Chiều 20/6, phiên tòa phúc thẩm xem xét đơn kháng cáo của ông Nguyễn Đức Chung và Nguyễn Trường Giang (Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ Arktic) trong thương vụ mua chế phẩm Redoxy 3C tiếp tục phần thẩm vấn.
HĐXX dành hơn 2 giờ để cho ông Chung trả lời những vấn đề liên quan đến việc mua hóa chất từ Công ty Watch Water (Đức) thông qua Công ty Arktic trái quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ đồng.
Trả lời thẩm vấn đại diện VKS cùng nhóm luật sư, ông Chung tiếp tục phủ nhận các nội dung trong bản án sơ thẩm về việc cựu Chủ tịch Hà Nội đã hậu thuẫn, 'bật đèn xanh' cho Công ty Arktic độc quyền nhập chế phẩm về Hà Nội. Bên cạnh đó, ông Chung cũng bác cáo buộc Arktic là công ty của gia đình mình.
Ngoài những nội dung trên, cựu Chủ tịch Hà Nội dành nhiều thời gian để nêu quan điểm về việc tại phiên tòa sơ thẩm đầu tháng 12/2021, gia đình ông đã nộp khắc phục 10 tỷ đồng. Thời điểm đó, luật sư của ông Chung cho hay nguồn tiền do gia đình bị cáo chuẩn bị, nộp với mục đích bảo lãnh trong trường hợp bị cáo phải bồi thường trách nhiệm dân sự thì sẽ khấu trừ vào số tiền này.
Ông Chung đề nghị tòa phúc thẩm cho trưng cầu thiệt hại vụ án. Ảnh: Hải Nam. |
Khi tuyên án vào chiều 13/12, HĐXX tuyên ông Chung tổng mức án 13 năm tù và buộc bị cáo khắc phục hậu quả với số tiền 25 tỷ đồng. Tòa ghi nhận phía bị cáo đã nộp 10 tỷ (do chị gái ông Chung nộp thay em trai).
Tại phiên phúc thẩm, ông Nguyễn Đức Chung kiến nghị HĐXX xem xét số tiền 10 tỷ đồng mà chị gái bị cáo là bà N.T.V. đã nộp hơn nửa năm trước. Ông Chung mong muốn được trao đổi trực tiếp với chị gái mình để cân nhắc về việc nộp khoản tiền này và làm rõ số tiền đó là của gia đình hay phải đi vay.
Chủ tọa thông báo trước khi diễn ra tranh tụng, chị gái của ông Chung được tòa triệu tập với tư cách người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Song bà V. có đơn xin xét xử vắng mặt vì sức khỏe.
Trong đơn của bà V. được HĐXX công bố, người phụ nữ nói trước khi tòa tuyên án sơ thẩm, bà thương xót em trai bị truy tố ở khung hình phạt cao, nên vay mượn tiền từ bạn bè, người quen để nộp 10 tỷ đồng khắc phục hậu quả cho em trai. Việc này bà không bàn bạc với ông Chung. Trường hợp ông Chung vẫn bị kết tội, thì bà xin tự nguyện khắc phục số tiền trên, không đề nghị trả lại.
Từ trái qua là các bị cáo Võ Tiến Hùng, Nguyễn Trường Giang. Ảnh: Hải Nam. |
Sau khi nghe HĐXX công bố đơn của bà V., ông Nguyễn Đức Chung đã đề nghị tòa cho phép được gặp chị gái để xác nhận lại nguồn gốc số tiền 10 tỷ đồng. Ông Chung còn lập luận nếu có quyết định đúng đắn của cơ quan pháp luật về việc giám định thiệt hại, thì bị cáo sẽ xin gặp vợ và gia đình, thậm chí vay mượn tiền để khắc phục hậu quả.
Tuy nhiên, ông Chung cho rằng các cơ quan tố tụng xác định giá trị thiệt hại của vụ mua hóa chất là hơn 36 tỷ đồng là không đúng. Bị cáo mong cấp phúc thẩm ra quyết định trưng cầu giám định thiệt hại tài sản trong vụ án vì đây là điều mà giai đoạn sơ thẩm chưa được thực hiện.
“Kể cả con số cao hơn tôi cũng sẽ khắc phục ngay”, ông Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh.
Đánh giá những lập luận trên của ông Chung, chủ tọa Nguyễn Văn Sơn khẳng định vụ án này không thuộc trường hợp phải trưng cầu giám định thiệt hại. Do đó, HĐXX nhận thấy kết luận của tòa án cấp sơ thẩm là hoàn toàn hợp lý.
Sáng nay (21/6), phiên tòa phúc thẩm tiếp tục phần tranh tụng.
Theo bản án sơ thẩm, tháng 5/2016, ông Chung với vai trò người đứng đầu chính quyền Hà Nội, đã chỉ đạo nghiên cứu thử nghiệm chế phẩm Redoxy 3C. Sau đó, ông Chung tạo điều kiện để Nguyễn Trường Giang đi cùng đoàn công tác của UBND thành phố sang Đức tham quan, dự triển lãm xử lý ô nhiễm môi trường. Mục đích để Giang tiếp cận, tham gia vào quá trình mua bán hóa chất Redoxy 3C về bán cho Công ty Thoát nước. Sau khi được ông Chung hậu thuẫn, Công ty Arktic đã độc quyền nhập chế phẩm. Ngoài ra, dưới sự chỉ đạo không bằng văn bản của ông Chung, bị cáo Hùng còn ủy quyền cho cấp dưới ký hợp đồng mua hóa chất với Arktic. Hành vi của 3 bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước hơn 36 tỷ. |
Tác giả: Hoàng Lam
Nguồn tin: zingnews.vn