Giáo dục

Bỏ quên trẻ trên xe đưa đón: Đồ Rê Mí bị đình chỉ, Gateway lại không?

Sau vụ việc bé trai 6 tuổi trường Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, thêm một trường hợp tương tự xảy ra với trẻ 3 tuổi tại cơ sở mầm non Đồ Rê Mí (Bắc Ninh) khiến nhiều phụ huynh hoang mang.

Liên quan đến sự việc cháu Nguyễn Tấn Lợi (3 tuổi) của cơ sở Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí (xã Hoàn Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh) bị bỏ quên trên xe ô tô nhiều giờ đồng hồ, ông Nguyễn Tử Quỳnh - Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các cơ quan, đoàn thể liên quan tổ chức thăm hỏi, động viên gia đình trẻ và có biện pháp ổn định tình hình tại địa phương; Sở Y tế phối hợp với các đơn vị có liên quan chăm sóc tốt sức khỏe cho trẻ; Sở GD&ĐT chỉ đạo rà soát, kiểm tra các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học, thực hiện các biện pháp bảo đảm tuyệt đối an toàn trong quá trình đưa, đón trẻ.

Trong ngày hôm qua (16/9), cấp có thẩm quyền huyện Tiên Du đã quyết định tạm đình chỉ cơ sở Mầm non cao cấp Đồ Rê Mí phục vụ công tác điều tra.

Cơ sở mầm non Đồ Rê Mí, nơi xảy ra vụ việc trẻ 3 tuổi bị quên trên ô tô đã bị đình chỉ hoạt động. Ảnh: PV

Sau vụ việc nam sinh trường Gateway (Hà Nội) tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón, nhiều người đặt câu hỏi vì sao một sự việc tương tự có thể tái diễn sau hàng loạt cảnh báo và các quy định đưa ra để siết chặt an toàn việc đưa đón học sinh trong thời gian qua?

Nhiều phụ huynh cũng thắc mắc vì sao vụ việc liên quan đến trường Gateway khiến học sinh thiệt mạng, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhưng lại không đình chỉ hoạt động của trường này. Còn vụ việc xảy ra tại Bắc Ninh với trường mầm non Đồ Rê Mí, học sinh chưa thiệt mạng nhưng trường đã bị đình chỉ hoạt động?

Trường tiểu học Gateway vẫn hoạt động sau sự việc cháu bé tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón.

Nhìn nhận sự việc ở góc độ pháp lý, luật sư La Văn Thái, Giám đốc công ty luật Tầm nhìn & thịnh vượng cho biết việc tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động, tước giấy phép... là các biện pháp hành chính mà cơ quan quản lý Nhà nước áp dụng đối với các cơ sở giáo dục khi các cơ sở này có hành vi vi phạm pháp luật. Việc áp dụng các biện pháp hành chính phải có căn cứ và theo trình tự, thủ tục luật định.

Vụ việc xảy ra tại trường Gateway, cơ quan điều tra đã khởi tố vụ án, hậu quả được xác định là nghiêm trọng. Tuy nhiên, hiện nay cơ quan điều tra mới chỉ cho rằng trách nhiệm thuộc về cá nhân bà Quy (người phụ trách đưa đón trẻ) và ông Phiến (lái xe), chưa xác định rõ trách nhiệm của trường này nên chưa đề cập hình thức xử lý.

Trong quá trình điều tra, nếu cơ quan điều tra cho thấy trường Gateway có vi phạm về lĩnh vực giáo dục hoặc có liên quan, liên đới đến cái chết của nạn nhân thì cũng sẽ có biện pháp xử lý phù hợp. Nếu áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động cơ sở giáo dục tiểu học này thì cơ quan chức năng phải có đủ căn cứ và thực hiện theo trình tự, thủ tục, theo thẩm quyền quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục.

Nhiều phụ huynh hoang mang trước hàng loạt vụ việc bỏ quên trẻ tại các cơ sở giáo dục.

Còn đối với Cơ sở mầm non Đồ Rê Mí tại Bắc Ninh, rất may mắn là vụ việc để quên trẻ em trong xe không gây ra hậu quả đáng tiếc nhất là khiến học sinh thiệt mạng. Tuy nhiên, nếu đối chiếu với quy định, hoạt động của cơ sở mầm non này không chấp hành đúng pháp luật của Nhà nước, các quy chế, quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; không bảo đảm an toàn và chất lượng nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em… thì sẽ bị đình chỉ hoạt động để xem xét xử lý.

Ngoài ra, người vi phạm còn có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại cho gia đình nạn nhân bao gồm: chi phí cứu chữa, chi phí bồi dưỡng, phục hồi chức năng, chi phí tiền công cho người chăm sóc và tiền tổn thất về tinh thần theo quy định pháp luật...

Phân trần của lái xe để quên bé 3 tuổi trong xe

Ông Nguyễn Công Tỵ, phụ trách lái xe ô tô đưa đón trẻ và cũng là chồng của chủ nhóm trẻ tư thục Đồ Rê Mí (huyện Tiên Du, Bắc Ninh), cho hay, việc để quên trẻ ở trong xe là do sơ suất ngoài ý muốn.

Vợ ông Tỵ là chủ cơ sở nhóm trẻ tư thục Đồ Rê Mí, còn ông chỉ phụ trách công việc đưa đón trẻ. Do lượng học sinh có nhu cầu đưa đón của trường chưa nhiều, khoảng hơn 10 trẻ, nên ông Tỵ thường đi đón một mình.

"Ngày hôm đó, tôi đón trẻ như thường lệ. Về đến trường, tôi cùng các cô giáo đưa trẻ lên. Nhưng do bé ngủ ở hàng ghế dưới cùng nên tôi không phát hiện ra. Cũng vì tôi nhiều việc quá, vội quá nên không kiểm soát được. Chứ tôi cũng biết tới sự vụ diễn ra trước đó ở Hà Nội để kiểm tra hàng ngày.

Sau khi đón trẻ xong, tôi đánh xe lên gần sát gốc cây và mở hé cửa kính của xe rồi đi vào làm việc riêng. Đến khoảng hơn 15h, theo thói quen thường ngày tôi ra mở cửa để xe bớt nóng để học sinh khi lên được mát, thì phát hiện ra cháu bị như thế", ông Tỵ kể.

Sau đó ông Tỵ đã bế cháu ra và nhờ một người nữa đưa đi cấp cứu. Khoảng thời gian đó, chúng tôi ưu tiên để cấp cứu cho bé trước và chưa kịp thông báo ngay cho gia đình.

Hiện tại, tình trạng sức khỏe của cháu Lợi không còn nguy hiểm, đang được theo dõi tại Bệnh viện Nhi Trung ương

.

Tác giả: Nhật Tân

Nguồn tin: Báo Gia đình & Xã hội

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP