Biên bản ghi lời nhưng không có chữ ký của Điều tra viên
Sau 2 lần hoãn phiên tòa vì nhân chứng vắng mặt, ngày 27/12/2019, TAND huyện Tĩnh Gia, Thanh Hóa đã xét xử công khai vụ án “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo là Lê Thảo Nguyên, (cán bộ trường Đào tạo bồi dưỡng cán bộ Quản lý Thông tin và Truyền thông), gười bị hại là ông Hà Trọng Tân và vợ là bà Mai Thị Tuyết.
Ngay từ đầu phiên tòa, luật sư (LS) Nguyễn Văn Dũ, đoàn LS TP Hồ Chí Minh, người bào chữa cho bị cáo Lê Thảo Nguyên đã đề nghị HĐXX hoãn phiên tòa, vì ông Hà Trọng Tân vắng mặt.
Ông Hà Trọng Tân với vai trò là người bị hại đồng thời là nhân chứng quan trọng trong vụ án. Thế nhưng, HĐXX đã bác bỏ lời đề nghị của vị LS.
Vị LS nêu: “Việc HĐXX không chấp nhận ý kiến của tôi, tôi đề nghị thư ký tòa ghi vào biên bản, vì đây là hành vi không đàng hoàng của ông Tân”.
Tại phần xét hỏi, bị cáo Nguyên trình bày: “Câu chuyện bắt đầu từ tình thầy trò cũ. Ông Hà Trọng Tân có con trai là anh Hà Phương nên muốn nhờ học trò cũ của mình là bị cáo Lê Thảo Nguyên lo việc cho con trai mình ở Hà Nội.
Điều đáng nói là bộ hồ sơ của ông Tân đưa cho bị cáo lại là hồ sơ giả, bằng giả, công chứng giả. Vì thế, bị cáo không thể lo việc cho anh Hà Phương bằng bộ hồ sơ này.
Thế nhưng, ông Tân vẫn muốn con trai mình làm việc ở Hà Nội, nên đưa cho bị cáo số tiền là 300 triệu đồng để lo việc cho anh Hà Phương.
Mặc dù ông Tân không yêu cầu viết giấy, nhưng là người đàng hoàng, bị cáo đã viết giấy nhận tiền đưa cho ông Tân. Tại thời điểm đó, bị cáo có nhà hàng hải sản Tĩnh Gia ở Nguyễn Phong Sắc Hà Nội nên đã để anh Hà Phương vào làm việc.
Làm được một thời gian anh Hà Phương bỏ về quê lấy vợ, bị cáo đã trả lại tiền cho ông Tân. Bị cáo đề nghị HĐXX đưa 02 chiếc ĐT mà Cơ quan điều tra thu giữ khi khám nhà và nơi làm việc của bị cáo, để minh chứng trong đó có những cuộc trao đổi của bị cáo với ông Tân, về việc đã trả lại số tiền 300 triệu đồng.
Thế nhưng, HĐXX và vị đại diện thực hành quyền công tố không có ý kiến gì về nội dung này.
“Tại bút lục 193, ông Tân đã thừa nhận là bị cáo, cùng bố bị cáo nhiều lần muốn trả tiền cho ông Tân, ông Tân nói vì bị cáo chưa đưa hết tiền nên tôi chưa đưa giấy tờ gốc ra.
Sự thật, tôi đã trả tiền rồi nhưng ông Tân vẫn đòi, vì danh dự, bị cáo cùng cha đẻ là ông Lê Trương Ngọc đến nhà ông Tân để trả tiền một lần nữa và đề nghị ông Tân đưa giấy tờ gốc ra nhưng ông Tân không xuất trình được tờ giấy gốc.
Vì sao ông Tân không thể đưa ra tờ giấy gốc? Ngay tại tòa hôm nay, tôi đề nghị ông Tân đưa tờ giấy gốc ra đây, tôi sẽ trả tiền ngay tại tòa”, bị cáo đặt câu hỏi.
Mặc dù, tại phiên tòa, LS bào chữa cho bị cáo Lê Thảo Nguyên là LS Trần Đình Triển và LS Bùi Thị Thủy, văn phòng luật sư Vì Dân, đoàn LS TP Hà Nội đưa ra những lập luận, căn cứ để minh chứng cho thân chủ của mình là không có hành vi lừa đảo. Mà ngay từ đầu, ông Tân đã có hành vi gian dối đưa ra bộ hồ sơ giả để nhằm hãm hại bị cáo.
LS Triển phân tích; “Tội lừa đảo phải thỏa mãn 2 thuộc tính cơ bản đó là có hành vi gian dối ngay từ đầu và đã chiếm đoạt tài sản của cá nhân, tổ chức. Trong khi bị cáo Thảo Nguyên không gian dối cũng không chiếm đoạt tài sản của bị hại. Vậy căn cứ nào để quy kết bị cao Nguyên tội lừa đảo?
Điểm mấu chốt mà vị LS đưa ra là các giấy tờ mà ông Hà Trọng Tân đưa cho bị cáo Thảo Nguyên đều là giấy tờ giả, bằng giả, công chứng giả.
Cụ thể, Trong bộ hồ sơ có nêu, anh Hà Phương học đại học Kinh Tế Quốc Dân, nhưng tại tòa anh Hà Phương thừa nhận mình không học đại học Kinh Tế Quốc Dân. Trong khi đó, bộ hồ sơ ông Tân đưa cho bị cáo chứng nhận anh Hà Phương tốt nghiệp đại học Kinh Tế Quốc Dân. Vậy ai là người gian dối”?
LS Bùi Thị Thủy nêu: “Khi lấy lời khai của bị hại là bà Mai Thị Tuyết, ngày 28/6/2018, tại Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thanh Hóa (bút lục 154) Điều tra viên là Lê Anh Tuấn, cán bộ điều tra là Dương Đình Thông.
Kết thúc biên bản lấy lời khai của bà Mai Thị Tuyết chỉ có chữ ký của bà Mai Thị Tuyết và cán bộ điều tra là Dương Đình Thông mà không có chữ ký của Điều tra viên là Lê Anh Tuấn. Một biên bản như vậy có đủ căn cứ để kết tội bị cáo Lê Thảo Nguyên”?
Về nội dung này vị đại diện Viện kiểm sát không có câu trả lời.
LS Triển đặt câu hỏi, có 02 (hai) giấy nhận tiền, có cùng nội dụng bị cáo Thảo Nguyên viết đưa cho ông Tân nhưng 01 tờ có chữ ký của bà Tuyết còn 01 tờ không có chữ ký của bà Tuyết, tôi xin hỏi bà Tuyết đâu là giấy thật? Bà Tuyết không có câu trả lời. Kiểm sát viên không tranh tụng về nội dung này.?
Bà Tuyết có khai với cơ quan điều tra là số tiền 300 triệu đồng đưa cho bị cáo Thảo Nguyên lo việc cho anh Hà Phương là do gia đình bà đi vay ở Ngân hàng. LS đã đưa ra căn cứ xác minh của Ngân hàng khẳng định, bà Tuyết không có giao dịch với Ngân hàng. Bà Tuyết cũng không có câu trả lời.
Không chỉ bị cáo mà các LS cũng đề nghị HĐXX cung cấp 02 điện thoại (mà trước đó cơ quan chức năng đã thu của bị cáo Thảo Nguyên) ra trước tòa để làm căn cứ.
Thế nhưng, HĐXX không cung cấp. Đồng thời, vị luật sư đưa ra bộ hồ sơ giả có chữ ký của anh Hà Phương, (gồm sơ yếu lý lịch, bằng cấp … ) và đề nghị HĐXX khởi tố vụ án làm giả con dấu tài liệu của Cơ quan Nhà nước ngay tại Tòa. Tuy nhiên, HĐXX và vị đại diện viện kiểm sát đều... phớt lờ tình tiết này. Vì sao?.
Một phiên tòa mà bị hại không đưa ra được căn cứ để minh chứng, đại diện Viện kiểm sát không tranh tụng, không đối đáp với những ý kiến, những căn cứ mà LS đưa ra, thử hỏi, đó có phải là một phiên tòa xét xử hay không?
Cũng tại phiên tòa, nước mắt của bị cáo Thảo Nguyên đã rơi khi được nói lời sau cùng: “Gia đình tôi là một gia đình truyền thống, ông nội tôi là thầy giáo, cha tôi và tôi cũng là thầy giáo.
Ông nội tôi, cha tôi đều dạy tôi làm người tử tế, chỉ vì mâu thuẫn cá nhân giữa tôi và ông trưởng Công an huyện Tĩnh Gia mà hậu quả tôi phải hầu tòa...
Mặc dù bi hại có nhiều lời khai bất nhất, hồ sơ giấy tờ giả thật lẫn lộn, kiểm sát viên không đối đáp được với luật sư. Nhưng Tòa vẫn tuyên án đối với bị cáo Lê Thảo Nguyên, mức án là 9 (chín) năm tù.
Phapluatplus.vn tiếp tục đưa tin về diễn biến của vụ án./.
Tác giả: Lương Liễu
Nguồn tin: Pháp luật Plus