Trong nước

Ông Mai Tiến Dũng: Chưa thể nói trước dừng hay kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội

Trao đổi với Tiền Phong, ông Mai Tiến Dũng cho biết, việc thực hiện cách ly xã hội vẫn duy trì cho đến hết ngày 15/4. Song nếu phát sinh ổ dịch nào đó hoặc diễn biến phức tạp thì không thể dừng được mà cần tiếp tục thực hiện.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng (ảnh Văn Kiên)

“Chuẩn bị kịch bản để ứng phó với làn sóng thứ 2 có thế xảy ra”

(?) Phóng viên: Tại cuộc họp mới đây, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan trên chiến thắng và phải chuẩn bị kịch bản để ứng phó với làn sóng thứ 2 có thể bùng phát của dịch COVID-19. Vậy Chính phủ chuẩn bị gì cho công tác phòng, chống đối với làn sóng lây nhiễm thứ 2 có thể xảy ra?

+ Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng: Trong từng thời điểm, Chính phủ luôn có kịch bản chặn nguồn lây nhiễm từ bên ngoài. Ví dụ như Chính phủ tuyên bố dừng nhập cảnh với tất cả người nước ngoài vào Việt Nam, dừng các chuyến bay đến các nước có dịch. Tất cả người nước ngoài về Việt Nam và người Việt Nam ở nước ngoài về nước đều phải cách ly, đây là chuẩn bị hết sức quan trọng. Nếu ta không làm tốt mà cắt hết nguồn lây nhiễm từ ngoài vào thì ta không quản lý được.

Thứ hai, Chính phủ cũng chỉ đạo xem tất cả vấn đề liên quan đến các trường hợp lây nhiễm mới, ví dụ như ở Thành phố Hồ Chí Minh thì có ổ dịch quán bar Buddha, ở Hà Nội thì có ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai. Chúng ta phải tìm tất cả F0, F1, F2 để cách ly tập trung và cách ly tại nhà…

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng

Hôm trước, chủ trì cuộc họp, Thủ tướng kết luận phải duy trì và thực hiện nghiêm chỉ thị 16. Thời điểm cách ly xã hội vẫn duy trì cho đến hết ngày 15/4, coi đây là giải pháp rất căn cơ, quan trọng nhất. Nếu làm nghiêm quy định trong Chỉ thị 16 sẽ ngăn ngừa lây trong cộng đồng và lây chéo.

Còn việc có kéo dài thời gian cách ly toàn xã hội qua ngày 15/4 hay không? Cái này phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh, nếu không có trường hợp ngoài mong muốn thì thực hiện đến 15/4 thôi. Song nếu phát sinh ổ dịch nào đó hoặc diễn biến phức tạp thì không thể dừng được mà cần tiếp tục thực hiện. Lúc đó phải tùy tình hình, đưa ra phương án ứng phó kịp thời, chúng ta chưa dám nói trước gì cả.

Chống dịch song không được “ngăn sông, cấm chợ”

(?) Sau khi Chỉ thị 16 có hiệu lực, bên cạnh những mặt tích cực thì trong quá trình thực hiện cũng có những cách làm mang tính “ngăn sông cấm chợ”, ảnh hưởng rất lớn đến người dân, doanh nghiệp. Chính phủ nhìn nhận gì về ứng xử đó ở địa phương?

+ Trong khi chúng ta chưa đến mức phải công bố tình trạng khẩn cấp về y tế, chưa đến mức công bố thiết quân luật hay phong tỏa, thì việc ban hành Chỉ thị 16 để thực hiện “cách ly toàn xã hội”, ngăn chặn dịch Covid-19 lan ra cộng đồng và lây chéo là điều hết sức cần thiết.

Song như tôi đã nhiều lần nói, Chỉ thị 16 của Thủ tướng có những việc chưa có tiền lệ nên trong quá trình thực hiện cũng có vấn đề này, vấn đề kia. Có địa phương đau đáu quyết tâm ngăn ngừa dịch nên hiểu khái niệm “thôn cách ly thôn, xã cách ly xã” chưa chuẩn. Người ta cát cứ cho rằng quản lý chia nhỏ theo địa phận, cát cứ ở địa phương. Rồi ngay cả việc khi phương tiện từ về thì tỉnh không cho vào. Riêng đêm ngày mùng 1 và 2/4 máy tôi liên tục nóng, các cơ quan báo chí quan tâm gọi điện liên tục.

Sau khi có những chuyện như vậy thì Thủ tướng giao Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến của Thủ tướng để giải thích, hướng dẫn rõ hơn về Chỉ thị 16. Tôi cho rằng đó là việc chưa có thông lệ nên còn cách hiểu khác nhau. Sau khi có văn bản hướng dẫn và báo chí thông tin thì đến nay cơ bản địa phương đều đồng tình. Như Hải Phòng cách ly nhưng ngân sách tự chi trả.

Chúng ta chống dịch nhưng không được ngăn sông cấm chợ, không được làm các rào cản giao thông trên đường. Làm như vậy sẽ đình trệ hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết, chưa thể nói trước việc có tiếp tục thực hiện cách ly toàn xã hội sau ngày 15/4 hay không

(?) Hiện nay nhiều địa phương cho rằng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là vùng dịch nên ứng xử với người dân từ nơi này đến như người đến từ vùng dịch. Vậy hiểu như thế nào là vùng dịch trong những trường hợp này?

+ Khi Thủ tướng công bố dịch trên toàn quốc thì có nơi cho rằng Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay có số ca nhiễm lớn nên cho rằng đó là vùng dịch. Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số ca nhiễm lớn, có 2 ổ dịch lớn là Bệnh viện Bạch Mai và quán bar Buddha.

Như Bệnh viện Bạch Mai số người liên quan vô cùng nhiều, nếu không làm tốt thì không thể lường được. Họ quan niệm vùng dịch vì Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có số ca nhiễm nhiều nhất. Những người từ các địa phương này về sẽ bị cách ly 14 ngày và tự trả chi phí cách ly.

Vì thế, trong phiên họp Thường trực Chính phủ vừa rồi Thủ tướng cũng nói các địa phương phải nghiên cứu, thực hiện đúng quy định của pháp luật, vấn đề thu hay không thu phí phải có căn cứ, tạo thuận lợi cho dân.

Nhưng chúng ta có thể tin tưởng 1 điều, dù số ca nhiễm nhiều như thế nhưng chúng ta đã khoanh vùng, quản lý được. Số ca nhiễm ở khu cách ly tâp trung quản lý ngay, không để lây trong cộng đồng; còn ca nhiễm ngoài thì đã truy vết được nguồn gốc F1, F2.

Tác giả: VĂN KIÊN (THỰC HIỆN)

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP