Pháp luật

Siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành chiếm đoạt 370 tỷ của 3 ngân hàng ra sao?

VKSND cáo buộc 17 cựu cán bộ của VietABank, PVcomBank và Ngân hàng NCB đã câu kết, thiếu trách nhiệm để cho siêu lừa Nguyễn Thị Hà Thành giả chữ ký, chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Trong cáo trạng bổ sung vụ án Nguyễn Thị Hà Thành câu kết cán bộ ngân hàng lừa 433 tỷ đồng, VKSND Hà Nội xác định 17 bị cáo là cựu cán bộ thuộc VietABank, PVcomBank và Ngân hàng NCB có vai trò liên quan.

Ngoài hành vi thiếu trách nhiệm và vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, nhiều cựu cán bộ nhà băng còn bị cáo buộc là đồng phạm giúp sức cho Hà Thành chiếm đoạt hàng trăm tỷ đồng.

Dùng hồ sơ giả qua mặt lãnh đạo ngân hàng

Giai đoạn 2016-2018, Nguyễn Thị Hà Thành làm ăn thua lỗ nên câu kết với Nguyễn Thanh Tùng (Giám đốc Công ty Jeongho Landmark) lập mưu chiếm đoạt tiền của các ngân hàng và cá nhân.

Tại Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB), cuối năm 2017, Hà Thành làm quen với Nguyễn Hồng Trung (chuyên viên cao cấp của nhà băng) rồi hứa giới thiệu khách hàng gửi tiền vào ngân hàng này. Từ đó, Thành sẽ thế chấp các sổ tiết kiệm đó để vay vốn khi cần.

Nguyễn Thị Hà Thành tại phiên xử ngày 5/5. Ảnh: H.L.

Trước khi thực hiện các phi vụ lừa đảo, Hà Thành nói với người quen là ông Đặng Nghĩa Toàn (ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) gửi tiền vào NCB. Ngày 19/6/2018, Hà Thành và Tùng sử dụng tài sản đảm bảo là 2 sổ tiết kiệm tổng trị giá 20 tỷ đồng của vợ chồng ông Toàn (đang được nhà băng quản lý) và một số hợp đồng khống do Tùng giả mạo chữ ký rồi đề nghị NCB cho vay 19 tỷ.

Quá trình thẩm định, Nguyễn Hồng Trung bị cáo buộc đã không gặp chủ sổ tiết kiệm là vợ chồng ông Toàn và những người liên quan, không phát hiện việc Tùng lập khống hợp đồng kinh tế và cũng không phát hiện Hà Thành và Tùng giả mạo chữ ký vợ chồng ông Toàn mà vẫn trình cấp trên phê duyệt khoản vay.

Về phía lãnh đạo ngân hàng, bà Trần Thị Hoa (Phó giám đốc Chi nhánh Hà Nội) và một số cán bộ NCB đã không kiểm tra, phát hiện hồ sơ vay vốn này "có vấn đề" trước khi phê duyệt cấp tín dụng. Từ đó, Hà Thành và Tùng chiếm đoạt của Ngân hàng NCB 19 tỷ đồng.

Cũng với thủ đoạn như trên, từ ngày 29/6/2018 đến 21/8/2018, Nguyễn Thị Hà Thành và Nguyễn Thanh Tùng đã nhiều lần lập khống hợp đồng với Công ty Eurocell (đã chấm dứt hoạt động năm 2017), giả mạo chữ ký của nhiều người để qua mặt nhà băng, chiếm đoạt thêm 28,5 tỷ.

Tại PVcomBank, tháng 10/2018, ông Toàn nhờ Hà Thành tìm giúp một ngân hàng để cấp tín dụng khi tham gia đấu giá dự án khu đô thị ở Thanh Hóa. Thông qua người quen là Nguyễn Thị Thu Hương (cán bộ VietABank), Thành được ông Đỗ Minh Đức (Giám đốc trung tâm thuộc PVcomBank) đồng ý giúp cho vay vốn.

Biết ông Toàn có tiền, Thành đã nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Theo cáo buộc, sau khi đề nghị ông Toàn gửi tiết kiệm 52 tỷ đồng vào PVcomBank, Hà Thành đã hỏi vay số tiền này bằng cách giữ các sổ tiết kiệm của ông Toàn. Sau đó, Thành được ông Đỗ Minh Đức và cán bộ nhà băng hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn.

Quá trình chuẩn bị hồ sơ, Hà Thành cùng Tùng tiếp tục lập khống các hợp đồng kinh tế, giả mạo chữ ký của vợ chồng ông Toàn. Cuối cùng, họ được PVcomBank cho vay 49,4 tỷ đồng.

Chiếm đoạt 273 tỷ của VietABank

Năm 2017, Hà Thành nói với người quen là chị Thu (quê Tuyên Quang) cho vay 5 tỷ đồng để cùng Thành (đã có 5 tỷ) gửi tiết kiệm và đồng sở hữu sổ vay trị giá 10 tỷ tại VietABank.

Ngày 5/6/2018, sau khi chị Thu đồng ý, Thành dẫn người này đến Phòng giao dịch Đông Đô của VietABank để nộp 5 tỷ và làm thủ tục mở sổ tiết kiệm đồng sở hữu 10 tỷ đồng.

Phiên xử diễn ra tại trụ sở mới của TAND Hà Nội trên đường Nguyễn Xiển. Ảnh: H.L.

Theo VKSND, quá trình thẩm định hồ sơ, Đặng Thị Quỳnh Hương (Trưởng phòng Khách hàng cá nhân VietABank) mặc dù không có khả năng cho vay nhưng bị can đã giúp Hà Thành hoàn tất thủ tục.

Ngoài ra, Thành được bị can Nguyễn Thị Thu Hương (cán bộ VietABank) và kiểm soát viên Nguyễn Mai Phương hỗ trợ. Sau đó, bộ hồ sơ được bị can Quản Trọng Đức (Trưởng phòng giao dịch Đông Đô) ký phê duyệt.

Cơ quan tố tụng xác định trên thực tế, sổ tiết kiệm được mở chỉ có giá trị 5 tỷ đồng. Đây là số tiền của chị Thu, song người phụ nữ không hay biết điều này. Cùng ngày 5/6, sau khi Phòng giao dịch Đông Đô phát hành sổ tiết kiệm trị giá 5 tỷ nêu trên, bị can Thành đề nghị Nguyễn Thị Thu Hương hỗ trợ làm thủ tục thế chấp cuốn sổ để cho Thành vay 4,5 tỷ.

Với sự giúp sức của nhóm cán bộ VietABank, Thành có được bộ chứng từ vay tiền. Khi nhân viên giao dịch cần chữ ký của chị Thu, Thành đã mang giấy tờ ra ngoài rồi giả chữ ký của chị Thu. Sau khi được phía nhà băng phê duyệt và giải ngân, bị can Thành đã rút được 4,5 tỷ đồng.

Đáng chú ý, quá trình xét duyệt giấy tờ do cấp dưới trình ký, bị can Quản Trọng Đức không kiểm tra trên hệ thống, không phát hiện giá trị sổ tiết kiệm chỉ có 5 tỷ nên đã ký đồng ý cho ủy quyền. Như vậy, bằng thủ đoạn giả chữ ký, siêu lừa Hà Thành đã chiếm đoạt 5 tỷ đồng của chị Thu và 4,5 tỷ của VAB.

Ngoài vụ việc trên, cáo trạng xác định từ tháng 7 đến tháng 11/2018, Hà Thành còn dẫn nhiều người đến VietABank, giả mạo chữ ký của họ và cấu kết với nhóm cán bộ nhà băng để chiếm đoạt của ngân hàng hơn 273 tỷ đồng và hơn 60 tỷ đồng của các cá nhân.

Phiên xử Nguyễn Thị Hà Thành và 24 bị cáo khác về các tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, Cho vay lãi nặng và Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến ngân hàng diễn ra tại TAND Hà Nội từ ngày 4 đến 14/5.

Sáng nay (5/5), đại diện VKSND Hà Nội tiếp tục công bố cáo trạng vụ án.

Tác giả: Hoàng Lam

Nguồn tin: zingnews.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP