện trường, tại cổng Cửa Tiền phía trên phần vọng lâu Tiền Môn, chúng tôi nhận thấy bên phải bờ tường thành thuộc cấu trúc cổng đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng. Góc tường trụ bao quanh (lan can) phía sau vọng lâu (phía bến trái vọng lâu) đã xuống cấp, mạch vữa bị nứt tách rời ra khỏi tường để lộ năm hàng gạch đỏ phía trong, có chiều dài khoảng 40cm, và có vết nứt kéo dài tiếp nối tường bao quanh vọng lâu dài khoảng 50cm.

Dưới bậc thang lên xuống vọng lâu Cửa Tiền, phần nền được lát bằng gạch Bát, khoảng 3,5m2 đã bị sụt lún nghiêm trọng, có chỗ đã “hở hàm ếch” rộng khoảng 40cm, chiều dài gần 1m. Ở phần nền này và trên tường thành cỏ dại và cây thân gỗ mọc đùn rễ đẩy phần gạch nứt toác, nhấp nhô.

Tại Cửa Tả theo, cũng giống như Cửa Tiền, phía trên phần vọng lâu Cửa Tả hai bên cũng đã xuống cấp. Phần nền được lát bằng gạch cả hai bên phải và trái phía trên vọng lâu cổng thành đã bị sụt lún xuống khoảng 15cm, có điểm 20cm, bong rời rạc ra tách khỏi phần nền… Đáng chú ý trên ở phần mái hạ vọng lâu mặt trước và mặt sau, nhiều ngói mũi hài và ngói chiếu đã bị vỡ, nứt tách rời…

Còn tại Cửa Hữu phần trên cổng, cây cỏ các loại mọc kín cao khoảng 50cm. Phía dưới vòm cổng thành có xuất hiện vết nứt. Một số người dân sinh sống và thường xuyên qua lại ở Cửa Hữu cho biết, cứ mỗi lần mưa to, nước từ trên phần đỉnh cổng chảy tràn xuống thoát tự do cả mặt cổng vòm kéo theo đất và cỏ cây…

Nhiều hạng mục thuộc Cửa Tiền đã bị xuống cấp, “hở hàm ếch”

Chính quyền đã biết nhưng còn phải chờ...

Đứng từ xa nhìn vào hay cận cảnh ba cổng thuộc Thành cổ Vinh, du khách và người dân địa phương khó có thể nhận biết nhiều hạng mục nơi đây đã bị xuống cấp khá nghiêm trọng tại một số hạng mục.

Màu thời gian cùng với rêu phong cổ kính của di tích như “đánh lạc hướng” ánh mắt của người tham quan, nếu muốn biết di tích đang xuống cấp như thế nào chỉ có thể “xâm phạm” leo trèo lên những vọng lâu. Những cảnh tượng xuống cấp đã phơi bày, nguyên nhân sâu xa chính là những cây thân gỗ lớn đã mọc trên cổng thành, qua thời gian, rễ của chúng đã phá vỡ các mạch tường, vôi vữa, tính kết cấu giữa các bộ phận đã tách rời.

Với những sự xuống cấp ở Cửa Tiền, Cửa Tả và Cửa Hữu, trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Công Vinh, Phó ban Quản lý di tích tỉnh Nghệ An cho biết: “Dự án tu bổ, bảo tồn, tôn tạo cổng Thành cổ Vinh được tiến hành vào Năm du lịch Nghệ An 2005.

Thời điểm đó chỉ thực hiện hai cổng Cửa Tiền và Cửa Tả còn Cửa Hửu không thể tu sửa được. Chủ đầu tư là BQL dự án xây dựng thành phố Vinh. Theo quyết định số 19/2020 đã phân cấp quản lý, bảo vệ di tích lịch sử, văn hóa này cho UBND thành phố Vinh…”.

Một cán bộ UBND phường Cửa Nam, TP Vinh cũng cho biết: “Đã thường xuyên kiểm tra và nắm được một số hạng mục xuống cấp ở ba cổng. Thẩm quyền của phường là chỉ quản lý, bảo vệ di tích. Tuy nhiên, khi có vấn đề phường phải báo cáo lên thành phố. Cấp trên đồng ý mới được tu sửa vì đây là di tích lịch sử cấp quốc gia. Về sự việc này phường đã được báo cáo lên thành phố, thành phố yêu cầu phường làm tờ trình để có phương án xử lý vì phường không đủ thẩm quyền …”.

Rõ ràng, sự xuống cấp của Cửa Tiền, Cửa Tả và Cửa Hữu đã được chính quyền phường Cửa Nam và UBND TP Vinh đã biết. Đã đến lúc chính quyền các cấp, cơ quan chức năng của tỉnh Nghệ An nói chung, TP Vinh nói riêng cần khẩn trương có phương án tôn tạo, bảo tồn, tu bổ các hạng mục xuống cấp của di tích lịch sử Thành cổ Vinh.

Nếu không tiến hành khảo sát, đánh giá từ cơ quan chuyên môn, trên cơ sở đó đề ra những giải pháp cấp bách, lâu dài, thì có thể nói những hạng mục của di tích Thành cổ Vinh khó có thể trụ vững trong thời gian tới.

Tác giả: Mai Thục Linh

Nguồn tin: baovanhoa.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP