Pháp luật

Có nên tạm gác thanh tra Vĩnh Phúc chờ điều tra xong?

Vừa phải tiếp đoàn thanh tra Bộ Xây dựng vừa phải phục vụ cơ quan điều tra có thể khiến công việc của UBND huyện và doanh nghiệp chững lại.

Sau việc việc đoàn thanh tra Bộ Xây dựng tại huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc vòi tiền, Bộ Xây dựng đã chấm dứt nhiệm vụ của năm thành viên cũ trong đoàn thanh tra, cử 13 thành viên mới tham gia đoàn thanh tra, để tiếp tục thực hiện thanh tra về hoạt động xây dựng ở Vĩnh Phúc.

Bày tỏ quan tâm đến vụ việc này, ông Lê Việt Trường, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, cho rằng, việc thanh tra nói trên là thanh tra định kỳ, theo kế hoạch hàng năm.

Trong trường hợp đoàn thanh tra cũ xảy ra chuyện "vòi tiền", cơ quan tố tụng đã vào cuộc thì Bộ Xây dựng ở thời điểm này nên tạm gác việc thanh tra lại, đợi cơ quan tố tụng xem xét kết luận điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành truy tố xét xử, sau đó tiến hành thanh tra lại cũng chưa muộn.

Bộ Xây dựng đã chấm dứt nhiệm vụ của năm thành viên cũ trong đoàn thanh tra, cử 13 thành viên mới tham gia đoàn thanh tra, để tiếp tục thực hiện thanh tra về hoạt động xây dựng ở Vĩnh Phúc.

"Cơ quan tố tụng đã niêm phong tất cả hồ sơ để phục vụ cho công tác điều tra, giờ Bộ Xây dựng lại tiếp tục thanh tra nữa. Dĩ nhiên, hồ sơ giấy tờ có thể làm nhiều bộ nhưng cùng một lúc huyện vừa phải tiếp thanh tra vừa phục vụ cơ quan điều tra thì rất không ổn.

Cần lưu ý rằng đoàn thanh tra cũ đã làm gần hết thời gian thanh tra, giờ Bộ Xây dựng bổ sung thành viên mới vào đoàn thanh tra và tiếp tục làm 25 ngày nữa thì huyện Vĩnh Tường cũng như doanh nghiệp nằm trong diện thanh tra từ nay đến cuối năm gần như "chết cứng", làm ăn được gì nữa.

Như vậy, xét về cả lý và tình đều không ổn. Bộ Xây dựng không nên tiếp tục thanh tra nữa mà nên tạm thời khoanh lại, bảo lưu kết quả thanh tra của đoàn trước, sau khi cơ quan điều tra kết thúc điều tra và chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát để tiến hành truy tố, xét xử, lúc bấy giờ tiến hành thanh tra tiếp cũng không muộn", ông Lê Việt Trường phân tích.

Một số điểm khác liên quan đến vụ đoàn thanh tra Bộ Xây dựng đòi chung chi mà ông Lê Việt Trường quan tâm, đó là hai thành viên trong đoàn thanh tra cũ không phải là công chức và việc Trưởng đoàn thanh tra cũ - bà Nguyễn Thị Kim Anh và một thành viên khác trong đoàn là chị em ruột.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội cho hay, pháp luật Việt Nam cho phép thành viên của đoàn thanh tra có thể không phải là cán bộ công chức mà là chuyên gia.

Ông dẫn ví dụ trong hoạt động của Quốc hội, khi Hội đồng Dân tộc, các ủy ban tổ chức các đoàn thanh tra đi giám sát, ngoài các thành viên chính thức là đại biểu Quốc hội thuộc Hội đồng dân tộc hay ủy ban đó, trưởng đoàn có thể quyết định mời thành viên của Hội đồng dân tộc hay các ủy ban khác, mời các đại biểu Quốc hội khác và mời các chuyên gia không phải là đại biểu Quốc hội nhưng có chuyên môn phù hợp với nội dung giám sát để giúp việc cho đoàn.

Tuy nhiên, các thành viên được mời nói trên không có quyền biểu quyết trong trường hợp đoàn giám sát ra quyết định.

Riêng việc hai chị em ruột cùng trong đoàn thanh tra, theo ông Lê Việt Trường là không thể được.

"Pháp luật không cấm việc này nhưng luật cán bộ công chức đã quy định, trong một đơn vị mà tồn tại quan hệ người nhà, kiểu cấp trên, cấp dưới như anh làm trưởng phòng, em làm thủ quỹ, kế toán là không thể được. Trong một đoàn thanh tra, giám sát, không nên có anh em ruột", ông Trường nói.

Đồng tình với quan điểm này, bà Lê Thị Thu Ba, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội khẳng định, đã đi thanh tra thì phải cử người sao cho đảm bảo tính khách quan, vô tư và trong đoàn không nên có mối quan hệ ruột thịt như vậy.

Bên cạnh đó, bà cũng lưu ý, thành viên đoàn thanh tra phải là thanh tra viên, mà thanh tra viên được bổ nhiệm từ công chức. Nếu có thành viên đoàn thanh tra không phải là công chức thì đó có thể là trường hợp cơ quan thanh tra đã trưng dụng chuyên gia, những người có chuyên môn tham gia cùng.

Đề cập đến trách nhiệm của lãnh đạo Bộ Xây dựng trong vụ việc đoàn thanh tra "vòi tiền", các ý kiến đều cho rằng lãnh đạo Bộ phải liên đới chịu trách nhiệm.

"Lãnh đạo đánh giá cán bộ, cử cán bộ đi, trong quá trình làm việc không thể buông lỏng để đoàn thanh tra muốn làm gì thì làm mà phải theo dõi sát sao, yêu cầu báo cáo định kỳ, không thể coi sai phạm của cán bộ là sai phạm cá nhân", ông Lê Việt Trường nhấn mạnh.

Tác giả: Thành Luân

Nguồn tin: Báo Đất Việt

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP