Người Thái không nói chơi
Bốn tháng trước khi AFF Cup 2016 khởi tranh, người Thái lại ít nói về giải đấu được cả Đông Nam Á chú ý. Thay vào đó, họ bận rộn chuẩn bị cho một “đại kế hoạch” với tham vọng đưa ĐTQG nước này lọt vào VCK World Cup 2026. Viên gạch đầu tiên chính là nâng cấp công tác đào tạo trẻ của bóng đá Thái Lan. Trong tháng Tám tới, LĐBĐ Thái Lan (FAT) sẽ bắt đầu công tác kiện toàn lại tất cả hệ thống đào tạo trẻ từ cấp U13, U15, U17 cho tới U19. Tất cả đều cùng chung một khẩu hiệu “Bắt đầu giấc mơ World Cup cho Thái Lan”.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao không phải hiện tại, mà người Thái lại phải chờ tới tận 2026 mới dám mơ về World Cup? Nên nhớ rằng, Những chú voi chiến (biệt danh của ĐT Thái Lan) đã lọt vào đến vòng loạt cuối cùng của World Cup 2018 khu vực Châu Á và đang thể hiện một bộ mặt ấn tượng.
Bốn tháng trước khi AFF Cup 2016 khởi tranh, người Thái lại ít nói về giải đấu được cả Đông Nam Á chú ý. Thay vào đó, họ bận rộn chuẩn bị cho một “đại kế hoạch” với tham vọng đưa ĐTQG nước này lọt vào VCK World Cup 2026. Viên gạch đầu tiên chính là nâng cấp công tác đào tạo trẻ của bóng đá Thái Lan. Trong tháng Tám tới, LĐBĐ Thái Lan (FAT) sẽ bắt đầu công tác kiện toàn lại tất cả hệ thống đào tạo trẻ từ cấp U13, U15, U17 cho tới U19. Tất cả đều cùng chung một khẩu hiệu “Bắt đầu giấc mơ World Cup cho Thái Lan”.
Câu hỏi được đặt ra là tại sao không phải hiện tại, mà người Thái lại phải chờ tới tận 2026 mới dám mơ về World Cup? Nên nhớ rằng, Những chú voi chiến (biệt danh của ĐT Thái Lan) đã lọt vào đến vòng loạt cuối cùng của World Cup 2018 khu vực Châu Á và đang thể hiện một bộ mặt ấn tượng.
Người Thái đang mơ đến World Cup 2026
Tuy nhiên, các quan chức bóng đá Thái Lan cũng đủ tỉnh táo để hiểu rằng họ không phải là đối thủ của những “ông kẹ” cùng bảng như Nhật Bản và Ả Rập Saudi. Dù đội bóng của Kiatisuk đã tiến bộ rất nhiều thời gian qua và từng chơi ngang ngửa với các đội Tây Á, nhưng mục tiêu của họ vẫn chỉ là đá tốt nhất có thể chứ không đặt ra một cái đích rõ ràng.
Tại sao phải vội vàng khi đây chưa phải thời điểm thích hợp để bóng đá Thái Lan vươn mình ra sân chơi lớn. Trong 10 năm trở lại đây, bóng đá xứ Chùa vàng ngày càng phát triển và họ có thể tiếp tục chờ thêm một thời gian nữa để những sản phẩm của mình thực sự trưởng thành. Nếu bắt đầu kế hoạch “trồng người” từ thời điểm hiện tại, 10 năm tới (tức 2026) bóng đá Thái Lan sẽ sản sinh ra những lứa cầu thủ chất lượng hơn nữa.
Theo FAT, World Cup 2018 hay 2022 là quá sớm để ĐT Thái Lan có thể làm nên một điều thần kỳ. Cơ quan này đang nhắm đến World Cup 2026 với hy vọng FIFA sẽ nới số đội tham dự lên thành 40 theo như ý tưởng đã đề ra. Khi đó, Châu Á sẽ được tăng thêm suất và cơ hội có thể đến gần hơn với người Thái.
Bóng đá Thái Lan cho ra lò nhiều sản phẩm chất lượng
“Đây là một kế hoạch lớn. Nó tạo ra sự phấn khích và ảnh hưởng đến công tác đào tạo trẻ của toàn đất nước. Sẽ có hơn 300 đội bóng, bao gồm cả các đội trẻ của Thái Premier League tham dự. Sẽ có thêm nhiều cầu thủ trẻ được đào tạo chơi bóng và từ đó cơ sở tuyển chọn của chúng tôi cũng rộng hơn. Từ đó, đội ngũ chuyên gia có thể chọn ra những tài năng tốt nhất và đào tạo họ cho tương lai”, Trưởng giải VĐGQ Thái Lan, ông Benjamin Tan cho hay.
Cũng theo tiết lộ của vị CEO này, Chính phủ Thái Lan đóng vai trò quan trọng khi liên tục đưa ra những chính sách cũng như sự hỗ trợ để kế hoạch vận hành. Mặc dù còn nhiều khó khăn như tình hình tài chính, đội ngũ HLV, tuy nhiên FAT đã lên sẵn những phương án khắc phục để có thể đưa con thuyền bóng đá Thái Lan tiến lên.
Người Thái đang làm tất cả những gì có thể để nâng tầm nền bóng đá của họ nhằm sánh vai với các đại gia hùng mạnh nhất Châu Á. Bằng sự lao động nghiêm túc và tầm nhìn đúng đắn, bóng đá Thái Lan thống trị tuyệt đối ở khu vực dù ở lứa tuổi U19 hay ĐTQG. Giờ đây, họ muốn hướng đến những mục tiêu cao hơn như Asian Cup và World Cup. Vậy còn Việt Nam, một nền bóng đá luôn xem Thái Lan là đối thủ thì sao?
Nước đến chân mới nhảy
Nếu đối chiếu với những gì người Thái làm trong công tác đào tạo trẻ, thứ được xem là nền bóng và xương sống của bóng đá mỗi quốc gia, thì phải khẳng định rằng Việt Nam đang tụt hậu rất nhiều. Phải mãi tới gần đây, người ta mới thấy sự xuất hiện của những trung tâm đào tạo trẻ chất lượng đều như kiểu HAGL-JMG, Viettel hay PVF.
Và những trung tâm đó cũng mới chỉ cho ra lò những lứa đầu tiên, trong khi người Thái đã đi rất dài và còn đang tính đi xa hơn nữa. Ở khía cạnh này, Việt Nam so với đối thủ như dùng xe đạp để đua với xe máy vậy.
Bóng đá Việt Nam cần nhiều hơn những Công Phượng
Nhìn rộng ra quy mô cả nền bóng đá, trong khi người Thái lên những kế hoạch dài hơi và có tính toán rõ ràng, thì chúng ta lại đang loay hoay với những tính toán ngắn hạn mang đầy tính may rủi. Chưa bàn đến chuyện chênh lệch trong việc đặt mục tiêu giữa AFF Cup (của Việt Nam) và World Cup (của Thái Lan), chỉ riêng những động thái của VFF cũng đã cho thấy cái sự “rối bời” của những người làm bóng đá nước nhà.
Những ngày gần đây, VPF cũng lên kế hoạch cho các đội bóng ở V-League và Hạng nhất đi du học ở Hàn Quốc với mục tiêu cọ xát và mở mang kiến thức cho những nhà quản lý. Thế nhưng câu hỏi đặt ra rằng đây liệu có phải biện pháp hiệu quả hay chỉ là “cưỡi ngựa xem hoa”? Nên nhớ rằng, năm ngoái cũng chính VPF tổ chức một chuyến đông du như vậy sang K-League nhưng kết quả thu lại hầu như là con số 0.
Trong một diễn biến khác, VFF có vẻ như đang hướng chiếc phao của mình về Châu Âu với hy vọng những gì học tập được từ bóng đá Đức sẽ đem lại sự thay đổi. Động thái mới nhất của họ chính là đưa về bộ đôi chuyên gia người Đức là ông Jurgen Gede – Giám đốc kỹ thuật VFF và ông Martin Forkel – HLV thể lực. Một người sẽ phụ trách phần chuyên môn, lên kế hoạch dài hơi trong khi người còn lại sẽ làm việc cùng các cấp đội tuyển để nâng cao thể lực cho cầu thủ. Đây tưởng chừng là điều quá hiển nhiên ở các nền bóng đá trên thế giới nhưng lại khá lạ lẫm với Việt Nam.
Bộ đôi chuyên gia người Đức có thể giúp bóng đá Việt Nam phát triển?
Cần nhớ rằng, việc mời hai chuyên gia người Đức về không liên quan đến bất kỳ sự hợp tác nào với bóng đá đất nước này. Nó khác hẳn với cái bắt tay lịch sử của VFF và LĐBĐ Nhật Bản năm 2014. Ở thời điểm đó, gói hỗ trợ toàn diện của người Nhật dành cho bóng đá Việt Nam là mô hình Nhật, Giám đốc kỹ thuật Tanabe, HLV Miura, trợ lý Shinichi... Thế nhưng, tất cả đều lần lượt thất bại và rút lui trong êm thấm. Họ chưa thể hay ít nhất là chưa kịp tạo ra sự thay đổi lớn nào với bóng đá Việt Nam.
Cái bóng đá Việt Nam thiếu chính là một tầm nhìn chiến lược dài hạn, như cách người Thái đang làm vậy. Nếu họ lựa chọn theo một con đường nào đó, phải kiên trì và nghiêm túc đầu tư để đi đến cùng thay vì bỏ dở lưng chừng và “chộp giật” kiểu ngắn hạn. Những bất cập khó tin đang tồn tại ở bóng đá Việt Nam chỉ có thể giải quyết duy nhất bằng con đường đó, mà trước hết, những người làm bóng đá cần thay đổi tư duy.
Nếu không, e rằng những chuyến du học ngắn ngày ở Hàn Quốc, hay việc mời thầy giỏi ở Đức về, chỉ mang đến kết quả là “thi xong xuôi tất cả lại về”. Tuyên bố cải tiến, nhưng hành động nửa vời, rồi lại về nhà đóng cửa bảo nhau, bưng bít thông tin... thì thật buồn lắm thay.
Tác giả bài viết: Tường Minh