Trong tỉnh

Thẳng thắn, tập trung làm rõ những vấn đề đại biểu và cử tri quan tâm

Sáng 6/7, Kỳ họp thứ 14 HĐND tỉnh khóa XVIII tiến hành phiên thảo luận tại hội trường. Các ông: Thái Thanh Quý - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Nam Đình - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Như Khôi – Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng điều hành phiên thảo luận.

Quang cảnh kỳ họp

Trong phiên thảo luận sáng nay, lãnh đạo các ngành đã trả lời, làm rõ những nội dung được đại biểu và cử tri quan tâm liên quan đến vấn đề phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh cũng như của các địa phương ở các lĩnh vực: Nông nghiệp, tài nguyên và môi trường, phát triển du lịch, thu hút đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu... Vấn đề giải quyết những tồn tại, vướng mắc trong việc thực hiện dự án Hồ chứa nước Bản Mồng; bao giờ dự án Công viên sinh thái Vĩnh hằng đưa vào sử dụng; giải pháp đầu tư nâng cấp hệ thống trạm bơm trên địa bàn tỉnh; chính sách hỗ trợ làng nghề nông thôn, việc phân bổ xi măng trong xây dựng Nông thôn mới; Tình hình xử lý rác thải tại Khu xử lý rác thải rắn Nghi Yên; việc tuyển dụng giáo viên theo Quyết định số 72-QĐ/TW triển khai chậm… cũng được các đại biểu quan tâm thảo luận. Bên cạnh đó, lãnh đạo các ngành cũng đã làm rõ một số nội dung trong dự thảo Nghị quyết được đại biểu quan tâm cho nhiều ý kiến.

Quyết tâm hoàn thành giải quyết mặt bằng tái định cư trong năm 2023

Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa trả lời

Một trong những nội dung được cử tri và đại biểu hết sức quan tâm và cho nhiều ý kiến là vấn đề đầu tư hạ tầng lưới điện, hạ áp hiện nay. Về nội dung này, Giám đốc Sở Công thương Phạm Văn Hóa cho biết: Lưới điện của tỉnh, nhất là ở vùng nông thôn đang hết sức khó khăn. Từ năm 2009 đến nay, ngành Điện quan tâm nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng đầu tư mới nhằm nâng cao chất lượng của truyền tải điện. Ngành Điện đã đầu tư hơn 4.000 tỷ đồng, đầu tư 1.900 trạm điện áp, tạo hơn 9.000 km đường dây. Riêng năm 2023, đã bố trí 236 tỷ đồng để cải tạo lưới điện. Thông qua việc đầu tư nên chất lượng lưới điện, hệ thống truyền tải điện được nâng lên rõ rệt.

Tuy nhiên, cũng như ý kiến của các bậc cử tri và thực tiễn thì hiện nay chưa đáp ứng yêu cầu. Theo Giám đốc Sở Công thương có 3 nguyên nhân chủ yếu là: Đặc thù lưới điện của tỉnh với diện tích lớn, chiều dài hệ thống lưới điện nhất cả nước, hiện trạng lưới điện xuống cấp; cùng với nhu cầu tăng trưởng trong tiêu dùng cả sản xuất và đời sống trong những năm gần đây thì nhu cầu dùng điện tăng lên, một số thời điểm bị vượt quá tải sức chịu của đường dây; nguồn lực đầu tư cho nâng cấp lưới điện, nhất là tại vùng nông thôn còn hạn chế, chưa đáp ứng yêu cầu.

Giám đốc Sở Công thương đã đề ra 4 giải pháp. Đó là, UBND tỉnh tiếp tục đề nghị Tập đoàn Điện lực quan tâm bố trí nguồn lực xây dựng hàng năm; có các giải pháp bảo vệ chất lượng đường dây để duy trì ổn định chất lượng cung ứng điện; tăng cường các giải pháp để tiết kiệm điện nhằm giảm phụ tải; tích cực phát triển nguồn điện tại địa phương để chủ động nguồn lực về phát triển lâu dài.

Liên quan đến việc tồn đọng trong việc giải phóng mặt bằng tái định cư các dự án thủy điện trên địa bàn, theo Giám đốc Sở Công thương, đây là vấn đề rất phức tạp, liên quan đến quyền lợi trực tiếp của người dân bị ảnh hưởng, liên quan đến nhiều Bộ, ngành, địa phương nên quá trình xử lý hết sức khó khăn. Tuy nhiên, trong thời gian qua, trách nhiệm một số cấp chính quyền địa phương thực hiện công tác này chưa quyết liệt. Từ năm 2021 đến nay, UBND tỉnh đã tập trung chỉ đạo quyết liệt về nội dung này. Ngày 13/3/2023, Sở Công thương đã tham mưu UBND tỉnh thành lập Tổ công tác chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện. Hiện nay, các huyện đã tích cực phối hợp thực hiện nhiệm vụ này, quyết tâm hoàn thành trong năm 2023.

