Trong nước

Sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh nhiều người bị xử lý hình sự

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đề nghị sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Chiều 10/10, báo cáo việc thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong cuộc họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bà Đào Hồng Lan - Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế - cho biết lần đầu tiên trong hoạt động phòng, chống dịch bệnh, Chính phủ đã huy động một lực lượng lớn quân đội và công an tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là tại tuyến đầu.

Chỉ riêng trong đợt dịch thứ 4 đã huy động, điều động gần 300.000 lượt cán bộ y tế, quân đội, công an của Trung ương và 34 địa phương hỗ trợ cho TPHCM, Hà Nội, Bắc Giang, Bắc Ninh, Bình Dương, Đồng Nai, Long An...

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan (Ảnh: Phạm Thắng).

Các biện pháp đó đã góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn tốc độ gia tăng của đợt dịch thứ 4, tiến tới kiểm soát dịch bệnh trên toàn quốc, đưa xã hội về tình trạng bình thường mới.

Để tiếp tục duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch và dự phòng nguy cơ dịch bệnh diễn biến phức tạp, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho phép thực hiện đến ngày 31/12/2023. Trong đó, cho phép tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định tại mục 3.1 Nghị quyết số 30. Về lâu dài cần có cơ chế gia hạn tự động đối với thuốc đã được cấp giấy đăng ký lưu hành.

"Chính phủ đã đề xuất cơ chế này trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược và sẽ trình Quốc hội trong thời gian tới"- bà Đào Hồng Lan thông tin.

Ngoài ra, Chính phủ cũng kiến nghị tiếp tục cho phép áp dụng một số chính sách đặc biệt, đặc thù, đặc cách về khám, chữa bệnh, thuốc, vaccine, trang thiết bị y tế nhằm đáp ứng kịp thời yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19 và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Qua đó, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh Covid-19 đang hoạt động được phép tiếp tục hoạt động theo yêu cầu thực tiễn. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người nhiễm Covid-19 đã thành lập đồng thời là giấy phép hoạt động.

Đại diện cơ quan thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá, việc áp dụng các cơ chế đặc biệt, đặc thù, đặc cách được thực hiện đồng bộ, quyết liệt, có hiệu quả. Công tác huy động nguồn lực và ngoại giao vaccine đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành y tế trong việc bảo đảm vaccine, thuốc vật tư y tế trong phòng, chống dịch Covid-19.

Tuy nhiên, theo bà, việc mua sắm trang thiết bị, vật tư, hóa chất y tế, kít xét nghiệm phục vụ công tác điều trị Covid-19 còn một số bất cập. Việc quản lý thuốc điều trị Covid-19 có lúc còn chưa chặt chẽ, một số sai phạm nghiêm trọng trong việc mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, gây bức xúc trong dư luận.

Bà Nguyễn Thúy Anh- Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội (Ảnh: Phạm Thắng).

"Khi dịch bệnh được kiểm soát, tại các địa phương và cơ sở y tế, có tình trạng vaccine, thuốc, trang thiết bị, hóa chất còn dư, chưa được sử dụng nhưng chưa có phương án xử lý để tránh lãng phí"- bà Nguyễn Thúy Anh cho hay.

Ủy ban Xã hội chia sẻ với những khó khăn của Chính phủ khi vừa phải tập trung mọi nguồn lực để phòng, chống dịch, vừa phải thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm. Một số vụ việc đã được phát hiện, khởi tố, mang tính răn đe, phòng ngừa lớn.

Tuy nhiên, quá trình thanh tra, kiểm tra, quyết toán không xem xét các yếu tố cấp bách, tính nghiêm trọng của tình huống mà chỉ áp dụng các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành trong điều kiện bình thường để đối chiếu, xem xét xử lý, gây ra tâm lý hoang mang của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực y tế. Công tác thanh quyết toán của các cơ quan, ở cơ sở, tiềm ẩn tác động bất lợi khi phải quyết định các giải pháp ứng phó với tình huống khẩn cấp sau này.

Trước nguy cơ năm 2023 thiếu thuốc khi hơn 14.000 thuốc sẽ hết hiệu lực đăng ký lưu hành, Ủy ban Xã hội đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân và có tờ trình chính thức để Quốc hội xem xét, quyết định.

Đặc biệt, cơ quan thẩm tra đề nghị khẩn trương rà soát các chế độ, chính sách, thực hiện chi trả đầy đủ, đảm bảo quyền lợi đối với lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19; nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách đãi ngộ đặc biệt, phù hợp, thu hút, phát triển đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế; sớm ổn định tâm lý cán bộ y tế trong bối cảnh có nhiều trường hợp bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn ghi nhận báo cáo và đề nghị đánh giá sâu sắc hơn bối cảnh ban hành Nghị quyết 30 để thấy được tinh thần chủ động, chuẩn bị từ sớm từ xa, sự đồng hành với Chính phủ trong phòng chống dịch.

Ông Ngô Văn Tuấn thôi làm Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa ký Nghị quyết số 620/2022/UBTVQH15 về việc phê chuẩn cho thôi làm Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội Khóa XV tỉnh Hòa Bình đối với ông Ngô Văn Tuấn- Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phụ trách Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Trước đó, vào cuối tháng 7/2022, ông Ngô Văn Tuấn - Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình được Bộ Chính trị quyết định thôi tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hòa Bình, thôi giữ chức Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình, điều động chỉ định giữ chức Bí thư Ban Cán sự Đảng Kiểm toán Nhà nước.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết bổ nhiệm ông Ngô Văn Tuấn giữ chức vụ Phó Tổng Kiểm toán Nhà nước, phân công phụ trách Kiểm toán Nhà nước.

Sắp tới tại Kỳ họp thứ 4, Quốc hội Khóa XV, dự kiến khai mạc vào ngày 20/10/2022, Quốc hội sẽ thực hiện thủ tục bầu ông Ngô Văn Tuấn giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước.

Tác giả: Thế Kha

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP