Trong tỉnh

Tân Kỳ (Nghệ An): Hàng chục héc ta rừng phòng hộ bị "cạo trọc"

Người dân xã Kỳ Tân (huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An) hết sức bất bình vì thời gian qua hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn bị “lâm tặc” phát trắng không thương tiếc. Tình trạng nói trên diễn ra trong một thời gian dài, quy mô lớn nhưng không hiểu vì sao các cơ quan có trách nhiệm lại không ngăn chặn kịp thời.

Ồ ạt phá rừng phòng hộ đầu nguồn để trồng keo

Thời gian qua, người dân xã Kỳ Tân nói chung và đặc biệt là người dân 2 xóm 1 và 2 của xã này hết sức bất bình vì hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn tại tiểu khu 867 bị xâm hại nghiêm trọng. Theo đơn phản ánh của người dân nơi đây thì hàng chục héc ta rừng tái sinh tự nhiên bị các đối tượng lâm tặc phát trắng lấy gỗ, củi rồi sau đó đốt và trồng keo.

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ tại xã Kỳ Tân Bị phát trắng

Theo chân ông M, người dân xóm 1, xã Kỳ Tân chúng tôi vào thực tế hiện trường để tận mắt chứng kiến cảnh tượng phá rừng tại địa phương này. Để tiếp cận được dãy núi cao Khu Gạo thuộc tiểu khu 867 – nơi giáp ranh giữa rừng của xã Kỳ Tân với các xã Tây Thành và Quang Thành (huyện Yên Thành) chúng tôi phải đi đường tắt qua khu rừng keo của người dân, sau đó băng qua một khu rừng phòng hộ dốc thẳng đứng, rầm rạp cây cối, dây bụi.

Tiếp cận hiện trường, ghi nhận của PV là hàng chục héc ta rừng phòng hộ với nhiều cây gỗ như dẻ, dổi, trường… có đường kính khá lớn bị đốn hạ không thương tiếc. Cá biệt có một số loại cây gỗ có đường kính khoảng từ 40 – 50cm cũng bị cưa xăng xẻ sát đất, những loại cây gỗ to và có giá trị kinh tế hầu như đã bị lâm tặc cắt xẻ và vận chuyển ra ngoài tiêu thụ theo những con đường đất mới được mở vào khu rừng phòng hộ này.

Nhiều cây gỗ lớn bị đốn hạ

Theo người dân nơi đây, rừng phòng hộ Khu Gạo – Dãy núi chính hình thành nên 5 con khe: Khe Mây, Khe Ổi, Khe Đạn, Khe ông Quyết…rồi đổ về 5 con đập thủy lợi của xã Kỳ Tân, cung cấp nước sinh hoạt và tưới tiêu cho hàng trăm héc ta đất canh tác cũng như cấp nước sinh hoạt cho hàng nghìn hộ dân xã Kỳ Tân và một số khu vực lân cận.

Tuy nhiên, hầu hết khu rừng phòng hộ này đã bị tàn phá nghiêm trọng. Toàn bộ khu rừng trên đỉnh núi giáp ranh với huyện Yên Thành đã bị phát trắng, đốt và hiện nay nhiều diện tích hàng chục héc ta đã được trồng keo lên xanh mướt với độ tuổi từ khoảng vài tháng đến 2 tuổi.

Ông Đào Văn M, người dân xóm 1, xã Kỳ Tân, bức xúc: “Rừng ở đây là rừng phòng hộ, người dân xã Kỳ Tân chúng tôi ra sức bảo vệ nhưng không được. Người dân khắp nơi từ tận Yên Thành và Tân Kỳ cứ vô tư mang cưa xăng lên phát rừng rồi sau đó đốt và trồng keo lên đó nhưng không thấy kiểm lâm cũng như chủ rừng xử lý gì cả”.

Hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn bị đốn hạ ngổn ngang

Cũng theo phản ánh của người dân xã Kỳ Tân thì hàng chục héc ta rừng phòng hộ đã bị phá từ khoảng tháng 9/2016 và số diện tích này đã được trồng cây keo từ lâu. Sau đó lâm tặc tiếp tục phát lấn xuống sâu vào phần rừng phòng hộ của xã Kỳ Tân, nơi được giao cho 21 hộ dân của 2 xóm 1 và 2 của xã này bảo vệ.

Hiện nay, theo ghi nhận của PV tại hiện trường thì số diện tích bị phá ngày càng mở rộng, trong đó có nhiều héc ta bị phát mới vài tháng trước, cá biệt có khoảng vài héc ta vừa bị phát chưa đầy một tháng, lá cây đang còn khá tươi, một số ít diện tích rừng phòng hộ bị phát xuống la liệt cây gỗ nhưng lâm tặc chưa kịp đốt mà mới chỉ kịp mang những thân gỗ lớn, có giá trị đi tiêu thụ cũng như thu gom cành cây để đào hố đốt lấy than ngay tại hiện trường. Đi dọc theo con đường mới được mở xẻ dọc dãy núi là hàng chục hố than mới được lâm tặc đốt nhưng đã vận chuyển số than đi hết khỏi hiện trường.

Điều vô lý là khi con đường đất mà Ban quản lý Rừng phòng hộ Tân Kỳ bỏ hàng trăm triệu đồng để mở với mục đích “tuần tra, bảo vệ rừng” thì vô tình lại trở thành “cung đường phá rừng” khi hàng ngày lâm tặc ung dung đưa xe ô tô tải, xe máy đi trên con đường này để đốn hạ nhiều héc ta rừng phòng hộ.

Một cây dổi non mới bị đốn hạ

Người dân và xã “nóng ruột”, huyện “đủng đỉnh”?

Tình trạng phá hàng chục héc ta rừng phòng hộ đầu nguồn diễn ra tại xã Kỳ Tân đã 2 năm nay, tình trạng trên không có dấu hiệu dừng lại và đến nay tổng số diện tích được thống kê đã lên đến 87ha khiến cho người dân địa phương cũng như chính quyền xã Kỳ Tân hết sức “nóng ruột” và bất bình.

Với giọng gay gắt, ông Hoàng Văn T, ở xóm 1, xã Kỳ Tân, cho hay: “Tôi nhận bảo vệ 8,4ha rừng với Ban QLRPH Tân Kỳ tại Khu Gạo nhưng đã 2 năm nay lâm tặc cứ phát lấn dần, giờ đây số diện tích tôi bảo vệ đã bị phá gần hết. Nhiều lần tôi lên bắt quả tang lâm tặc đang phát, yêu cầu họ dừng lại nhưng họ nói chỉ đi phát thuê cho người này, người khác nên đành chịu. Nếu quyết liệt thì sẽ xảy ra xô xát, án mạng xảy ra như chơi”.

Cùng chung tâm trạng bức xúc, ông Thái Khắc Q, ở xóm 2, xã Kỳ Tân, cho hay: “Rừng phòng hộ Khu Gạo là rất quan trọng, là nơi hình thành nên các khe nước cung cấp nước cho sinh hoạt và tưới tiêu của xã chúng tôi nhưng nay đã bị tàn phá gần hết. Đề nghị các cấp chính quyền phải vào cuộc quyết liệt để ngăn chặn tình trạng này cũng như có biện pháp giải quyết, xử lý hiệu quả số diện tích đã bị phát đốt và đã trồng cây keo lên”.

Lán trại của “lâm tặc”

Ông Trần Văn Đông – Chủ tịch UBND xã Kỳ Tân tỏ rõ bức xúc trước lâm tặc cũng như cách giải uyết của chủ rừng cũng như UBND huyện Tân Kỳ. “Rừng phòng hộ của xã nay đã bị lâm tặc phá gần hết. Chúng tôi đã họp lên, bàn xuống với chủ rừng cũng như kiểm lâm và các phòng chức năng của huyện Tân Kỳ nhưng hầu như chưa có biện pháp giải quyết triệt để.

Rừng vẫn cứ mất trong khi chủ rừng là Ban QLRPH Tân Kỳ thì thiếu quyết liệt; Kiểm lâm Tân Kỳ thì không bắt được vụ nào. Đặc biệt là huyện tỏ ra thiếu quyết liệt trong chỉ đạo, Quyết định thành lạp đoàn liên ngành của huyện ký ban hành từ tháng 6/2017 nhưng đến nay đã gần 3 tháng trôi qua không hiểu lý do vì sao Quyết định vẫn nằm trên bàn giấy? Cứ đà này thì rừng phòng hộ của xã chúng tôi chẳng bao lâu sẽ bị phá hết”.

Con đường “Tuần tra, bảo vệ rừng” vô tình trở thành “Cung đường phá rừng”

Khi làm việc với Ban lãnh đạo Ban QLRPH huyện Tân Kỳ thì ông Cao Tiến Hạnh – Giám đốc Ban QLRPH huyện Tân Kỳ cho rằng, việc phá rừng phòng hộ tại xã Kỳ Tân đã diễn ra từ lâu và kéo dài. Do các cấp, các ngành không vào cuộc quyết liệt nên rất khó xử lý dứt điểm!

Lâm tặc” ngang nhiên đốt củi lấy than ngay tại hiện trường

Cũng cần phải nói thêm rằng, sau khi việc phá rừng phòng hộ đầu nguồn tại xã Kỳ Tân xảy ra được hơn…1 năm thì ngày 22/6/2017 UBND huyện Tân Kỳ mới có Quyết định thành lập đoàn kiểm tra việc lấn chiếm rừng phòng hộ và đất lâm nghiệp tại xã Kỳ Tân do ông Nguyễn Bá Thức – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Kỳ làm trưởng đoàn (nay ông Thức đã chuyển sang công tác khác - PV). Tuy nhiên, Quyết định thành lập đoàn kiểm tra nói trên hiện vẫn đang nằm trên bàn giấy của các lãnh đạo, đã gần 3 tháng trôi qua, người dân xã Kỳ Tân vẫn “dài cổ” chờ đoàn kiểm tra vào thực tế tại rừng phòng hộ đang bị phá tan hoang để ghi nhận thực tế hiện trường.

Ban giám đốc Ban QLRPH Tân Kỳ làm việc với PV

Chúng tôi liên hệ làm việc với ông Đặng Thọ Xuân – Phó chủ tịch UBND huyện Tân Kỳ (Vị lãnh đạo huyện Tân Kỳ ký quyết định thành lập đoàn kiểm tra nói trên - PV) nhưng vị này cáo họp cả ngày không thể tiếp PV.

Theo báo cáo của ông Cao Tiến Hạnh – Giám đốc Ban QLRPH huyện Tân Kỳ thì diện tích rừng phòng hộ bị phá tại xã Kỳ Tân “chỉ” 49,7ha nhưng theo báo cáo mới nhất của UBND xã Kỳ Tân thì số diện tích rừng phòng hộ bị phá tại xã này đã lên tới 87,3ha.

Tác giả: Đình Tiệp

Nguồn tin: Báo Tài nguyên & Môi trường

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP