Phong tục "nhúng giã" đầu năm của ngư dân
Ngày 17/2, lễ hội cầu ngư, mở cửa biển đã diễn ra tại xã Ngọc Bích, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An.
![]() |
Lễ hội cầu ngư, mở cửa biển là nghi thức truyền thống của cư dân vùng biển. |
Ông Cao Đức Nguyên, Chủ tịch UBND xã Ngọc Bích, trưởng ban tổ chức cho biết, lễ hội cầu ngư, mở cửa biển là nghi thức truyền thống của cư dân vùng biển. Từ xa xưa, vào dịp đầu Xuân, nhân dân thường tổ chức lễ hội cầu ngư kết hợp với cầu yên, cầu tài để mong sự an lành, may mắn và thành công.
Lễ hội cầu ngư năm 2025 nhằm phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cầu mong năm mới với nhiều thắng lợi mới, mọi nhà ấm no, hạnh phúc; mưa thuận gió hòa, trời yên biển lặng, khai thác hải sản được nhiều cá tôm.
Đồng thời mở rộng giao lưu văn hóa giữa các xã trong huyện, góp phần đẩy mạnh phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, quảng bá và thu hút khách thập phương về với quê hương Ngọc Bích.
Lễ hội gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ với các nghi lễ truyền thống như: Lễ khai quang, Lễ yết cáo, Lễ cầu ngư - lễ Đại tế, Lễ tạ, Lễ cầu yên, Lễ thả hoa… thể hiện lòng thành kính, tri ân đến các vị chư thần và kính thỉnh các chư thần phù hộ cho mưa thuận, gió hòa, quê hương thanh bình, phát triển.
Điểm nổi bật trong lễ thả hoa trên sông Bùng nối Cảng cá Đông Lộc với cửa biển Lạch Vạn, ngư dân trên 9 tàu thuyền tham gia rước lễ thực hiện nghi thức "nhúng giã".
"Đây là hoạt động mang ý nghĩa khai mở cửa biển, đánh dấu mùa khai thác hải sản của ngư dân; cầu mong luồng lạch luôn khơi thông, ngư dân ra khơi, vào lộng được thuận lợi, bình an, những chuyến đi biển khai thác được nhiều tôm cá, mùa màng bội thu", Chủ tịch xã Ngọc Bích cho biết.
![]() |
Lễ hội phát huy giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, cầu mong năm mới với nhiều thắng lợi mới. |
Phần hội với các nghi thức rước kiệu, múa lân sư rồng, lễ rước nhúng giã, rước hoa, rước vật phẩm tế lễ… có sự tham gia của hàng ngàn người dân nghênh kiệu, tế nam quan, nữ quan, bát âm, dâng hương hoa, đồ tế lễ, kéo trống… trên đoạn đường gần 1km từ đền Cả sang Cảng cá Đông Lộc.
Ngoài ra, ban tổ chức còn triển khai các trò chơi dân gian như kéo co, bịt mắt bắt vịt… mang tính cộng đồng, thu hút nhiều người tham gia. Đặc biệt, phần thi đan lưới giã với sự tham gia của 4 đội chơi đã tái hiện sự hình thành, phát triển gần 100 năm qua của nghề sản xuất ngư lưới cụ của cư dân làng biển, thu hút đông đảo người dân reo hò, cổ vũ.
Phát triển kinh tế của người dân vùng biển
Xã Ngọc Bích có diện tích chỉ gần 6km2, nhưng có hơn 29.000 nhân khẩu. Trong đó, nghề khai thác hải sản đã có truyền thống hàng trăm năm, được nối nghề qua nhiều thế hệ ngư dân.
Với tiềm năng kinh tế biển gồm cả về phát triển du lịch, dịch vụ lẫn khai thác hải sản đã giúp ngư dân cải thiện đời sống rõ nét. Hiện nay, xã có gần 470 phương tiện tàu thuyền chuyên khai thác hải sản.
![]() |
Nghề biển đã giúp người dân ổn định cuộc sống, cải thiện kinh tế. |
Vì vậy, tục "nhúng giã" là một nghi thức độc đáo, được thực hiện đầu năm mang ý nghĩa xuất hành, khai mở cửa biển, cầu mong cho một năm mới với những chuyến vươn khơi gặp may mắn, biển lặng, an yên, thuận lợi và cho nhiều hải sản.
Hoạt động này đã tạo nên sự sôi động, tấp nập trở lại tại các bến bãi, luồng lạch, cửa biển sau nhiều ngày các tàu, thuyền gối bãi nghỉ ngơi tại các khu neo đậu.
Trước khi khởi động máy móc, tháo gỡ dây cột khỏi ụ nổi, thu neo lên tàu, thuyền để rời bến bãi, chủ phương tiện phải mang vật phẩm gồm: hoa quả, bánh kẹo, vàng hương..., thành kính dâng lên ban thờ trong khoang lái và cầu khấn thần sông, thần biển phù hộ nhiều điều may mắn, sức khỏe dồi dào cho chủ phương tiện và bạn nghề.
![]() |
Vì vậy, đầu năm các ngư dân thường tổ chức nghi thức "nhúng giã" với ý nghĩa xuất hành, khai mở cửa biển. |
Đặc biệt, phong tục này cầu mong một năm mưa thuận gió hòa, không gặp sự cố bất trắc như bão, lốc xảy ra; phương tiện vận hành ổn định để những chuyến vươn khơi có tôm cá đầy khoang; anh em thuyền viên, bạn nghề luôn tương trợ, đoàn kết, yêu thương nhau.
Điều dễ nhận ra nhất ở mỗi chiếc tàu, thuyền thực hiện nghi thức "nhúng giã" là bộ phận mắt thuyền đã được làm mới, lau chùi sạch sẽ, tô vẽ bằng sơn trắng, đen nổi bật giữa nền đỏ.
Phần mũi thuyền được cắm chắc chắn một bó hoa cúc vàng. Trên hệ thống cột được cắm cờ Tổ quốc và khung sắt để tời giã được trang trí đẹp mắt, mang không khí ấm áp của mùa Xuân.
![]() |
Tổ chức nghi thức là khát khao, mong muốn của ngư dân một năm khai thác được nhiều tôm cá. |
Thời điểm thực hiện việc "nhúng giã" có thể diễn ra vào bất cứ thời điểm nào trong ngày nhưng không thực hiện vào buổi tối hoặc lúc rạng sáng. Sau thời gian từ 1 giờ đồng hồ kéo lưới giã, chủ phương tiện sẽ thu lưới, hoàn tất nghi thức "nhúng giã" đầu năm cho tàu, thuyền về bến.
Nguồn hải sản đánh bắt được sau nghi thức "nhúng giã" sẽ được chia đều cho thuyền viên, anh em họ hàng, bà con thôn xóm để "lấy lộc biển".
Tác giả: Nguyễn Anh Ngọc
Nguồn tin: nguoiduatin.vn