Lời Tòa soạn:
Để lột tả chân thực bức tranh kinh doanh thực phẩm chức năng (TPCN) Online mang thương hiệu "Gen X", PV Chất lượng Việt Nam Online (VietQ) đã thâm nhập vào đại bản doanh của đơn vị phân phối là Công ty Cổ phần Công nghệ cao GOB (Công ty GOB, địa chỉ tại Vương Thừa Vũ, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Qua đó, tận thấy hết được những mảng sáng, tối về hoạt động kinh doanh TPCN Online lâu nay của công ty này nhưng vẫn được che khuất bởi sự hào nhoáng của quảng cáo mà người tiêu dùng không hề biết.
Nhập môn
Như đã nêu ở bài viết trước về sự bùng nổ trong quảng cáo của sản phẩm mang thương hiệu “Gen X” do Công ty GOB phân phối có nhiều hiệu bất chấp quy định của pháp luật, PV VietQ đã quyết tâm thâm nhập để trả lời cho câu hỏi phía sau của hoạt động kinh doanh sản phẩm này là sự thực nào?
Nhóm sản phẩm mang thương hiệu Gen X do Công ty GOB phân phối. |
PV bắt đầu hành trình bằng việc lướt các trang tuyển dụng việc làm mà Công ty GOB liên tục đăng tải. Sau khi gửi thông tin đăng ký với một lý lịch hoàn hảo, chỉ sau một ngày chờ đợi, PV được một người tự xưng là bộ phận tuyển dụng của Công ty GOB gọi điện thông báo qua vòng sơ tuyển và hẹn lịch phỏng vấn trực tiếp, địa điểm tại công ty trong một tòa nhà ở phố Vương Thừa Vũ (quận Thanh Xuân).
Theo đúng lịch PV tới trụ sở công ty, ngoài PV còn có một số ứng viên khác đang chờ cùng phỏng vấn. Tiếp đón PV là một nam giới, nhìn bộ dạng còn khá trẻ, nhưng giới thiệu là một trưởng nhóm và có nhiều kinh nghiệm, thâm niên tại công ty.
Công việc PV ứng tuyển là vị trí telesale (còn gọi là nhân viên bán hàng online). Sau màn giới thiệu qua loa, nam trưởng nhóm hứa hẹn khi vào làm việc tại công ty sẽ được hưởng nhiều chế độ, chỉ cần doanh số chốt cao sẽ có thu nhập “khủng” và cơ hội thăng tiến sau này.
“Sản phẩm nhóm mình đang bán là nhóm sản phẩm sinh lý. Về công việc telesale thì rất dễ, công ty sẽ cung cấp danh sách số điện thoại có sẵn của khách hàng, chỉ cần em gọi điện thuyết phục họ mua sản phẩm của mình. Khi tiếp xúc với khách hàng qua điện thoại, phải bán được hàng. Bán được nhiều sẽ thưởng hoa hồng cũng cao lên. Làm tốt thì lên trưởng nhóm và được quản lý một đội nhóm riêng”, nam nhân viên cho biết.
Màn phỏng vấn xin việc không đưa ra bất kỳ thử thách nào nên PV cũng nhanh chóng được tiếp nhận làm nhân viên tại Công ty GOB.
Lộ diện “bí kíp” bán hàng
Ngày đầu tiên đi làm nhân viên tại đây, PV được một nhân viên sinh năm 1997 kèm cặp và đào tạo. Nhiệm vụ đầu tiên PV phải làm là ngồi nghe và quan sát cả vài chục người khác tư vấn, bắt bệnh và tìm hiểu về các dạng bệnh lý về sinh lý mà nam giới hay gặp phải.
Sau khi đã ngấm được nội dung, làm quen về không khí công ty, PV được cung cấp một tài liệu in trên giấy A4. Theo lời giới thiệu đây chính là “kịch bản” cốt lõi mà bất kỳ ai vào làm nhân viên của công ty đều phải thuộc làu trước khi thực chiến.
"Bí kíp" bán hàng mà PV được nhận sau khi trúng tuyển vào công ty GOB. |
Thật bất ngờ bởi, PV không nghĩ rằng ẩn sau những câu chuyện tư vấn về sản phẩm Gen X lại là một “kịch bản” mô phỏng tình huống chi tiết đến vậy.
Từng dòng trên kịch bản được soạn rõ ràng, rành mạch nhằm đào tạo những người chưa biết gì sẽ trở nên sành hơn khi tư vấn cho “bệnh nhân” qua điện thoại.
Trích một đoạn kịch bản tại “lò” đào tạo của công ty này như sau:
"Alo. (Khách trả lời)
Chào anh, tôi gọi cho mình từ trung tâm Gen X (esm) chuyên điều trị các bệnh nam khoa. Có phải anh để lại số điện thoại bên trung tâm với mong muốn được điều trị dứt điểm bệnh xuất tinh sớm, yếu sinh lý của mình phải không nhỉ?".
Chỉ cần học thuộc kịch bản này, thế là hàng trăm nhân viên của công ty, phần lớn có tuổi đời còn rất trẻ đã trở thành chuyên viên tư vấn, bác sỹ, dược sỹ thỏa sức tung hứng, khai thác thông tin, bắt bệnh… thăm khám… Để hoàn thiện cho một kịch bản hoàn hảo, PV còn được giới thiệu nguyên 12 “bí kíp” xử lý tình huống khi khách hàng từ chối mua, khách hàng khó tính, khách hàng muốn được khám và đến trực tiếp nhà thuốc.
Câu nói bất hủ trong bộ xử lý từ chối là: “Từ trước đến nay bên trung tâm chưa có trường hợp nào mà không hiệu quả cả. Nếu như điều trị không hiệu quả hoặc điều trị tình trạng tái phát trở lại thì anh cam kết sẽ được điều trị hoàn toàn miễn phí đến khi mình khỏi thì thôi em nhé…”.
Bức tranh dần lộ sáng
Cầm kịch bản trên tay PV cũng nhập vai diễn vừa nghiền ngẫm vừa quan sát những bác sỹ online tư vấn, chăm sóc và chốt đơn hàng.
Nhân viên ở đây phần là sinh viên nhiều trường đại học làm bán thời gian, người vừa tốt nghiệp cấp 3, tựu lại là nhiều ngành và vị trí khác nhau do nhu cầu cần việc thì ứng tuyển vào làm việc. Vì thế, chỉ thâm nhập trực tiếp PV mới tận thấy còn nếu chỉ nghe qua điện thoại hẳn ai cũng nghĩ mình đang được nói chuyện với những người hiểu chuyên môn, bác sỹ, dược sỹ nào đó. PV tự ngẫm nếu khách hàng biết được những chuyên gia, bác sỹ mà đang nói chuyện tư vấn cho họ chỉ là những cậu thanh niên tuổi đôi mươi thì hẳn sẽ thất vọng và hụt hẫng lắm… Bởi hàng trăm con người ai cũng chỉ một mô típ giống nhau theo kịch bản: Đó là bắt bệnh, bàn bệnh, dọa bệnh và lên đơn…
Một góc "bác sĩ online" đang tư vấn bắt bệnh cho khách hàng qua điện thoại tại công ty GOB. |
Và bao giờ cũng là những câu chốt hoàn thiện kịch bản: “Hiện tại, anh sẽ hoàn thiện hồ sơ bệnh án cho em ở trên hệ thống tổng trung tâm và nhà máy sản xuất. Em họ tên là, sinh năm, địa chỉ nhận thuốc là. Trong 2 đến 3 ngày tới em sẽ nhận được liệu trình điều trị. Em lưu số của anh lại khi nào nhận được thì gọi lại cho anh để anh hướng dẫn em sử dụng và kiêng khem tốt nhất nhé…”.
Cứ như vậy, những “bài ca” an ủi và lời hứa hẹn sẽ khỏi bệnh cho nhiều bệnh nhân. Sau mỗi đơn hàng được chốt, nhân viên lại đập tay vào nhau để tạo động lực và cười khoái chí với nhau dù không ít là những lời nói dối trắng trợn.
Một phần của góc khuất trong hoạt động kinh doanh sản phẩm “Gen X” tại Công ty GOB được PV ghi nhận. Trong vòng xoáy chạy đua vì lợi nhuận, thậm chí gạt hết lương tâm, kẻ nói, người cười, kẻ đứng, người ngồi, kẻ đọc, người viết… tạo nên một không gian hỗn độn, ồn ào. Có người nửa chữ cắt đôi về chuyên ngành y, dược cũng không biết nhưng lại kê đơn, bắt bệnh như những bác sĩ thực thụ.
Tất cả bức tranh đó sẽ được VietQ tiếp tục lột tả trong bài viết tiếp theo.
(còn nữa)
‘Bác sĩ dởm’ bốc thuốc online: Có thể khởi tố về tội lừa dối khách hàng? Trao đổi với PV, Luật sư Quách Thành Danh tỏ ra vô cùng bất bình trước những hình ảnh, clip sắc nét được quay tại “hang ổ” của các công ty buôn bán TPCN qua mạng. Việc dẫn các quy định của pháp luật, vị luật sư khẳng định, những lời quảng cáo và tư vấn sai sự thật của các cá nhân, tổ chức ở trên đã thỏa mãn hành vi quảng cáo gian dối, hoặc nghiêm trọng hơn là lừa dối khách hàng. Cụ thể, chiếu theo Luật Quảng cáo 2012, Nghị định 158/2013/NĐ-CP và Nghị định 54/2017/NĐ-CP, với hàng loạt các dấu hiệu vi phạm như: Sử dụng các hình ảnh, các từ, cụm từ dễ gây hiểu lầm; sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo; sử dụng hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế... các doanh nghiệp hoàn toàn có thể bị xử phạt hành chính ở mức “kịch khung” là 70 triệu đồng. Trong trường hợp việc phạt hành chính này chưa đủ sức răn đe, vẫn có dấu hiệu tái phạm, việc khởi tố vụ án hình sự để điều tra là điều cần thiết. Theo đó, nếu bị kết án với tội quảng cáo gian dối (Điều 197, BLHS 2015) người vi phạm có thể bị phạt đến 100 triệu đồng hoặc phạt tù treo đến 3 năm. Còn với tội lừa dối khách hàng (Điều 198, BLHS 2015), có thể bị phạt tiền đến 500 triệu đồng hoặc ngồi tù đến 5 năm bởi trên thực tế, dấu hiệu vi phạm các đối tượng đã thỏa mãn liên tiếp các dấu hiệu tăng nặng như: Có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp. |
Tác giả: Đoàn Anh
Nguồn tin: vietq.vn