Về hỗ trợ phát sinh ngoài dự án và hỗ trợ lũ lụt năm 2018, sau khi thực hiện kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, nội dung này sau nhiều lần kiến nghị của UBND tỉnh và đặc biệt có kiến nghị của Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, Chính phủ đã giao Bộ Công thương chỉ đạo xử lý. Hiện Bộ Công thương giao Tập đoàn Điện lực phối hợp với UBND tỉnh Nghệ An rà soát giá cả bồi thường một số nội dung, hạng mục. Sở Công thương tiếp tục bám sát, sớm tham mưu đề xuất có kinh phí thực hiện.

Trong việc vận hành các nhà máy thủy điện, tất cả các nhà máy trên địa bàn tỉnh đều có quy chế vận hành được phê duyệt, trong đó có 2 thủy điện lớn Hủa Na và Bản Vẽ do Bộ Công thương phê duyệt, vận hành các liên hồ do Chính phủ phê duyệt, các hồ nhỏ còn lại thì được UBND tỉnh phê duyệt. Các thủy điện đều tuân thủ nguyên tắc vận hành được phê duyệt, có sự giám sát của Bộ Công thương, Sở Công thương.

Rà soát, xác định rõ các vướng mắc từng công trình dự án để tháo gỡ kịp thời

Giám đốc Sở Du lịch Nguyễn Mạnh Cường trả lời về việc tăng cường các giải pháp thu hút khách du lịch đến với tỉnh Nghệ An

Giám đốc Sở KH&ĐT Phạm Hồng Quang làm rõ thêm giải pháp phát triển kinh tế - xã hội 6 tháng cuối năm; việc xử lý các dự án treo, dự án chậm tiến độ; việc phân bổ các nguồn vốn đầu tư công

Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải trả lời

Trả lời về giải pháp thực hiện thu ngân sách trong thời gian tới, Giám đốc Sở Tài chính Trịnh Thanh Hải cho biết: Trong 6 tháng đầu năm, thu ngân sách ước thực hiện 8.489 tỷ đồng, đạt 53,5% dự toán (trong đó, thu nội địa 7.858 tỷ đồng, đạt 53,9% dự toán; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 630 tỷ đồng, đạt 50,5% dự toán), so với mặt bằng chung của cả nước là rất thấp. 3 nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng trên là do tình hình phát triển kinh tế - xã hội khó khăn; các thị trường thu hẹp nên các doanh nghiệp bị ảnh hưởng về quy mô sản xuất; thị trường bất động sản gần như đóng băng. Việc thực hiện các chính sách mới như chính sách về bảo vệ môi trường cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình sản xuất. Trong 6 tháng cuối năm, tiếp tục có 2 chính sách về giảm thuế giá trị gia tăng, giảm thuế trước bạ nên thu ngân sách nhà nước sẽ gặp nhiều khó khăn.

Giám đốc Sở Tài chính cho biết, thời gian tới ngành sẽ thực hiện 3 nhiệm vụ chính gồm: Tập trung đôn đốc, rà soát các khoản đang còn có dư địa; đẩy mạnh tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, chống thất thu; tổ chức các đoàn làm việc với các huyện để tháo gỡ khó khăn cho các địa phương.

Liên quan đến các dự án tồn đọng đang quá nhiều, gây nhức nhối trong nhân dân, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Nhận thức được việc này, Sở Tài chính đã thành lập các đoàn thanh tra, kiểm tra xử lý các nội dung liên quan. Thời gian tới, Sở Tài chính sẽ tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo các huyện rà soát các công trình dự án đang tồn đọng để đôn đốc, xác định rõ các vướng mắc của từng công trình dự án để kịp thời tháo gỡ. Xử phạt các chủ đầu tư, nhà thầu có hành vi vi phạm quy định về công tác nghiệm thu, thanh quyết toán khối lượng dự án hoàn thành. Đối với các Chủ đầu tư liên quan đến cấp xã do năng lực hạn chế thì thực hiện điều chuyển cơ cấu nhân lực hoặc thuê đơn vị tư vấn quản lý dự án chuyên ngành để đẩy nhanh tiến độ các dự án hoàn thành.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Nguyễn Nam Đình kết luận phiên thảo luận tại hội trường

Kết luận phiên thảo luận tại hội trường, đồng chí Nguyễn Nam Đình – Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho biết qua 2 buổi thảo luận đã có 60 lượt ý kiến, trong đó có 22 lượt ý kiến thảo luận tại hội trường. Các vị đại biểu HĐND tỉnh và lãnh đạo các Sở, ngành đã thảo luận rất thẳng thắn, tập trung để làm rõ những nội dung cử tri băn khoăn và những nội dung trình kỳ họp. Nhất là báo cáo tình hình phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh và các báo cáo, dự thảo, nghị quyết trình kỳ họp.

Trong phiên thảo luận Tổ chiều ngày 05/7 và phiên họp sáng ngày 06/7 qua đường dây điện thoại trực tuyến có 38 lượt ý kiến của cử tri với 37 vấn đề thuộc 07 lĩnh vực. Riêng lĩnh vực quản lý đất đai, bồi thường, giải phóng mặt bằng có 12 ý kiến.

Tác giả: NPV

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP