Xã hội

“Tấm lòng Bồ Tát” của người đàn ông cứu mạng 71 đứa trẻ

Ông Đinh Minh Nhật (SN 1962, ngụ thôn 1, xã Ia Hlốp, huyện Chư Sê, tỉnh Gia Lai) chưa từng một lần làm chồng, làm cha theo đúng nghĩa, thế nhưng người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến “người đàn ông đông con nhất Việt Nam”. 71 đứa trẻ mồ côi tìm được sự sống, niềm vui, hạnh phúc từ đôi bàn tay của người đàn ông có tấm lòng Bồ Tát này.

9 năm qua, ông Nhật cưu mang 71 đứa trẻ bất hạnh.

Đứa trẻ đầu tiên

Tròn 9 năm “mái ấm tình thương” hình thành, khởi đầu từ việc ông Nhật cứu bé gái Đinh Hồng Phúc khỏi “tử thần” hủ tục. Cho đến giờ những hình ảnh chết chóc khi cứu sống cô bé người Jarai vẫn làm ông ám ảnh.

Năm 2008 cũng là năm đầu tiên ông Nhật mang đồ đạc ở thị trấn Chư Sê về dựng nhà sống một mình ở thôn 1, xã Ia Hlốp. Vào một đêm cuối tháng 4, sấm chớp đì đùng, ông có việc đi ra ngoài cách nhà khoảng 2km thì thấy buôn làng mời thầy cúng chuẩn bị các thủ tục chôn một đứa bé theo mẹ xuống mộ. Đứa bé còn đỏ hỏn sinh ra được 2 ngày thì mẹ mất.

Cảm giác lúc đầu của ông Nhật là sốc rồi ông cứ thế nhảy vồ vào, giật lấy đứa trẻ, ôm nó chạy đi nhưng bị đám người làng đuổi bắt được. Ông đã cố giải thích rằng đứa trẻ được sinh ra cũng như trái bắp trên rẫy, không phải vì nó mà mẹ nó chết. Để đứa trẻ ấy sống cũng không bị ai bắt tội mà còn cứu thêm được một mạng sống. Đấu tranh mãi, thuyết phục mãi dân làng mới nhượng bộ với điều kiện ông phải cúng một con lợn to, 10 vò rượu để tạ lỗi với giàng.

Bế đứa bé trên tay, ông Nhật phải bồng đi khắp các làng để xin từng giọt sữa. Nhưng xin mãi cũng không được, nhiều người thấy đứa trẻ bú dữ quá nên quyết không cho sữa nữa, ông phải đi đong từng lon gạo, mua từng bịch sữa để nuôi cháu. Chưa một ngày làm cha, dự định sống một mình đến hết đời nên việc có thêm một đứa trẻ 2 ngày tuổi là điều quá sức tưởng tượng.

Không những thế, phải mất nhiều tháng sau, ông Nhật mới trả hết nợ do mua “lễ vật” cứu bé gái. Ông đặt tên theo họ của mình là Đinh Hồng Phúc. Cái tên mang ý nghĩa chính sự phúc đức đã cứu sống em.

Số phận vẫn chưa buông tha, Phúc ốm yếu, quặt quẹo. Ông Nhật phải liên tục đưa Phúc ra Huế chữa trị. “Tình cờ các sơ nhà dòng tại Huế biết sự việc nên bảo để các sơ giúp chứ tôi đi đi về về vất vả lắm. Một thời gian cháu cũng hết bệnh. Bây giờ, Phúc đã 9 tuổi, học lớp 3 ở Huế”, ông Nhật chia sẻ.

Góc học tập của các cháu ở “cơ ngơi” ông Nhật.

Mái nhà của 71 đứa trẻ

Đó không phải là lần duy nhất ông Nhật cướp con của giàng. Cũng năm 2008, một đứa bé sinh ra không có hậu môn bị cha mẹ vứt bỏ bên đống rác vệ đường. Kiến, ruồi bu khắp thân thể đỏ hỏn. Tiếng khóc vang vọng đến tai ông Nhật, đứa bé được cứu sống.

Để cứu đứa bé, ông Nhật phải tức tốc đưa xuống TP.HCM phẫu thuật, tạo hậu môn giả bên hông. Không những thế, đứa bé còn bị bệnh down. Những ngày chăm cháu ở bệnh viện, ông kiệt quệ, thở dốc vì căn bệnh thận hành hạ. Bao nhiêu tiền bạc, ông dốc hết chữa bệnh cho đứa trẻ. Cháu bé sống cũng là lúc tiền trong túi hết nhẵn. Giờ cháu đã 9 tuổi mang họ cha nuôi, tên Đinh Thái Bảo.

Từ đó về sau, hễ nghe tin các cháu nhỏ có cha mẹ qua đời, lang thang cơ nhỡ, ông Nhật đều góp nhặt đưa về chăm sóc, nuôi nấng. Nhiều người đi nương, đi rẫy hễ thấy trẻ bị bỏ rơi cũng nhặt đưa về cho ông nuôi. Năm này qua năm khác, bây giờ lên đến 71 cháu, trong đó có 67 em đồng bào dân tộc thiểu số Jarai, 4 cháu người Kinh. Cháu nhỏ nhất 10 tháng, lớn nhất 16 tuổi.

Cách đây 1 năm, gia đình nọ, vợ bị ung thư gan, chồng ung thư phổi rồi mất, để lại 4 đứa con, đứa nhỏ mới chỉ lọt lòng mẹ, ông Nhật đều mang về nuôi. “Cha Nhật là người tốt bụng, chăm lo tụi cháu rất chu đáo, dạy học bài, nấu ăn, cách ứng xử và biết cách yêu thương các em nhỏ. Ước mơ của cháu là sau này làm bác sĩ, để chữa bệnh cho các em ở đây”, Kpui H’Ngọc Lan tâm sự.

Các cháu ở các làng, các xã, các huyện khác nhau của tỉnh Gia Lai, lúc mới về không hòa nhập được. Qua thời gian, đến nay các cháu biết yêu thương nhau, không chia rẽ làng này với làng khác. Chị lớn biết chăm sóc em nhỏ, coi nhau như ruột thịt. Thấy em khóc là biết chia sẻ cơm, nhường bánh. Cõng em chơi, tối thì vỗ em ngủ như chị em ruột thịt trong một gia đình.

Trong đàn con của ông Nhật, có 56 cháu đến trường. Chị cả hiện là sinh viên năm thứ 2 Đại học Sư phạm Huế, 2 anh chị kế là học sinh lớp 11. Ông Nhật tự hào khoe: “Các cháu tự kèm nhau học bài, 36 cháu đạt học lực tiên tiến và giỏi là 4 cháu. Nếu các cháu có điều kiện, được thầy cô kèm cặp tại nhà thì số lượng học giỏi còn tăng lên nữa. Các cháu ở đây đều được thầy cô giáo khen là ngoan ngoãn, lễ phép, biết giúp đỡ bạn bè. Như thế đã làm tôi hạnh phúc lắm rồi”.

Ông Nhật đang tắm rửa cho cháu Đinh Thái Bảo.

Bệnh nặng vẫn làm thuê nuôi các cháu

Ông Nhật dẫn chúng tôi đi xem “cơ ngơi” của mình. Đó là một gian nhà cấp 4, được thưng làm hai phần. Phía trước làm nơi sinh hoạt chung, phần sau tách ra nhiều ô nhỏ và được bố trí theo từng “khu chức năng”: chỗ ngủ, lớp học bài, nơi nấu ăn, chỗ tắm rửa. Điều khá đặc biệt là trong “cơ ngơi” này có rất nhiều nồi nhôm loại to. Ông Nhật nhẩm tính, mỗi tháng lũ trẻ ăn hết 6 tạ gạo, mắm muối hàng chục ký.

Vừa tâm sự câu chuyện, chúng tôi vừa quan sát các cháu chuẩn bị bữa trưa cho nhau. Một cháu lớn vừa nấu canh vừa nở nụ cười hiền hậu. Nhìn nồi canh lõng bõng toàn nước, ông Nhật bảo ở đây chỉ cần các cháu ăn được no là mừng rồi. Nhiều cháu bị bệnh tim, có cháu bị viêm phổi, đến mùa lạnh là ho, nhưng không có tiền chữa trị nên các cháu vẫn cố chịu đựng. Sự tươi cười, vui đùa thường ngày dường như làm các cháu quên luôn bệnh tật.

Để có kinh phí nuôi các cháu, đến mùa, ông Nhật đi hái tiêu, cà phê thuê cho người ta. Hết mùa, ông đi đến các trung tâm y tế, các bệnh viện chăm sóc người già, sau đó con cháu bồi dưỡng cho ít tiền, dành dụm đem về mua thức ăn, áo quần cho các cháu.

“Nhờ các cá nhân, tổ chức hảo tâm gần xa biết đến chung tay làm từ thiện và cả nguồn thu nhập từ làm thuê của tôi nữa, nhưng vẫn thiếu trước hụt sau. Lúc bí quá, tôi phải đi mượn tiền mua gạo. Bữa sáng các cháu chủ yếu vẫn là mì tôm, cơm ngày 2 bữa chính chỉ có món canh. Biết là kham khổ đấy nhưng có lẽ vẫn tốt hơn để chúng phải sống lang thang, ngoài miếng ăn, giấc ngủ còn biết bao cạm bẫy cuộc sống”, ông Nhật trầm ngâm.

Ông Lê Sỹ Quý - Chủ tịch xã Ia Hlốp, cho biết: “Điều tội nghiệp là không phải cháu nào cũng lành lặn mà có cháu bệnh tật, thân thể què quặt, đau yếu liên miên nhưng vẫn được ông nuôi nấng, chăm sóc như chính đó là đứa con của mình. Ít người biết rằng, không chỉ mấy đứa trẻ bị bệnh tật mà bản thân ông Nhật cũng đang mang trong mình bệnh thận rất nặng, mỗi lần tôi gặp thấy ông làm việc nặng là thở dốc. Hiện nay số trẻ đang dần lớn nên mọi thứ rất chật vật, tôi mong có thêm nhiều sự giúp đỡ để hỗ trợ cho các cháu”.

Tác giả bài viết: Nhuận Oanh

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP