Thể thao

Sông Lam Nghệ An: Sự khác biệt đến từ tiền bạc

Sông Lam Nghệ An (SLNA) chưa bao giờ hết đam mê với bóng đá. Thế nhưng, không phải lúc nào sự nhiệt huyết đấy cũng được quy hoạch đúng cách để đi đến kết quả. Câu chuyện buồn của SLNA chung quy cũng chỉ vì một chữ: Tiền

Sự đi xuống của bóng đá xứ Nghệ

SLNA là một đội bóng giàu thành tích của Việt Nam. Miền đất quanh năm dầm mưa, dãi nắng này chưa bao giờ thiếu nhân tài và đội bóng của địa phương cũng luôn là niềm tự hào của người hâm mộ. Chính vì thế, không lạ khi SLNA vô địch quốc gia tới 3 lần cùng 3 lần đoạt Cúp quốc gia. Không những thế, chưa bao giờ ĐT Việt Nam thiếu vắng những cầu thủ xứ Nghệ hoặc thuộc biên chế của SLNA.

Vậy nhưng, lần gần nhất SLNA vô địch cũng là từ năm 2017, với chức vô địch Cúp quốc gia. Còn lần gần nhất đội bóng vô địch V.League thì cũng đã cách đây 8 năm. Trong khoảng thời gian đấy, CLB Hà Nội đã vươn mình mạnh mẽ và vô địch tới 3 lần, trong tổng số 4 lần kể từ lúc thành lập.

Với 8 năm dài đằng đẵng, thành tích tốt nhất của SLNA chỉ là đứng thứ 4 chung cuộc trong các mùa 2012, 2013 và 2018. Ngoài ra, là các thứ hạng thảm hại như thứ 5 (2014), thứ 7 (2015), thứ 8 (2017) và thứ 9 (2016). Đây đương nhiên không phải là điều mà người hâm mộ đội bóng mong muốn nhưng ngoài việc kỳ vọng rồi thất vọng sau mỗi năm, họ đâu làm được gì khác.

Lãnh đạo và cầu thủ SLNA gặp nhiều khó khăn về tài chính.

Rõ ràng, SLNA không phải là đội thích nghi nhanh với thời cuộc. Bóng đá chuyên nghiệp đòi hỏi rất nhiều yếu tố phụ trợ, căn bản nhất là tài chính. Đây chưa bao giờ là thế mạnh của đội bóng này dù họ luôn có một nhà tài trợ lâu năm là ngân hàng Bắc Á.

Trước khi ký mới vào năm nay, số tiền lớn nhất mà ngân hàng Bắc Á từng tài trợ cho SLNA là 30 tỷ/năm. Mà doanh nghiệp này là đơn vị tài trợ duy nhất cho SLNA suốt gần một thập kỷ qua và đây chính là sai lầm căn bản. 30 tỷ nói là ít thì không ít mà nhiều chắc chắn không phải nhiều với một đội bóng có tham vọng lớn ở V.League. Chưa dừng lại ở đó, hãy nhớ SLNA còn cực kỳ chú trọng đào tạo trẻ và có đầy đủ các lứa từ U11 đến U21. Số tiền trên đâu thể đủ để hoạt động một bộ máy khổng lồ đến vậy.

Hệ quả tất yếu, SLNA phải bán các tài năng, hay theo cách mà dân phủi hay gọi là “bán máu” để kiếm tiền trang trải thêm cuộc sống. Dẫn đến một hình ảnh vô cùng buồn bã khi không một cầu thủ nào trong số 37 cái tên HLV Park Hang-seo triệu tập chuẩn bị cho Vòng loại U23 châu Á 2020 thuộc biên chế SLNA. Các trụ cột ra đi, lứa kế cận chưa kịp lớn, thành tích của SLNA không đi xuống mới là chuyện lạ.

Đầu mùa bóng này, SLNA gặp phải những chuyện dở khóc dở cười vì chưa có nhà tài trợ. Đầu tiên là việc họ phải rút lui khỏi giải tập huấn Viettel mở rộng diễn ra đầu tháng 1 vì không có kinh phí. Thay vào đó, thầy trò HLV Nguyễn Đức Thắng chỉ tập “chay” ở nhà và sau đó mới có những trận giao hữu với Ulsan Hyundai tại Trung tâm PVF và đấu tập với Hồng Lĩnh Hà Tĩnh, Thanh Hoá trên sân Vinh. Một đội bóng có sự chuẩn bị trước giải nghèo nàn như thế thì còn hy vọng cái gì?

Một bộ mặt mới

Những tưởng chuyện sẽ chẳng đi đến đâu thì hãy nhìn vào vị trí hiện tại của SLNA xem. Sau 3 vòng đầu tại V.League, SLNA đang đứng thứ 3, cùng có 7 điểm với đội xếp thứ 2 là CLB Hà Nội. Đó là một khởi đầu như mơ và gây bất ngờ với rất nhiều người, đặc biệt là khi tiền đạo trụ cột Phan Văn Đức vẫn chưa thể thi đấu vì đang trong quá trình hồi phục chấn thương.

Nguyên nhân chính có lẽ đến từ tinh thần. Sau một giai đoạn chuẩn bị tối tăm mặt mũi vì thiếu tiền, các cầu thủ đã yên tâm hơn khi BLĐ SLNA đã chốt được nhà tài trợ. Theo đó, không phải một cái tên xa lạ mà vẫn là ngân hàng Bắc Á quyết tâm đồng hành cùng đội bóng.

Nhưng doanh nghiệp này sẽ không phải cáng đáng một mình, SLNA cũng không bị gò bó trong khoản kinh phí eo hẹp nữa. Chỉ mới đây thôi, tập đoàn An Thịnh Phát chính thức trở thành nhà đồng tài trợ cho SLNA. Ngoài 30 tỷ từ ngân hàng Bắc Á, SLNA sẽ có thêm 20 tỷ nữa để hoạt động năm 2019 với kinh phí 50 tỷ đồng. Số tiền này tương đương với những đội bóng thuộc hàng đại gia như Bình Dương và Đà Nẵng.

Theo như chia sẻ của lãnh đạo nhà đồng tài trợ, doanh nghiệp này cam kết sẽ đồng hành dài hạn cùng đội 1 SLNA từ 3-5 năm. Như vậy, tương lai gần của các cầu thủ trụ cột như Văn Đức, Văn Bình, Khắc Ngọc… sẽ được đảm bảo. Họ sẽ không bị gánh nặng “cơm áo gạo tiền” chi phối nữa mà sẽ chuyên tâm vào thi đấu hơn, ít bị xao nhãng bởi những lời mời từ bên ngoài hơn.

Do đó, cơ sở để SLNA tự tin đạt thứ hạng cao trong mùa này và những mùa sau là rất chắc chắn. Và thành công trên sân cỏ chính là một yếu tố tiên quyết để thu hút đầu tư bên ngoài, qua đó tạo thành một vòng lặp thăng hoa khép kín. Viễn cảnh này thực sự là quá hoàn hảo với những người hâm mộ bóng đá xứ Nghệ nói chung và CLB SLNA nói riêng. Từ đây, biết đâu một đế chế cũ, một tượng đài trong quá khứ sẽ quay trở lại đỉnh vinh quang để khẳng định bản sắc của mình.

Lãnh đạo SLNA nhận thức rõ vai trò của tài chính

Ông Nguyễn Hồng Thanh - Chủ tịch của đội bóng xứ Nghệ chia sẻ: “Để gặt hái được thành tích tốt, đào tạo nên nhiều tài năng thì nhất thiết phải có tiền. SLNA hạnh phúc khi nhận được sự tài trợ của ngân hàng Bắc Á. Những đóng góp về tinh thần và tài chính của Mạnh Thường Quân này đã giúp SLNA phát triển vững chắc”.

Có được nền tảng tài chính tốt từ ngân hàng Bắc Á và tập đoàn An Thịnh Phát, SLNA đã giữ chân được hàng loạt trụ cột như thủ môn Nguyên Mạnh, hậu vệ Đình Hoàng hay tiền vệ Khắc Ngọc. Đó đều là những cầu thủ mà nếu như lên sàn chuyển nhượng thì rất nhiều CLB sẵn sàng trả tiền tỷ để rước đón. Đấy đều được xem là dấu son trong chính sách “giữ người” của SLNA. Đặc biệt, đội cũng đổi mới khi chủ động đàm phán với cầu thủ từ trước 6 đến 10 tháng khi cầu thủ đó đáo hạn hợp đồng.

Tác giả: Hà My

Nguồn tin: Báo Công an nhân dân

  Từ khóa: bóng đá xứ Nghệ ,SLNA

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP