Về Kim Liên tháng 5
Tháng 5 này, hàng trăm ngàn lượt du khách đã tìm về Khu Di tích Quốc gia đặc biệt Kim Liên. Theo ước tính của Ban Quản lý khu di tích, mỗi năm nơi đây đón khoảng gần 2 triệu lượt khách. Những hướng dẫn viên trong tà áo dài nhẹ nhàng tha thướt, giọng nói truyền cảm đậm chất Nghệ kể lại những câu chuyện về cuộc sống giản dị, thanh bần của Người cùng gia đình. Chị Nguyễn Thị Thanh, du khách đến từ thành phố Hồ Chí Minh xúc cảm: Về đây ai nấy đều rưng rưng xúc động. Ngắm nhìn những kỷ vật thiêng liêng, được nghe những câu chuyện gắn liền với tuổi ấu thơ của Bác, trước sự hy sinh vĩ đại của Bác, tôi thấy mình cần cố gắng nhiều hơn để xây đắp cuộc sống hôm nay.
Về làng Sen hôm nay, đã thấy rạo rực những điều tươi mới. Những con đường láng mịn, thông thoáng; những công trình trường, trạm kiên cố, đồ sộ không ngừng mọc lên; hàng quán dịch vụ mở mang; cánh đồng mẫu lớn thẳng cánh cò bay. Bà Nguyễn Thị Hương, 52 tuổi - nông dân xóm Hồng 1, xã Kim Liên chia sẻ: “Mấy năm gần đây, thực hiện xây dựng nông thôn mới nên diện mạo xã có nhiều đổi mới. 100% đường xã đã bê tông hoá; trạm y tế, trường học được xây mới; xóm nào cũng có mô hình nuôi trồng cho thu nhập cao, văn hóa, ứng xử của người dân ngày càng văn minh, nền nã”.
Kết cấu hạ tầng được tăng cường và phát huy hiệu quả; hàng hóa phục vụ sản xuất và tiêu dùng ngày càng đa dạng phong phú; phong trào thi đua yêu nước được nhân dân trong xã hưởng ứng mạnh mẽ. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất toàn xã đạt hơn 321 tỷ đồng, tăng 5,33% so với năm 2015; thu ngân sách đạt hơn 5,7 tỷ đồng; vượt kế hoạch 108%; thu nhập bình quân năm 2016 đạt 35,1 triệu đồng/người... Năm 2017 này, xã Kim Liên đặt ra mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng về giá trị sản xuất hơn 10%; thu ngân sách trên địa bàn tăng hơn 204%; giữ vững 20 xóm đã đạt xóm văn hóa và công nhận một xóm mới; 88% gia đình văn hóa; 92% xóm văn hóa.
Chủ tịch UBND xã Kim Liên Trần Lê Chương cho hay: Để đạt được các mục tiêu đề ra, xã tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện bộ tiêu chí Nông thôn mới kiểu mẫu của tỉnh Nghệ An (hiện xã Kim Liên đã cơ bản đạt 15/19 tiêu chí). Xã sẽ tiếp tục thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa; tạo bước đột phá về phát triển dịch vụ, du lịch bằng việc chú trọng kết hợp giữa di tích lịch sử - văn hóa - du lịch, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hoặc các cá nhân đầu tư hệ thống xe điện, nhà hàng ăn uống, cửa hàng bán đồ lưu niệm và xây dựng điểm tập kết phục vụ du khách; phục dựng nhiều công trình kiến trúc văn hóa vật thể và phi vật thể.
Tháng 5 này, mỗi người dân làng Sen, đội ngũ cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân Kim Liên đang ra sức thực hiện tốt phần việc của mình để xây dựng quê hương - mừng sinh nhật Bác, đó là: giữ gìn nếp sống, phẩm chất của người làng Sen - Hoàng Trù; xây dựng văn hóa ứng xử, hình ảnh văn minh, thân thiện, mến khách; khôi phục câu lạc bộ, tập luyện hát ví, giặm, phường vải; giữ gìn đường thôn, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ; vun đắp cảnh quan quê mình bằng việc làm bờ rào xanh và xây dựng vườn sinh thái, trồng trong vườn các loại cây ăn quả truyền thống để có sản phẩm phục vụ cho du khách.
Nam Đàn phấn đấu kiểu mẫu
Định hướng phát triển xã kiểu mẫu Kim Liên đã được tỉnh Nghệ An xác định rõ: Xây dựng, phát triển theo hướng vừa bảo tồn văn hóa truyền thống làng quê, vừa văn minh, hiện đại; Vừa bảo tồn, phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hóa, vừa khuyến khích, tạo điều kiện cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, hiện Đảng bộ và nhân dân huyện Nam Đàn đã và đang ra sức xây dựng huyện nông thôn mới kiểu mẫu với kinh tế phát triển, cơ cấu hợp lý, dân trí cao, đời sống của nhân dân đạt trên mức bình quân cả tỉnh. Đến năm 2020, huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người đạt 70 - 75 triệu đồng/năm.
Ông Nguyễn Xuân Quế - Chủ tịch UBND huyện cho biết: Nam Đàn đang ra sức xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh và nhân lực chất lượng; xây dựng khối đoàn kết lương - giáo đồng thuận; đẩy mạnh việc thu hút các nguồn lực đầu tư, từ ngân sách Nhà nước, vốn đầu tư của doanh nghiệp và nguồn vốn xã hội hóa; phát triển đề án nông nghiệp công nghệ cao gắn với các chính sách thu hút các doanh nghiệp cùng đồng hành với nông dân; quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp công nghệ cao.
Về phát triển du lịch, huyện tập trung khai thác, phát huy Khu Di tích đặc biệt cấp Quốc gia Kim Liên và phát triển mạng lưới du lịch tâm linh như khu lăng mộ, đền thờ Vua Mai Hắc Đế, chùa Đại Tuệ; tập trung xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng, trọng tâm, trọng điểm, từng bước tạo thương hiệu “Du lịch Nam Đàn thân thiện, mến khách”.
Những ngày vừa qua, huyện đã phối hợp tốt với các ngành của tỉnh tổ chức thành công Lễ hội Làng Sen 2017. Điểm nhấn của Lễ hội Làng Sen năm nay là chương trình nghệ thuật “Những đài hoa dâng Bác” trong đêm khai mạc lễ hội và Hội diễn văn nghệ quần chúng “Câu hò nối những dòng sông”. Các chương trình đều được dàn dựng công phu bằng ngôn ngữ và hình tượng nghệ thuật ca múa nhạc.
Với tấm lòng kính yêu Bác vô hạn, hơn 300 nghệ sĩ của 9 đoàn nghệ thuật quần chúng từ khắp nơi trên cả nước đã đem hết tài năng, tâm sức của mình biểu diễn những ca khúc, điệu múa đặc sắc vùng, miền ngợi ca công lao của Bác, thể hiện lòng biết ơn của nhân dân ta đối với Người. Trong không khí bồi hồi, phấn khởi, lễ hội đã thu hút nhiều tầng lớp nhân dân không chỉ trong huyện, trong tỉnh mà nhân dân cả nước, kiều bào nước ngoài, du khách quốc tế tham dự.
Tháng 5 năm này, không chỉ ở xã Kim Liên, huyện Nam Đàn mà khắp Việt Nam đang có những hành động thiết thực làm theo tấm gương đạo đức của Người. Người dân Nghệ An thì nhắc nhớ nhau về niềm mong mỏi quê hương phát triển của Bác trong lần về thăm quê thứ nhất vào ngày 16/6/1957: "Cán bộ và nhân dân Kim Liên làm tốt, Kim Liên xây dựng được xã kiểu mẫu, Bác sẽ về thăm lần nữa...".
Nguồn: Báo Nghệ An