Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam - BIDV (BID) vừa có tờ trình xin ý kiến cổ đông thông qua nội dung sửa đổi Điều lệ quy định người đại diện theo pháp luật từ Tổng Giám đốc như hiện nay sang Chủ tịch HĐQT.
Nếu được cổ đông (hiện Nhà nước chiếm hơn 95%) thông qua, BIDV sẽ trở về với mô hình người đại diện pháp luật là chủ tịch HĐQT như thời ông Trần Bắc Hà còn lèo lái con thuyền BIDV.
Đây là một tín hiệu cho thấy, rất có thể BIDV sẽ sớm có chủ tịch sau một thời gian kéo dài hơn 2 năm mà vị trí quyền lực số một của một ngân hàng hàng đầu Việt Nam bị bỏ trống sau những biến động tại ngân hàng này liên quan tới ông Trần Bắc Hà.
Hồi đầu tháng 6, UB Kiểm tra TƯ kết luận những vi phạm của ông Trần Bắc Hà là rất nghiêm trọng, phải xử lý kỷ luật. Vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy BIDV nhiệm kỳ 2010-2015, 2015-2020 và một số cán bộ BIDV thời đó là nghiêm trọng.
Nguyên chủ tịch BIDV Trần Bắc Hà. |
Sau khi ông Trần Bắc Hà nghỉ hưu, (tháng 9/2016), ông Trần Anh Tuấn được giao phụ trách điều hành hoạt động của ngân hàng, nhưng đến 1/5/2018, ông Tuấn cũng đã thôi nhiệm theo chế độ nghỉ hưu. Gần đây, ông Bùi Quang Tiên được bầu làm ủy viên phụ trách điều hành hoạt động của HĐQT BIDV. Ông Tiên là người đại diện cho 30% vốn của nhà nước tại ngân hàng này.
Trước đó, ông Phạm Quang Tùng (sinh năm 1971) đã được bầu vào HĐQT với tư cách thành viên sau khi ông này được điều động trở về từ Ngân hàng Phát triển Việt Nam (VDB) hồi cuối năm ngoái. Trước khi sang làm chủ tịch VDB vào tháng 6/2016, ông Tùng là Phó tổng giám đốc BIDV.
Bên cạnh nội dung xin chuyển đổi người đại diện pháp luật, BIDV cũng có trình xin ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán cổ phần và tăng vốn điều lệ thông qua phát hành cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư chiến lược nước ngoài.
Theo đó, tỷ lệ cổ phần phát hành cho nhà đầu tư nước ngoài (Ngân hàng KEB Hana Bank của Hàn Quốc) dự kiến là 15% quy mô vốn điều lệ sau khi phát hành, tương đương 17,65% vốn điều lệ hiện tại. Giá trị cổ phần phát hành theo mệnh giá là hơn 6 ngàng tỷ đồng.
Sau khi phát hành thành công, vốn điều lệ của BIDV sẽ tăng lên trên 40 ngàn tỷ đồng. Sở hữu của Nhà nước sẽ giảm xuống 80,99%.
Sau một chuỗi ngày giảm giá, cổ phiếu BID trong 2 phiên gần đây tăng mạnh, trong đó có 1 phiên tăng trần.
BIDV hiện là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất trong hệ thống với khoảng 1,27 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt hơn 7,2 ngàn tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm.
Cách đây hơn 2 tháng Moody’s nâng hạng tín nhiệm đối với BIDV và đánh giá "Chính phủ Việt Nam có khả năng hỗ trợ rất cao" đối với BIDV khi cần thiết.
Trên thị trường chứng khoán (TTCK), các cổ phiếu biến động trái chiều, chịu tác động trên thế giới và nỗi lo sợ cũng như ham muốn bắt đáy ở các nhà đầu tư trong nước. Trong phiên đầu tháng 11, sức cầu bắt đáy không đủ át nỗi e ngại thị trường có thể đảo chiều, khiến VN-Index mất 7 điểm.
Kết quả kinh doanh ấn tượng của nhiều doanh nghiệp cũng như tin tốt đến với nhiều ngân hàng đã giúp thị trường ổn định trở lại sau nhiều phiên bán tháo cuối tháng 10. Tuy nhiên, triển vọng bất định về dài hạn khiến dòng tiền khá thận trọng.
Một số công ty chứng khoán (CTCK) có những cái nhìn thận trọng trong các dự báo.
Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, tại vùng hỗ trợ 895-900 điểm, chỉ số được kỳ vọng sẽ cho phản ứng hồi phục trở lại. Tuy nhiên, BVSC cũng lưu ý rằng, thị trường có thể sẽ cần thêm thời gian tích lũy trước đi phát đi những tín hiệu rõ nét hơn về hướng đi kế tiếp.
BSC cho rằng, thị trường vẫn chưa có dấu hiệu hồi phục rõ ràng, dòng tiền chủ yếu đổ vào VN30, nhà đầu tư nên cẩn trọng chờ đợi tín hiệu trong thời gian tới.
Đóng cửa phiên giao dịch ngày 1/11, Vn-Index giảm 6,8 điểm xuống 907,96 điểm; HNX-Index giảm 1,99 điểm xuống 103,37 điểm. Upcom-Index giảm 0,47 điểm xuống 51,31 điểm. Thanh khoản toàn thị trường đạt 220 triệu đơn vị, trị giá 6,9 ngàn tỷ đồng.
Tác giả: V. Hà
Nguồn tin: Báo VietNamNet