Ngày 6-6, TAND Cấp cao tại TP HCM mở phiên phúc thẩm xét xử ông Tất Thành Cang (nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP HCM) cùng các đồng phạm trong vụ án "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí" xảy ra tại Công ty SADECO (Công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận- IPC).
Ở phần thủ tục, chủ tọa thông báo bị cáo Vũ Xuân Đức (nguyên Phó tổng giám đốc IPC) vắng mặt do đang bị tạm giam trong một vụ án khác và sẽ được dẫn giải đến phiên xử trong ngày hôm sau.
Trước đó, hồi tháng 1-2022, sau khi TAND TP HCM xét xử sơ thẩm và tuyên án, ông Tất Thành Cang và các đồng phạm kháng cáo, yêu cầu cấp phúc thẩm xem xét lại bản án của tòa sơ thẩm đã tuyên; xem xét về tội danh và xin giảm nhẹ hình phạt.
Ông Tất Thành Cang tại phiên tòa phúc thẩm |
Nêu lý do kháng cáo, ông Tất Thành Cang đề nghị tòa án cấp phúc thẩm xem xét tội danh mà TAND TP HCM đã tuyên. Ông Cang cho rằng tội danh mà tòa sơ thẩm đã tuyên là chưa phù hợp. Đồng thời việc vi phạm pháp luật của ông là do thuộc cấp không trung thực, gian dối vốn của Văn phòng Thành ủy tại SADECO khiến bị cáo chỉ đạo không chính xác.
Bị cáo Tề Trí Dũng (nguyên Chủ tịch HĐQT Công ty SADECO) kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. "Bị cáo đã nỗ lực khắc phục hậu quả trong các giai đoạn khởi tố, điều tra. Sau phiên toà sơ thẩm, gia đình của bị cáo đã bồi thường số tiền mà bị cáo phải liên đới bồi thường cho Sadeco 465 triệu đồng. Mong HĐXX phúc thẩm xem xét tổng thể, khách quan và toàn diện vụ án để xét xử bị cáo, phù hợp với các chứng cứ khách quan".
Bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc (nguyên Tổng Giám đốc SADECO) và các bị cáo khác cũng giữ nguyên kháng cáo, mong cấp phúc thẩm xem xét lại tội danh và giảm án.
Bị cáo Tề Trí Dũng được xác định có vai trò chủ mưu, đã lợi dụng chức vụ quyền hạn thực hiện một số hành vi phạm tội, gây thiệt hại cho Sadeco 1.103 tỉ đồng. Trong đó, thất thoát tài sản nhà nước là hơn 669 tỉ đồng, gồm vốn của UBND TP.HCM hơn 485 tỉ đồng, tương đương 44%; vốn của Thành ủy TP HCM hơn 184 tỉ đồng, tương đương 16,7%.
Cụ thể, trong việc phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, các cá nhân có chức vụ tại SADECO, IPC và người đại diện vốn đã thực hiện các thủ tục thông qua việc phát hành 9 triệu cổ phần SADECO cho Công ty Nguyễn Kim mà không thông qua đấu giá, đấu thầu. Điều này trái với quy định.
Bên cạnh đó, Tề Trí Dũng và Hồ Thị Thanh Phúc còn được xác định đã chi tiền của SADECO cho một số cá nhân không thuộc diện du lịch nước ngoài nhưng vẫn đi dưới danh nghĩa "tham quan, khảo sát, học tập" trái quy định, gây thiệt hại cho Công ty SADECO gần 3,6 tỉ đồng. Trong đó thất thoát, thiệt hại cho vốn nhà nước gần 2,2 tỉ đồng.
Đối với hành vi "Tham ô tài sản", các bị can bị xử lý vì sai phạm trong việc sử dụng số tiền từ nguồn tiền thù lao và quỹ khen thưởng của người đại diện vốn không chuyên trách trong các năm 2016, 2017 và 2018.
Trước đó, ngày 8-1-2022, TAND TP HCM tuyên phạt bị cáo Tất Thành Cang mức án 10 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Cùng tội danh, HĐXX phạt bị cáo Phạm Văn Thông (nguyên Phó Chánh Văn phòng Thành ủy TP HCM) 6 năm tù. Ngoài ra, HĐXX đưa ra hình phạt 11 năm tù về tội "Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí", 9 năm tù về tội "Tham ô tài sản" đối với bị cáo Tề Trí Dũng. Tổng hợp, bị cáo này thi hành mức án 20 năm tù. Là đồng phạm, bị cáo Hồ Thị Thanh Phúc lãnh 16 năm tù về hai tội danh trên. Những bị cáo còn lại lãnh mức án từ 2 năm tù cho hưởng án treo đến 13 năm tù. |
Tác giả: Phạm Dũng
Nguồn tin: Báo Người Lao Động