Trong tỉnh

Quỳnh Lưu: Xây dựng mô hình nuôi cá lóc thâm canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm

Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu vừa tổ chức hội thảo đánh giá mô hình nuôi cá lóc thâm canh mật độ cao gắn với bao tiêu sản phẩm.

Các đại biểu tham quan mô hình nuôi cá lóc thâm canh mật độ cao.

Năm 2019, được sự hỗ trợ về kinh phí của cấp trên, Trạm khuyến nông huyện Quỳnh Lưu đã khảo sát, lựa chọn 2 hộ nuôi cá điển hình tại xã Quỳnh Hưng là ông Bùi Văn Thỏa ở xóm 11 và ông Phạm Văn Phú xóm 9, để xây dựng mô hình nuôi cá lóc thâm canh mật độ cao gắn với tiêu thụ sản phẩm. Đầu tháng 4, Trung tâm khuyến nông huyện đã hỗ trợ cùng với các gia đình tiến hành thả hơn 15 vạn con giống cá lóc mõm nhím An Giang, trên diện tích 2.500 m2 ao nuôi của hộ ông Bùi Văn Thỏa, với mật độ 60 - 80 con/ m2. Đồng thời, thả 2,5 vạn con giống tại hộ ông Phạm Văn Phú, với mật độ nuôi là 20 con/ m2. Trong quá trình nuôi, được sự giúp đỡ của cán bộ Trạm khuyến nông về kỹ thuật chăm sóc, điều chỉnh tăng lượng thức ăn có độ đạm phù hợp. Đồng thời, cách phòng và điều trị một số bệnh ở loại cá này như lở ghẻ, đốm đỏ, gan thận mủ, giun sán ký sinh trong ruột, dùng chế phẩm sinh học để làm sạch môi trường trong ao nuôi.

Sau hơn 6,5 tháng thả nuôi, cá lóc sinh trưởng và phát triển tốt, sản lượng ước đạt trên 10 tấn.

Đến nay, qua hơn 6,5 tháng thả nuôi, cá lóc đều sinh trưởng và phát triển tốt. Ở ao nuôi của ông Bùi Văn Thỏa sản lượng cá ước đạt 37,8 tấn, với giá nhập hiện tại là 48 – 50 nghìn đồng/ kg thì sẽ đem về cho gia đình tổng doanh thu 2,5 tỷ đồng, trừ chi phí thì còn lãi hơn 900 triệu đồng. Còn đối với hộ ông Phạm Văn Phú, sản lượng ước đạt trên 10 tấn, doanh thu gần 500 triệu đồng, lãi ròng trên 150 triệu đồng. Thông qua mô hình nhằm mục tiêu tạo chuỗi liên kết nuôi cá lóc, đầu vào được kiểm soát, đầu ra được bao tiêu với giá hợp lý, ổn định gắn với quy trình kỹ thuật tiên tiến, từng bước xây dựng nên thương hiệu cho sản phẩm thủy sản Quỳnh Lưu.

Quang cảnh hội thảo.

Với những hiệu quả bước đầu của sản phẩm, tại hội thảo Quỳnh Lưu đề nghị cấp trên hỗ trợ kinh phí để huyện xây dựng hoàn thiện chuỗi liên kết nuôi, chế biến và tiêu thụ sản phẩm giữa nông dân và doanh nghiệp để giải quyết khó khăn về thị trường, tránh tình trạng bị tư thương ép giá. Đồng thời, cũng mong Nhà nước có cơ chế, chính sách tạo điều kiện cho người nuôi được vay vốn ưu đãi phục vụ sản xuất.

Tác giả: Hồng Diện

Nguồn tin: Truyền hình Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP