Xã hội

Lời kể hãi hùng của thủy thủ thoát chết sau 7 giờ lênh đênh sóng dữ

"Nghe tin con rớt xuống biển, tôi cố bò ra cửa nhưng bị ngăn lại nên chỉ biết khóc, bởi nhảy xuống thì tôi cũng chết...", ông Đạm nghẹn ngào.

Máy phó 1 Phạm Văn Tỳ kể lại quá trình lênh đênh trên biển

Tàu chìm trong tích tắc

Sáng ngày 1/11, PV Báo Giao thông có mặt tại khu vực Cảng Hòn La (thuộc huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình). Sau khi được đưa vào bờ, 12 thành viên trên tàu Thành Công 999 (bị chìm trên vùng biển Hà Tĩnh) đã được bàn giao cho Trạm Biên phòng cửa khẩu Quốc tế cảng Hòn La trước khi bàn giao cho gia đình.

Là người duy nhất bị thương ở mắt và vùng cẳng chân đang được các bác sỹ quân y kiểm tra và theo dõi sức khỏe. Nằm trên giường, máy phó 1 Phạm Văn Tỳ (SN 1973, quê ở Hải Hậu, Nam Định) nhớ lại: Khoảng 11h40’ trưa ngày 31/10, tàu Thành Công 999 đang hành trình vào cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh) thì gặp sự cố máy lái.

“Lúc đó tàu cứ quay mũi hướng ra, anh em trên tàu xử lý mãi nhưng tàu vẫn không quay đầu vào. Được một lúc thì tàu bắt đầu nghiêng, lúc này tôi đang ở dưới hầm máy. Sau khi cố gắng xử lý lần nữa để tàu quay mũi vào bờ mãi nhưng không được và không thấy ai trên cabin xuống nên tôi quyết định đi lên”, anh Tỳ nhớ lại.

Khi anh Tỳ vừa lên đến cabin tàu thì thuyền trưởng Nguyễn Văn Thạnh (SN 1967) thông báo tàu không chịu được nữa. Các thành viên trên tàu phải nhanh chóng rời tàu. Tiếp lệnh, các thủy thủ và thành viên trên tàu nhanh chóng mặc áo phao, cầm phao tay và thả phao bè để xuống nước. Thời tiết lúc này bắt đầu có mưa, gió giật cấp 7 - 8, sóng biển cao từ 3 - 5m.

“Do sóng to và gió lớn nên còn tàu chìm rất nhanh. Chỉ trong tích tắc khoảng 3 phút là con tàu có tải trọng hơn 6.000 tấn đã chìm xuống mặt biển. Nếu anh em không nhanh chân xuống biển thì chắc đã chìm theo tàu xuống đáy biển…”, anh Tỳ hãi hùng nhớ lại.

Thuyền trưởng Nguyễn Văn Thạnh hãi hùng kể lại

Anh em cầm hơi động viên nhau

Sau khi xuống nước, 13 thành viên trên tàu Thành Công 999 liền bị sóng đánh dạt mỗi người một nơi. “Vừa xuống nước, chúng tôi đã bị sóng dữ dội đánh dạt ra. 2 người ngồi được trên phao bè, còn lại 11 người chỉ có áo phao và bám thêm 1 cái phao tròn. Anh em vẫn nhìn thấy nhau nhưng những cột sóng khổng lồ cứ liên tiếp ập đến vùi dập khiến mọi người không thể nào bơi đến gần nhau.

Sau hơn 3 giờ vật lộn, các thành viên mới bơi lại được gần nhau và dùng phao tròn kết lại với nhau thành 2 “phao bè” to (1 có 3 người và 1 có 7 người). Riêng anh Trần Văn Hùng (SN 1984, ở Lộc Hà) thì bị sóng đẩy ra xa. Lúc này chúng tôi có động viên nhau hoạt động ít để giữ sức và bình tĩnh vì đã báo cho các lực lượng chức năng biết tàu mình gặp nạn…”, thuyền trưởng Nguyễn Văn Thạnh (SN 1967) nhớ lại.

Cũng theo ông Thạnh, sau nhiều giờ lênh đênh trên biển hai thành viên trên phao bè được tàu cảnh sát biển CSB CSB 3005 phát hiện và ứng cứu. Những người còn lại vẫn lênh đênh trên biển, lúc này nhiều người đã bắt đầu có dấu hiệu đuối sức và tâm lý hoảng loạn.

Trong khi đó, trời bắt đầu mưa dày hạt, gió ngày một mạnh dần khiến tầm nhìn bị hạn chế nên việc phát hiện, tìm kiếm và cứu nạn của các tàu cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn. Thậm chí có những thời điểm tàu cứu nạn không thể ra khỏi cảng để tăng cường.

Sau hơn 4 giờ đồng hồ chống chọi với mưa bão, có những lúc các thành viên trong đoàn đã nghĩ đến cái chết. Đúng lúc này, tàu Great Lady đang hành trình đi ngang qua vùng tàu Thành Công 999 gặp nạn nhận được tin báo nên đã nhanh chóng triển khai phương án tìm kiếm cứu hộ.

Đến 17h25, tàu Great Lady cho biết phao bè có nhiều người ở tọa độ 17 độ 57 phút 55 N - 106 độ 34 phút 05 E. Ngay lập tức, tàu này đã chạy ra phía trước để chắn sóng đồng thời báo vị trí tọa độ cho tàu cảnh sát biển và các tàu cứu hộ khác tiệp cận.

“Anh em kết lại được lại với nhau nhưng sóng biển rất lớn, cao khoảng 4m cứ vùi liên tục nên rất khó phát hiện. May mắn sao tàu Great Lady là loại tàu trọng tải lớn, có kích thước to và rất cao nên dễ phát hiện hơn nhưng lại rất khó để tiếp cận để đưa anh em lên tàu”, máy trưởng Nguyễn Đức Thuận kể lại.

Cũng theo anh Thuận, sau khi phát hiện được anh em, tàu Great Lady liền di chuyển ra phía biển rồi neo lại để chắn sóng đồng thời báo vị trí tọa độ cho các tàu khác đến ứng cứu. Lúc này nhiều anh em đã rất mệt, có trường hợp bị chuột rút và đang đuối sức dần. Tranh thủ tàu Great Lady che chắn, 2 nhóm kết lại với nhau thành 1 “phao bè” to gồm có 10 người. Thành viên Trần Văn Hùng vẫn lạc một mình trên biển.

Máy phó 2 Nguyễn Văn Đạm

Biết con tuột xuống nước nhưng bất lực

Sau khi nhận được tin báo, tàu cảnh sát biển liền tăng tốc, đè lên những con sóng khổng lồ tiến về phía tàu Great Lady. Lúc này, trên mặt biển chỉ còn là màn đêm đen kịt.

Đến khoảng 18h46’, tối cùng ngày, tàu cảnh sát biển CSB 3005 tiếp cận được “phao bè” của 10 người. Tuy nhiên, do đêm tối cộng với mưa lớn và sóng gió nên việc tiếp cận và cứu những nạn nhân lên tàu gặp rất nhiều khó khăn.

“Mưa lớn, cộng với sóng gió mạnh nên tàu cảnh sát biển rất khó tiếp cận gần để lên thang dây. Sau nhiều lần tiếp cận bất thành, tàu cảnh sát biển quyết định ném dây để từng thành viên trên “phao bè” nắm lấy rồi kéo đến gần tàu sau đó theo thang dây lên tàu”, máy trưởng Nguyễn Đức Thuận kể.

Lần lượt, 9 thành viên trên “phao bè” được lên tàu an toàn. Duy chỉ trường hợp thủy thủ Nguyễn Thành Định (SN 1998, quê ở xã Hải Xuân, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định) - là con trai của máy phó 2 Nguyễn Văn Đạm trong lúc kéo dây thì bị rơi xuống nước và hiện đang mất tích, chưa tìm kiếm thấy.

Sau khi cứu được 9 thành viên lên tàu cảnh sát biển, thì tàu Great Lady tiếp tục phát hiện 1 áo phao đang dạt dần tàu. Đó là trường hợp của anh Trần Văn Hùng. Ngay sau đó, tàu cảnh sát biển liền tiếp cận và cứu anh Hùng. “Lúc đó mưa to, sóng từng đợt cứ nhấc lên rồi hụp xuống. Tôi cứ nghĩ là mình sẽ không sống nổi...”, anh Hùng nhớ lại.

Ngồi thất thần bên dãy ghế ở ban công trạm biên phòng máy phó 2 Nguyễn Văn Đạm đưa ánh mắt đỏ hoe nhìn về phía biển. Anh kể: Tôi là người ngồi gần dây kéo nhất nên được đưa lên tàu cảnh sát biển đầu tiên. Sau khi lên được tàu cứu hộ, tôi mệt quá nên được bác sỹ quân y đưa vào trong để xoa bóp. Một lúc sau tỉnh lại thì nghe tin đã cứu được 9 người lên, con trai tôi bị rớt xuống biển. Tôi cố bò ra cửa nhưng mọi người ngăn lại… Tôi chỉ biết nhìn ra biển và khóc, bởi nhảy xuống thì tôi cũng sẽ chết…

“Trước đó, cháu đã rất mệt và từng bị chuột rút nên tôi không dám hy vọng là con mình còn sống. Chỉ mong lực lượng chức năng sớm tìm ra cháu để đưa về… Trời ơi! Cháu là con trai một trong nhà”, ông Đạm nấc lên nghẹn ngào.

Như báo Giao thông đã đưa tin, vào lúc 11h40 ngày 31/10, Cảng vụ hàng hải Hà Tĩnh nhận được tin báo: Tàu Thành Công 999 có hành trình đi từ Thanh Hóa vào cảng Sơn Dương (Hà Tĩnh).

Khi đến tọa độ 18 độ 07 phút 44 vĩ độ Bắc; 106 độ 29 phút 13 kinh độ Đông (cách cảng Sơn Dương, Hà Tĩnh 10km), thì tàu gặp sự cố máy lái trong khi thời tiết trên biển rất xấu. Đến khoảng 11h53 cùng ngày (31/10), các thuyền viên thông báo rời tàu và tàu bị chìm.

Ngay sau khi nhận được tin báo, các lực lượng tìm kiếm cứu hộ đã tiếp cận, tìm kiếm các nạn nhân. Đến 18h46’ tối cùng ngày, lực lượng cứu hộ đã cứu được 12/13 thành viên trên tàu. Hiện công tác tìm kiếm, cứu nạn vẫn đang được triển khai tích cực, khẩn trương

Tác giả: Sỹ Hòa

Nguồn tin: Báo Giao thông

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP