Xã hội

Phút cuối bất ngờ trong vụ tranh chấp mảnh đất mặt phố tiền tỷ

“Trước khi nhắm mắt xuôi tay, tôi có miếng đất để lại cho các con vậy mà chúng tranh giành, xâu xé lẫn nhau. Trong một lần cãi vã, con út đã dùng ghế đánh vào người cha, sau đó uống thuốc sâu tự tử”, bà Nguyễn Thị Tình kể.

Từng thụ lý rất nhiều vụ án liên quan đến vấn đề thừa kế, luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội, cho biết, không gì xót xa bằng việc cha mẹ, con cái trong một gia đình mâu thuẫn vì tài sản thừa kế.

Mỗi vụ án đều khiến anh cảm thấy day dứt, xót xa.

Luật sư Trương Anh Tú, Trưởng văn phòng luật sư Trương Anh Tú, Đoàn luật sư TP Hà Nội (Ảnh: nhân vật cung cấp)

Theo luật sư Tú, cuối tháng 8/2012, bà Nguyễn Thị Tình (70 tuổi, ở Hải Dương) tìm đến nhờ anh giúp đỡ. Trong cuộc nói chuyện, bà Tình liên tục mất bình tĩnh. Bà nói trong nước mắt: “Luật sư giúp tôi, con trai tôi vừa đánh bố rồi uống thuốc sâu tự tử".

Theo bà Tình, người con trai vừa gây nên sự vụ trên là Trần Ngọc Hải (32 tuổi, làm nghề xây dựng). Hôm đó Hải đi dự tiệc cưới của bạn về thì có to tiếng cãi vã và nói bóng gió chuyện ông Sửu, người cha của Hải, phân chia đất đai không đều.

Lúc ấy ông Sửu nghe con nói vậy cũng rất buồn lòng nhưng biết trong người con có men rượu nên ông bảo con vào nhà nằm nghỉ chứ không cự cãi, đôi co. Tuy nhiên Hải vẫn tiếp tục dùng lời lẽ nặng nề, hỗn lão với cha mình. Đến khi bà Tình khuyên ngăn, anh mới dừng lại.

Đến 12 giờ trưa, sẵn trong người có tí men, Hải tìm chìa khóa xe máy nhưng không thấy. Anh cho rằng cha đã giấu chìa khóa xe. Hải đến gặp ông để đòi nhưng ông Sửu nói không biết và mắng anh láo xược, không tôn trọng cha.

Sự việc đẩy lên đỉnh điểm khi Hải xông vào hùng hổ dùng chiếc ghế bên cạnh đánh cha, khiến ông mất đà, ngã đập đầu xuống đất, bất tỉnh.

Sau khi đánh cha xong, lợi dụng lúc mọi người bận rộn chuẩn bị xe đưa cha đi cấp cứu, Hải chạy vào trong phòng uống thuốc sâu tự tử. Cả gia đình hốt hoảng vì sự việc diễn ra quá nhanh, vội đưa cả 2 người đến bệnh viện cấp cứu. Nhờ được cấp cứu kịp thời, cha và con ông Sửu đều vượt qua được tình trạng nguy kịch.

Vẫn theo lời luật sư Tú, hai vợ chồng bà Tình sinh được ba người con (hai trai, một gái). Hải là còn út vốn ít nói, lại chịu khó làm ăn nhất trong nhà.

Lớn lên, các con ông bà lần lượt lấy vợ, lấy chồng và sống ngay gần nhà. Khi ông bà tuổi cao sức yếu, ông Sửu đã chia mảnh đất trị giá 1 tỷ ở mặt phố cho các con để chúng có thêm vốn làm ăn.

Thế nhưng bị vợ xúi giục, Hải cho rằng cha thiên vị, chia cho anh chị nhiều hơn mình nên nảy sinh lòng đố kỵ. Từ một người con có hiếu, Hải thay đổi tâm tính. Anh nhiều lần gây sự, lấy cớ say rượu xông vào nhà đánh cha mẹ. Người anh cả vì đỡ đòn cho cha mà bị Hải đánh gãy tay, giảm khả năng lao động.

Sau khi ông Sửu bình phục, ông tuyên bố từ mặt con. Về phía Hải, anh không biết hối lỗi mà còn tỏ thái độ hung hăng hơn. Cha mẹ ốm đau, hai vợ chồng anh cũng bỏ mặc không hỏi thăm lấy một lời. Sợ khi hai vợ chồng mất đi, Hải sẽ vì tài sản mà gây chuyện với anh chị nên bà Tình quyết định đến gặp luật sư nhờ tư vấn làm di chúc.

Mặc dù, rất giận con trai nhưng bà Tình vẫn cho Hải được hưởng một phần tài sản. Theo đó, tài sản này sẽ chia làm 6 phần, anh cả được 3 phần, chị gái được 2 phần còn Hải được 1 phần.

Sau khi ông Sửu, bà Tình qua đời, Hải đã làm đơn khởi kiện ra tòa, yêu cầu tòa chia lại. Tuy nhiên khi các luật sư công khai bản di chúc, tòa án quyết định phân chia gia sản thừa kế theo bản di chúc đó.

"Bản di chúc được lập hoàn toàn đúng trình tự pháp luật, khi vợ chồng bà Tình còn minh mẫn khỏe mạnh nên đó là một căn cứ để tòa án xem xét và giải quyết vụ án khách quan, công bằng nhất", luật sư Tú nói.

Trước phán quyết của tòa án, Hải lầm lũi ra về, không còn dám ý kiến, tranh giành với anh chị. Tuy nhiên vào ngày giỗ mẹ, người anh cả vẫn mời vợ chồng Hải đến. Tại đây, người anh này tuyên bố sẽ bán mảnh đất cha mẹ để lại, chia cho vợ chồng Hải một nửa. Người anh cả cho biết, đây là di nguyện cuối cùng của mẹ trước khi lâm chung.

Theo đó, một mặt bà Tình vẫn nhờ luật sư lập di chúc. Mặt khác, trước khi mất, bà trăng trối lại với con trai cả nếu em trai biết sửa sai thì bán mảnh đất, chia cho em một nửa.

Bà làm vậy để các con hiểu rằng, dù có bao nhiêu tiền bạc, tài sản cũng không thể mua được tình cảm máu mủ, ruột thịt. Nghe anh trai nói, mắt Hải đỏ hoe, quỳ gối trước bàn thờ xin cha mẹ tha thứ.

Theo luật sư Tú, đây là một vụ án hết sức đau lòng. Vì tranh chấp tài sản mà con đánh cha, anh chị từ mặt em để rồi khi nhắm mắt xuôi tay, người cha, người mẹ vẫn còn mang nhiều suy tư và đau đớn.

Tác giả: Hạnh Thúy - Nhật Linh

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP