1. Trong phát biểu mới nhất của mình, nhà cầm quân người Bồ Đào Nha than phiền rằng Man United của mình đang bị dư luận đặt ra tiêu chuẩn kép để phán xét: "Man United đang là nạn nhân khi người ta vừa đòi hỏi chúng tôi vừa phải đạt kết quả tốt, đoạt danh hiệu, vừa lên án lối chơi thực dụng, đòi hỏi phải đá đẹp".
Đấy đúng là thực tế mà Mourinho phải chịu đựng, nhưng chẳng phải ở Old Trafford, cũng chẳng phải hiện tại. Quá khứ đang quay về ám ảnh nhà cầm quân 53 tuổi này, bởi đấy là câu chuyện của Chelsea, của gần 10 năm về trước, khi đội bóng London 2 năm liền vô địch, nhưng ông chủ Abramovic đòi hỏi Mourinho phải vận hành lối đá sexy, thay vì thực dụng.
Còn ở Old Trafford hiện tại, chiến thắng và thành tích còn đang là thứ cực kỳ mông lung, khi 8 trận đấu gần đây nhất của Mourinho, Quỷ đỏ chỉ thắng vỏn vẹn có 2 trận, và điểm số cách biệt so với đội bóng vừa sa thải nhà cầm quân này mùa giải trước, để đem về HLV người Italia - Conte đã lên đến con số 13. Hãy nhớ, Premier League chỉ mới đi qua 14 vòng. Mourinho có "đủ tuổi" để nói về thành tích?
Đêm qua, Mourinho bảo rằng: "Trong thời khắc Man United dẫn bàn, đang phải phòng thủ với cả 11 cầu thủ, cố gắng giữ bóng và tìm kiếm phản công, thì quyết định tung Fellaini vào là việc phải làm".
Câu hỏi là, một Man United ép Everton đến nghẹt thở trong suốt 2/3 thời gian trận đấu, tại sao lại chọn phòng ngự - phản công để chống đỡ trước đối phương chỉ mỗi một bài câu bóng thẳng từ hai biên vào vòng cấm?
2. Gary Neville có thể không phải là một HLV thành công và tài năng xuất chúng như Mourinho, nhưng về tình yêu và mức độ am tường Quỷ đỏ, có lẽ khó ai bì được với cựu đội trưởng Man United này. Điều này được thể hiện qua nhận định của anh về quyết định của Mourinho đêm qua.
Theo Gary Neville, 20 phút cuối trận đấu này, Man United chủ động chơi thấp, nhường thế trận cho Everton tấn công hòng tìm kiếm bàn thắng ấn định tỷ số 2-0 bằng tình huống phản công. Đây là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Vấn đề nằm ở chỗ sau 15 phút, Man United không thể biến ý đồ thành thành quả, và Mourinho quyết định thay đổi.
Quyết định đưa Fellaini vào thay Mkhitaryan của HLV người Bồ Đào Nha này là nước bài "ăn non", thay vì tìm kiếm bàn thắng kết liễu đối phương, Mourinho dốc toàn lực để bảo vệ tỷ số, bằng niềm tin vào cái đầu của tiền vệ người Bỉ đặt trong vòng cấm, mà quên mất rằng xét về độ lóng ngóng, chẳng cầu thủ nào ở Man United qua mặt được cầu thủ này.
Pha ghi bàn siêu đẳng của Ibrahimovic cuối hiệp 1 đã bị quyết định thay người cuối giờ thi đấu của Mourinho xóa sạch.
Điều tai hại nhất không nằm ở bàn thua, nó nằm ở niềm tin của Mourinho với các học trò của mình. Nhà cầm quân 53 tuổi không tin cầu thủ của mình. Đây không phải là cách một HLV xuất sắc vận hành đội bóng của mình, và nó hoàn toàn đi ngược lại những gì Sir Alex từng làm tại Old Trafford.
Nếu như bàn thắng ở những phút cuối hiệp 1 của Ibrahimovic nhen nhóm lên hình ảnh của một Quỷ đỏ kiêu hùng ngày nào, hình ảnh một đội bóng chiến đấu đến giây cuối cùng, đoạt thành quả ở những thời điểm tưởng chừng như không thể, thì bàn thua đêm qua là gáo nước lạnh, dội trôi sạch niềm tin của người hâm mộ vừa được thắp lên, và quan trọng hơn, vào tài năng của chính Mourinho.
3. Ngay sau trận thua đầu mùa trước Man City của Pep Guardiola, các chuyên gia đã chỉ ra rằng sự khác biệt của Mourinho với người đồng nghiệp Tây Ban Nha của mình là trí tưởng tượng. Trong khi Pep bay bổng, trăn trở với những ý tưởng mới, những ngón đòn đối phó với một Premier League đầy khắc nghiệt, thì Mourinho chết chìm trong thứ chiến thuật cũ kỹ từng giúp mình giương danh từ ngày xưa.
Trận thắng 5-0 sáu năm về trước của Barca là dấu ấn của sự bảo thủ và kém cỏi của Mourinho trước Pep Guardiola.
Arsene Wenger nhất quyết trung thành với 4-4-2 và bảo vệ sơ đồ mà ông vận dụng suốt mấy chục năm qua đến cùng, bởi "4-4-2 có thể giúp kiểm soát mặt sân tốt hơn mọi sơ đồ chiến thuật khác, với đội hình này, 60% cầu thủ Arsenal đã đủ để chiếm 60% diện tích mặt sân".
Còn với Mourinho, đã từ lâu 4-2-3-1 là hành trang duy nhất để HLV người Bồ Đào Nha này chinh phục bóng đá đỉnh cao. Cái triết lý dùng phòng ngự làm tấn công đã ăn quá sâu vào con người ông. Còn nhớ trận El Clasico "bàn tay nhỏ" hồi năm 2010, dù bị ghi đến 2, rồi 3 bàn trước, Mourinho vẫn nhất quyết bắt Real Marid chơi phòng ngự trước Barca của Pep, để rồi phải nhận 5 bàn thua trắng đầy nhục nhã.
Càng ngày, phong cách của Mourinho càng mang dậm dáng dấp Arsene Wenger.
Mourinho ngày càng giống Arsene Wenger, từ cái cách 2 lần trả lời "Tôi không thấy gì cả" khi được hỏi quả penalty mà Man United phải chịu có chính xác hay không, hay pha phạm lỗi của Rojo có xứng đáng bị thẻ đỏ hay không. Đấy chính xác là những điều Wenger thốt ra cũng 2 lần, đúng 10 năm về trước, ở độ tuổi của Mourinho hiện tại.
Ngót 10 năm là quãng thời gian Arsenal của Wenger lê lết ở Premier League, năm nào cũng có mặt trong top 4, cũng dự cúp châu Âu, nhưng những danh hiệu danh giá cứ mãi rời xa, đến mức người ta quên đi rằng Pháo thủ đã có một thời huy hoàng, khiến Man United phải ghen tỵ. Ngay lúc này, đấy mới là điều đáng sợ nhất với những người yêu mến Quỷ đỏ thành Manchester.
Mất đi sự đặc biệt, Mourinho còn lại gì?
Tác giả bài viết: Kim Thiền
Nguồn tin: