Trong tỉnh

Tết về nơi cửa khẩu Nậm Cắn

Tôi có dịp trở lại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) khi chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là tới tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018. Cửa khẩu lúc này đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường, hành khách XNC phần nhiều là người Việt đi làm ăn xa từ Lào về và những chuyến xe chất đầy hoa đào ngược từ Lào về Việt Nam. Mùa xuân đến sớm hơn với vùng đất biên cương xa xôi miền Tây xứ Nghệ.

Nhộn nhịp hồi hương

Những ngày cuối năm chúng tôi ngược quốc lộ 7 đến với cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn trong cái rét buốt giá, cắt da cắt thịt dưới 3 độ C, hơn 10 giờ sáng sương giăng mờ kín cả núi rừng, dòng người vẫn nườm nượp ngược xuôi qua lại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn.

Xe chúng tôi đi như trôi bồng bềnh trên một thung lũng mây. Chỉ cách độ chừng ba, bốn mét nhưng hai xe đi ngược chiều vẫn không nhìn thấy nhau, lái xe phải bật đèn pha đi trong sương. Đoạn đường từ Mường Xén lên Nậm Cắn chỉ hơn 25 km nhưng phải đến hơn một tiếng đồng hồ chúng tôi mới đặt chân đến miền biên ải.

Ngày giáp Tết, cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đông vui nhộn nhịp hơn ngày thường, nhiều nhất vẫn là “món đặc sản” đào Lào. Ngoài xe chuyên vận chuyển đào từ Lào về Việt Nam thì các xe chở hàng hóa khác hay xe riêng của gia đình thông quan qua cửa khẩu đều không thiếu cành đào. Thậm chí nhiều chiếc xe máy bùn lấm lem, cũng ì ạch nặng trĩu chở những cành đào nụ đương chúm chím qua cửa khẩu.

Gặp chúng tôi tại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, vừa xoa đôi bàn tay cho đỡ cóng lạnh, anh Lê Văn Thái cho biết, gia đình anh ở Ý Yên, Nam Định, mấy năm nay làm ăn khó khăn, ruộng thì ít, không có việc làm, anh cùng anh em trong xã rủ nhau sang Xiêng Khoảng (Lào) làm thợ mộc. Đi làm xa quê, chịu khó, cực nhọc một tí nhưng còn có đồng ra, đồng vào tăng thu nhập cho gia đình, chứ ở nhà nhìn vào mấy sào ruộng lúa thì không đủ cái ăn, cái mặc cho con cái.

Anh Thái cũng cho biết, anh đi sang Lào làm đã được 10 năm và năm nào cũng tầm ngày 19, 20 tháng Chạp là chủ xưởng cho anh em về Việt Nam ăn Tết, đến ngày 15 tháng Giêng thì trở lại Lào tiếp tục làm việc. Ngày cuối năm, người đông, hàng hóa chất đầy xe, không có chỗ ngồi, mấy anh em phải ra điểm đỗ tại Xiêng Khoảng từ 1 giờ sáng để về quê cho kịp trong ngày.

Tranh thủ trong lúc chờ đoàn xe trước đi qua, anh Nguyễn Văn Hòa ở TP. Vinh đang loay hoay buộc mấy cành đào vừa mua được bên Lào về. Anh cho biết, để kiếm được mấy cành đào ưng ý, người mua phải sang tận bên Lào, đi bộ chừng hai giờ đồng hồ, đường đi rất khó khăn, phải luồn lách vào sâu tận trong rừng già mới có được đào đẹp. Thường ngày, anh làm bốc vác ngay tại cửa khẩu, nhưng tranh thủ dịp Tết, từ ngày 15 tháng Chạp trở đi anh sang Lào mua gom đào về bán. Bình quân một cành đào đẹp, có giá 3 triệu kíp tương đương 7 triệu đồng tiền Việt, cành to có giá 10 triệu. Cành thấp nhất cũng được bán với giá từ 60-150 kíp, tính ra trừ chi phí, bình quân mỗi ngày anh Hòa có được 200 nghìn đồng, có thêm tiền để sắm sanh trong ngày Tết.

Anh Hòa cho biết thêm, người mua chuộng nhất là đào đá, đào rêu, vì vậy mà có những cành đào được bán với giá từ 20 - 25 triệu đồng. Thế nhưng năm nay, đào đẹp, đào đá cháy hàng, đắt cũng không có mà bán. Đào từ Lào về được tập kết tại cửa khẩu, dân buôn đào từ dưới TP.Vinh lên gom hàng và chở về xuôi luôn trong ngày. Vì vậy, chặt được cành nào là tiêu thụ hết ngay cành đó, đây cũng chính là nguồn thu nhập đáng kể của người dân Nậm Cắn trong những ngày Tết đến Xuân về.

CBCC Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn phối hợp với Biên phòng kiểm tra hành lý khách XNC.

Tết trên cổng trời

Kể về không khí đón Tết của cán bộ Hải quan tại cửa khẩu, ông Đào Duy Hải, Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn (Cục Hải quan Nghệ An) cho biết, đón Tết ở cửa khẩu có khá nhiều điều khác biệt với cái Tết bên gia đình, vì ở đây CBCC không chỉ được sống trong sự đùm bọc của tình đồng nghiệp mà còn nhận được nhiều tình cảm của bà con dân tộc trên địa bàn. Vào những ngày này, đơn vị cũng phối hợp với chính quyền địa phương để dành những phần quà cho các hộ nghèo, gia đình chính sách trên địa bàn.

Tết năm nào cũng vậy, đơn vị sắp xếp cho anh em thay nhau nghỉ, đảm bảo đúng 50% quân số trực Tết và các mặt công tác nghiệp vụ. Đối với những anh em ở lại trực, đơn vị cũng chuẩn bị bánh chưng, cành đào và mâm ngũ quả để anh em có không khí Tết như ở nhà. Còn đối với những anh em về đón Tết, ai cũng cố gắng về nhanh nhất có thể để có thời gian bên gia đình và kịp lên đổi ca trực cho những cán bộ ở lại, ông Đào Duy Hải cho biết thêm.

Ông Đào Duy Hải chia sẻ, hai xã biên giới Noọng Hét, Sầm Tớ (Lào) và Nậm Cắn, Kỳ Sơn (Nghệ An) chủ yếu là đồng bào Mông sinh sống, có quan hệ huyết thống với nhau vì vậy rất đông bà con qua lại thăm thân. Đặc biệt, những ngày giáp Tết lưu lượng người qua lại càng đông hơn, cao gấp 3-4 lần ngày thường. Bên cạnh đó, lượng hàng hóa qua lại cũng tăng đột biến, chủ yếu là các mặt hàng thiết yếu khác như rượu, bia, mì chính và quần áo... Chính vì vậy, rất dễ nảy sinh các tệ nạn như buôn lậu, mất an ninh trật tự biên giới và nhất là buôn bán, vận chuyển trái phép chất ma túy qua biên giới. Để ngăn chặn tình trạng này, Chi cục Hải quan cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã lên kế hoạch, phân công CBCC tăng cường kiểm tra kiểm sóat nắm tình hình…

Khác với nhiều miền quê khác, năm nay, đồng bào xã biên giới Kỳ Sơn, Nghệ An đang đón một cái Tết cổ truyền dân tộc sớm hơn mọi năm. Dọc theo tuyến đường quốc lộ 7, đoạn từ thị trấn Mường Xén lên cửa khẩu Quốc tế Nậm Cắn không khí đón Tết đang rất tưng bừng. Dòng người làm ăn từ nước bạn Lào về quê ăn Tết mỗi ngày qua đây rất đông. Trên mỗi chuyến xe, kiểu gì bà con cũng phải mang theo ít cành đào, dăm cân gạo nếp, con lợn nít hay vài chục con gà đen (còn gọi là gà Mông)... Không ít du khách đến từ các nước phương Tây cũng đã vào Việt Nam để chứng kiến đồng bào vùng cao đón một cái Tết đầm ấm.

Khắp các bản làng của xã biên giới Nậm Cắn, ngoài lương thực, thực phẩm đã được bà con chuẩn bị sẵn, nhà nào nhà nấy còn tìm cho mình một cành đào đá đẹp nhất cắm trước cổng nhà. Ông Hờ Bá Chá, Chủ tịch UBND xã Nậm Cắn cho biết, Nậm Cắn là xã nghèo của huyện biên giới Kỳ Sơn, có bốn thành phần dân tộc gồm Kinh, Thái, Mông và Khơ mú sinh sống nhưng bà con rất đoàn kết. Để đón Tết cổ truyền an vui, bà con trong các bản làng luôn giúp đỡ nhau trên tinh thần “lá rách ít đùm lá rách nhiều”.

Tối hôm cuối ở lại cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, chúng tôi cùng các CBCC hải quan cửa khẩu Nậm Cắn và các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn đã cùng ăn cơm, nói chuyện, kể cho nhau nghe về gia đình, phong tục tập quán đón Tết của đồng bào vùng biên giới. Một CBCC hải quan bộc bạch: “Trực Tết nhớ vợ con lắm, nằm ngủ một mình một phòng vào đêm giao thừa, trời lạnh, buồn. Nhà báo năm nào có điều kiện, lại lên đón Tết và viết bài về anh em trực Tết cho anh em vui”.

Từ xa nhìn về cửa khẩu Nậm Cắn đã thấy sắc Xuân về trên những cành đào đang chớm nụ, màu xanh của những cuộn lá dong những món quà không thể thiếu trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc, được chất đầy trên những đoàn xe ngược xuôi đã xua tan cái giá lạnh tê buốt nơi miền Tây xứ Nghệ. Ai nấy đều háo hức cùng hướng về một cái Tết đầm ấm hạnh phúc đang chờ đợi ở quê nhà.

Hoa đào từ Lào mang về là quà đặc biệt để biếu tặng người thân. Ảnh: H.Nụ.

Tác giả: Đảo Lê

Nguồn tin: Báo Hải Quan

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP