Thể thao

Tại sao các cầu thủ Premier League hay đá hỏng phạt đền

Nước Anh đã rời Euro 2016 nhưng vẫn có thứ để nói về nền bóng đá nước này. Đó là khi những cầu thủ ở giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh Premier League quá thường xuyên đá hỏng 11 m.

Trong cái đêm mà Đức vượt qua Italy để đặt chân vào bán kết Euro 2016, đã có 19 quả phạt đền được thực hiện (bao gồm cả bàn thắng của Bonucci phut 78). Trận đấu bị kéo dài thêm 30 phút, sang đến loạt luân lưu và tiếp tục dai dẳng đến loạt sút thứ 9.

Lẽ ra Italy đã thắng nếu Graziano Pelle hoàn thành ở lượt sút thứ 4, sau cú dứt điểm hỏng ăn trước đó của Mesut Oezil. Trận đấu cũng có thể kết thúc sớm hơn nếu Schweinsteiger không dứt điểm lên trời ở lượt sút quyết định thứ 5. Cuối cùng, Italy thất bại vì Darmian không thể chiến thắng Neuer.

Ngoài việc cả 4 cái tên kể trên không thành công với nhiệm vụ được giao, họ còn có một điểm chung khác: đều khoác áo các đội bóng ở Premier League. Những người này đã nối dài danh sách các cầu thủ đang chơi ở xứ sương mù thất bại trên chấm phạt đền ở Euro 2016. Trước đó, Oezil cũng sút hỏng một lần ở trận gặp Slovakia và Granit Xhaka, tân binh của Arsenal, là tội đồ của Thụy Sỹ trận gặp Ba Lan.


Darmian, hậu vệ Mu là tội đồ của nước Italy.

Bạn biết đấy, penalty là một thử thách khó ngay cả với những siêu sao như Lionel Messi hay một số người có thể coi là chuyên gia trong lĩnh vực này như Ronaldo hay Sergio Ramos. Tuy nhiên, việc hỏng ăn quá nhiều như các cầu thủ Premier League là một hiện tượng đáng chú ý. Nó thể hiện một góc cạnh cho thấy, giải đấu này không lung linh như người ta tưởng.

Những người hùng quá khứ

Điều đầu tiên cần phải làm rõ, Pelle, Oezil và đặc biệt là Schweinsteiger không phải những cầu thủ yếu đuối hoặc xa lạ với chấm phạt đền. Trong quá khứ, họ đã thành công không ít. Thậm chí, Schweini còn quen thuộc với vai người hùng, khi luôn là người chốt sổ cho các loạt sút luân lưu.

Ví dụ, tiền vệ người Đức là người sút thành công quả cuối vào lưới Iker Casillas, đưa Bayern vào chung kết Champions League 2011/12. Nếu ai đó quên, xin nhắc lại hình ảnh Mourinho quỳ trên đường piste với đôi mắt thẫn thờ trong thời điểm Schweinsteiger bước lên.

Ngoài ra, 5/8 bàn gần nhất tiền vệ này ghi cho ĐTQG là trên chấm phạt đền. Anh không ngại công việc đối mặt với thủ môn trước sức ép của hàng vạn khán giả. Tương tự như vậy với Oezil. Từ năm 2012 đến nay, cầu thủ hiện khoác áo Arsenal đã ghi 4 bàn cho Die Mannschaft bằng các pha dứt điểm 11 m.


Schweinsteiger, một cầu thủ khác của MU dứt điểm vọt xà.

Cách đây 3 tháng, Oezil từng đánh bại Buffon bằng penalty trong trận giao hữu tại Allianz Arena. Euro 2012, anh cũng khuất phục thủ môn kỳ cựu người Italia bằng hình thức tương tự.

Vậy tại sao bây giờ, họ thất bại?

Để thành công trên chấm penalty, ngoài bản lĩnh, các cầu thủ cũng cần tập luyện thường xuyên. Tại Premier League, họ ít làm điều đó bởi nó gần như không cần thiết. Lý do là các đội bóng hiếm khi phải va chạm, cọ xát với thử thách này. Nhiều năm qua, các CLB Anh không đi xa ở Champions League. Tệ hơn, họ thường chiến đấu với tâm lý cửa dưới.

Chình vì thế, việc sút 11 m trong các buổi tập chỉ mang tính giải trí, hoặc là công việc của số ít các cầu thủ lãnh trọng trách. Một vài lần họ phải sử dụng đến kỹ năng này, là ở các mặt trận Cúp. Tuy nhiên, đó là những đấu trường không được quan tâm và đương nhiên, không có nhiều sức ép.


Schweinsteiger trở thành thất bại thứ 6 của Premier League trên chấm 11 m.

Thêm một vấn đề quan trọng khác, ở Anh, người ta có xu hướng để cho cảm xúc chi phối quá nhiều. Các HLV luôn muốn cầu thủ của mình ra sân với một tinh thần hừng hực và điên cuồng lao về phía trước. Một số dịp, điều này phát huy tác dụng, như MU 1999, Liverpool 2005 hay Chelsea 2012. Nhưng các thành công mang nặng cảm xúc như vậy không đến liên tục. Ở rất nhiều thời điểm quan trọng khác, họ dễ đổ vỡ và gục ngã trước áp lực.

Không chỉ người Anh, nhưng cầu thủ khác sống trong môi trường này cũng trở nên duy ý chí, thay vì chơi với cái đầu lạnh.

Tác giả bài viết: Thanh Đình - Ảnh: Getty Images

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP