Học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, quận 1, TP.HCM ăn trưa tại trường - Ảnh: MỸ DUNG |
Năm nay tiền ăn trưa bán trú của các trường tiểu học,THCS, THPT thuộc nhóm 1 tại TP.HCM được quy định mức giá trần 35.000 đồng/suất. Trong bối cảnh vật giá leo thang, nhiều phụ huynh đề nghị tăng tiền ăn nhưng các trường nói không thể vì "đụng trần".
Có gì trong bữa ăn bán trú 35.000 đồng?
11h ngày 24-10, chúng tôi có mặt tại Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1, TP.HCM). Học sinh các khối lớp bắt đầu ăn trưa. Cả ba sảnh của các tòa nhà trong trường đều được bố trí làm phòng ăn cho học sinh.
Bữa trưa, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm được ăn các món: đậu hũ xốt thịt, cải ngọt thịt bằm, bắp cải và tráng miệng với mận. Mỗi khu vực tại đây được bố trí bàn để các nồi cơm, canh, món xào, món mặn và tráng miệng. Các học sinh xếp hàng chờ cô bảo mẫu lấy thức ăn cho mình.
Nhiều học sinh sau khi ăn hết chén cơm thứ nhất đã nhờ cô bảo mẫu lấy tiếp chén cơm nữa và thêm thức ăn hoặc những em ăn ít hơn thì có thể nhờ cô lấy thêm canh. Quốc Dũng, học sinh lớp 4 của trường, khi được hỏi "con ăn mấy chén rồi?" đã nói rằng "con đang ăn chén thứ hai". Dũng cũng cho biết rất thích ăn cơm ở trường. "Canh cũng ngon mà cơm cũng ngon, con cũng thích ăn mận nữa" - Dũng nói.
Theo thực đơn được công bố, trong tuần từ 23 đến 27-10, học sinh Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm ăn các món mặn: gà nấu đậu (thứ hai), đậu hũ xốt thịt (thứ ba), cá ba sa chiên sả (thứ tư), xíu mại xốt cà (thứ năm). Riêng thứ sáu sẽ ăn hủ tiếu bò viên.
Ngoài ăn trưa, học sinh của trường trong tuần này sẽ ăn các món xế: sữa chua dâu (thứ hai), bánh bông lan phủ sô cô la (thứ ba), bánh flan (thứ tư), nui xào bò (thứ năm) và bánh bao (thứ sáu).
Nói về việc thực hiện bữa ăn trưa và ăn xế cho học sinh và học sinh được "ăn theo nhu cầu" với chi phí 35.000 đồng/ngày như hiện nay, bà Đỗ Ngọc Chi, hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Bỉnh Khiêm, cho rằng đây là một may mắn với nhà trường.
"Trường chúng tôi có bếp ăn tại trường nên chi phí lo bữa ăn cho học sinh sẽ khác so với những trường tổ chức bữa trưa cho học sinh nhưng lại phải hợp đồng với các bếp ở ngoài. Mặt khác, số lượng học sinh ăn bán trú của trường chúng tôi đông, đến 1.395 em ăn trưa, nên chi phí mua thực phẩm cũng sẽ có lợi hơn" - bà Chi nói.
"Cân não" lo bữa ăn
Trong bối cảnh giá cả tăng cao, nhiều trường cho biết để cung cấp bữa trưa đúng chuẩn cho học sinh, trường phải "cân não" để đi chợ mua thức ăn nấu cho học sinh. Điều này đặc biệt khó khăn với những trường không có bếp ăn tại trường mà phải khoán cho các đơn vị cung ứng suất ăn ở ngoài.
"Không vì giá cả leo thang, mức thu quy định như vậy mà chúng tôi cắt khẩu phần ăn của học sinh. Bữa trưa các em vẫn đủ các món cơm, mặn, xào, rau, ngoài ra còn có thêm trái cây tráng miệng và theo đúng quy định về dinh dưỡng, tuân thủ về nguồn mua thực phẩm.
Tuy nhiên, trường cũng phải cân nhắc thực đơn, phải chọn những món vừa có nguồn dinh dưỡng đủ vừa có giá cả phải chăng, không thể thích gì mua nấy được" - hiệu trưởng một trường THCS tại quận 1 chia sẻ.
Cũng theo vị hiệu trưởng này, trường cung cấp bữa ăn cho học sinh từ bếp ăn bên ngoài. Bà cũng cho biết trước đây đơn vị cung cấp suất ăn thường đưa dư ra để những học sinh có sức ăn tốt hơn có thể lấy thêm nhưng nay thì họ cung cấp đúng số lượng chứ không thêm được như trước.
Trao đổi với nhiều hiệu trưởng ở quận 1 và quận 3, việc thu đủ bù chi với suất ăn 35.000 đồng tại các quận trung tâm là bài toán rất khó. Đối với những trường không có bếp ăn tại trường, việc này càng khó hơn nhiều.
"Một suất cơm bình dân tại khu vực trung tâm đã có giá khoảng 30.000 - 35.000 đồng/đĩa mà nấu cho học sinh phải mua thực phẩm theo yêu cầu vệ sinh chặt chẽ, giá cả cao hơn nên trường phải lo nghĩ rất nhiều. Lo nhất là phụ huynh nói các con chê cơm không ngon, canh ít thịt, sao cho ăn thịt heo hoài" - một hiệu trưởng phân trần.
Cắt ăn xế, uống sữa
Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (quận 1, TP.HCM) lo bữa ăn trưa bán trú cho khoảng 700 học sinh trên tổng số 750 học sinh toàn trường. Năm ngoái trường này thực hiện suất ăn trưa - xế theo thỏa thuận với giá 40.000 đồng/suất.
Tuy nhiên, theo nghị quyết 04 của HĐND TP.HCM hồi tháng 7-2023, tiền ăn trưa bán trú với những trường công lập thuộc nhóm 1 (gồm TP Thủ Đức và các quận) có mức giá trần 35.000 đồng/suất.Để thực hiện quy định nói trên, Trường THCS Huỳnh Khương Ninh đã quyết định cắt bữa xế, chỉ thực hiện việc ăn trưa và thu đúng mức 35.000 đồng/suất.
"Nhiều năm liền chúng tôi đều thực hiện bữa trưa cho học sinh, sau đó thì bữa xế. Mức giá ăn trưa cho học sinh năm ngoái vẫn là 35.000 đồng/suất, còn lại bữa xế cân đối trong 5.000 đồng. Nhưng nay có quy định vậy thì trường chỉ thu 35.000 đồng cho bữa trưa, không còn bữa xế nữa. Nhiều phụ huynh không đồng ý nhưng chúng tôi cũng không thể làm khác" - ông Cao Đức Khoa, hiệu trưởng, nói.
Cũng từ đầu năm học 2023-2024, Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) chỉ thu tiền ăn trưa của học sinh với mức giá 35.000 đồng/suất, không còn bữa xế như năm học trước. Điều này cũng đồng nghĩa với việc sau khi nghỉ trưa xong, học sinh bán trú sẽ không được ăn bánh, uống sữa lót dạ như thỏa thuận trước đây giữa nhà trường và phụ huynh.
Chuyển từ thỏa thuận sang khống chế mức trần Trước đây, khoản tiền ăn trưa bán trú không quy định trong các nghị quyết của HĐND TP.HCM. Tiền ăn trưa, ăn xế của các trường được các trường lấy ý kiến ban đại diện cha mẹ học sinh và thực hiện theo thỏa thuận giữa nhà trường và phụ huynh dựa trên tham khảo mức giá quy định ở các quận, huyện. Năm nay lần đầu tiên TP.HCM thực hiện việc quy định tiền ăn trưa bán trú tại các trường theo mức chung theo nghị quyết 04 của HĐND TP hồi tháng 7-2023. Các trường tiểu học, THCS, THPT thuộc nhóm 1 (TP Thủ Đức và các quận) sẽ thu theo mức trần là 35.000 đồng/suất ăn trưa; các trường tiểu học, THCS, THPT thuộc nhóm 2 (huyện Nhà Bè, Củ Chi, Cần Giờ, Bình Chánh): mức trần là 32.000 đồng/suất. "Đảm bảo kiểm soát tốt" Về mức quy định tiền ăn trưa đối với học sinh trường công lập tại nghị quyết 04, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Cao Thanh Bình - trưởng Ban Văn hóa Xã hội HĐND TP.HCM - cho biết nghị quyết 04 có tác động tích cực, trước khi ban hành đã được ngành giáo dục khảo sát và đánh giá để đưa ra mức giá trên phương diện của mấy nghìn trường học trên địa bàn. Do đó không thể nhìn một khía cạnh nhỏ những trường hợp phản ánh mà phải ban hành dựa vào khía cạnh tổng thể. Mức giá hiện tại đã được thống kê nhằm đảm bảo kiểm soát tốt và nguyên tắc sau khi ban hành xong HĐND sẽ tổ chức giám sát việc tổ chức triển khai nghị quyết, từ đó sẽ có báo cáo đánh giá tác động và kết quả thực thi. Phụ huynh muốn tăng, trường nói 'đụng trần' quy định
Việc nhà trường cắt không thực hiện bữa xế khiến nhiều phụ huynh không yên tâm. Các phụ huynh mong muốn nhà trường thực hiện bữa xế riêng nhưng trường nói không thể vì "đụng trần" quy định. Chị Thu - phụ huynh có con học lớp 9 ở một trường THCS tại quận 1 - cho biết sau khi trường không còn bữa xế, gia đình đã yêu cầu con mang thêm sữa đến trường và cho con tiền để mua thực phẩm từ căng tin trường. "Tuổi này con nhanh đói. Tôi đề nghị nhà trường thu thêm tiền để tổ chức bữa xế nhưng đề xuất hoài không được nên tôi cũng phải kiếm cách để con ăn thêm. Thật tình tôi mong điều chỉnh chính sách về ăn uống của học sinh theo hướng thỏa thuận với phụ huynh như trước đây thì sẽ ổn hơn với con cái chúng tôi" - chị Thu chia sẻ. Anh Thắng, phụ huynh có con học ở một trường THCS tại quận 1, cũng nói: "Con tôi là con trai, cao hơn 1,7m rồi mà tiền ăn như vậy thấy ít quá. Các con còn hoạt động thể thao này kia nhưng bữa ăn với giá như vậy tôi sợ con không no nên đợt này cứ cho mỗi ngày 100.000 đồng, con muốn mua thêm gì ăn thì mua. Tuy vậy tôi vẫn thấy cho con ăn vặt thêm cũng không đảm bảo như trường cung cấp bữa xế nên mong nhà trường thực hiện như trước đây". Mới đây, do nhận được quá nhiều đề nghị từ phụ huynh phải thực hiện bữa xế cho học sinh, trong đại hội cha mẹ học sinh các lớp, ban đại diện cha mẹ học sinh Trường THCS Nguyễn Du (quận 1) đã xin nhà trường lấy ý kiến về việc thực hiện bữa ăn xế cho học sinh toàn trường. "Chúng tôi cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh các lớp lấy ý kiến về việc cung cấp bữa ăn xế (bánh, sữa) cho học sinh. Nếu đạt 100% phụ huynh đồng ý thì cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh của trường thực hiện bữa ăn xế cho học sinh. Nhưng tỉ lệ phụ huynh đồng ý thực hiện bữa xế cho học sinh trong toàn trường chỉ ở mức 60 - 70% nên trường không cho phép ban đại diện cha mẹ học sinh trường thực hiện" - bà Nguyễn Đoan Trang, hiệu trưởng Trường Nguyễn Du, thông tin. Bà Trang cho biết thêm với học sinh THCS, nhất là các em lớp 8-9 có sức ăn gần như người lớn và với thói quen ăn xế từ bậc tiểu học đến nay, việc không được ăn xế vào đầu giờ học buổi chiều có thể khiến các em nhanh đói. "Nhưng trường phải tuân thủ quy định mức thu này, không thể thu để làm bữa xế theo nguyện vọng của nhiều phụ huynh nên trường cũng thông tin để phụ huynh chuẩn bị bữa xế cho các con mang đến trường nếu muốn" - bà nói. |
Tác giả: Mỹ Dung - Cẩm Nương
Nguồn tin: Báo Tuổi trẻ